Xuân Bính Thân 2016

Những "quan tòa” chân đất

Thứ Năm, 28/01/2016 | 14:51

Tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều “quan tòa” ngồi ghế chủ tọa khi chân vẫn còn lấm bùn để phân xử những mâu thuẫn, tranh chấp… Phiên xử của những “bao đại nhân” này tuy không diễn ra ở chốn pháp đình, nhưng với lối xử án tài tình, họ đã khiến bà con nông dân phải tâm phục khẩu phục…

“Quan tòa” Kim Khỏe (bìa trái) và Trần Văn Sang (người thứ hai từ phải sang) nhận bằng khen của UBND tỉnh về thành tích hòa giải ở cơ sở. Ảnh: M.Đ

“Giải quyết xong tôi còn đi ruộng” - câu nói này là của hòa giải viên kiêm Trưởng ấp Hậu Bối 2 (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) - Trần Văn Sang, trong một lần phân xử. Đó cũng chính là thời điểm anh trở thành “quan tòa” bất đắc dĩ nổi tiếng khắp xóm, ấp khi tham gia hòa giải các vụ việc tranh chấp. Ở quê, trưởng ấp cũng chính là người sâu sát, gần và hiểu dân nhất. Nhớ từng mái nhà, thậm chí còn có thể kể tên vanh vách mọi thành viên của bất kỳ gia đình nào trong ấp. Chẳng có bản án, quyết định với con dấu, quốc huy, nơi phân xử cũng không phải chốn pháp đình, có khi chỉ ở một góc bờ ruộng, nhưng việc giải quyết lại được các bên chấp thuận vì nó hợp lý, hợp tình.

Nhắc tới ông Kim Khỏe - Tổ trưởng Tổ hòa giải khóm 1 (phường Hộ Phòng) là người ta nhớ ngay “ông tòa” của dân với những lần “phá án” ly kỳ. Cũng thụ lý vụ việc (nhận đơn của đương sự gửi đến khóm), rồi đi xác minh. Với cách làm khoa học, nhiệt tình và tâm huyết, nhiều vụ việc mâu thuẫn gay gắt tưởng chừng sẽ đưa nhau ra tòa, nhưng cuối cùng lại được hòa giải thành ở ấp. Mỗi tranh chấp, mâu thuẫn, khi nhận vụ việc, “ông tòa” Khỏe truy nguyên đến tận gốc, tận nguồn. Cho đến khi nắm rõ sự việc, biết ai đúng, ai sai, ai có chứng cứ, ai không thì mới tính đến chuyện phân xử. Nếu bản án của tòa, phải đảm bảo tính pháp lý thì ở khóm, ấp, chuyện xử án phụ thuộc vào tình cảm là chính. Lấy tình làng nghĩa xóm, vận dụng uy tín của mình, của người khác, cộng thêm chút kiến thức để đảm bảo việc giải quyết không trái luật, nhiều vụ việc nhanh chóng được hòa giải.

Yếu tố làm nên những “ông tòa” chân đất bên cạnh sự nhiệt tình thì mức độ uy tín cực kỳ quan trọng. Như ông Phan Văn Thành (76 tuổi, Tổ trưởng tổ hòa giải khóm 4, phường 7, TP. Bạc Liêu) là một điển hình. Sinh sống tại địa bàn trên 50 năm, có thể nói ngoài tuổi tác thì ông Thành là một người có uy tín ở khu dân cư. “Bởi có uy tín nên mấy đứa đáng tuổi con cháu nó nghe, còn mấy người lớn thì hiểu mình cũng xí xóa cho nhau”, ông Thành chia sẻ. Đối với ông, giải quyết mỗi vụ việc, mỗi mâu thuẫn đều phải có “sách lược”, phải điều nghiên kỹ càng. Và khi đã “đánh” thì phải “thắng”. Có năm, khóm 4 không có vụ việc nào phải đưa lên phường hòa giải, bởi 100% vụ việc được hòa giải thành tại khóm.

Một thực tế minh chứng, hễ địa phương nào lực lượng hòa giải cơ sở mạnh, các hòa giải viên đảm đương tốt công việc của mình, tạo được sợi dây liên kết với nhân dân theo kiểu nói dân nghe, giải quyết thấu tình đạt lý thì chính quyền địa phương ở đó rất nhẹ và khỏe; bởi tranh chấp, mâu thuẫn mới manh nha, đã bị dập tắt từ trong trứng nước… Và đây cũng chính là lực lượng góp phần đắc lực trong việc làm dừng, làm giảm tình trạng khiếu nại, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Khánh Minh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.