Xuân Bính Thân 2016
Tết Bính Thân nhớ Tết Mậu Thân
Tết Mậu Thân mà tôi muốn nói đã thật là xa xôi, cách đây 48 năm. Và sau này chúng ta hay gọi đó là Tết tổng tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1968. Lúc ấy tôi mới tròn 8 tuổi, vậy mà thật lạ, bây giờ ngồi nhấp chén trà xuân Bính Thân, nhớ lại tết cũ, tôi thấy nó rõ ràng cụ thể đến từng chi tiết, trong nỗi hoài cảm dâng trào, cứ muốn “ôn cố tri tân”.
Nấu bánh tét chiều 30 Tết. Ảnh: Trần Cương
Xóm tôi nằm ở ven sông Bạc Liêu và chỉ cách TP. Bạc Liêu non 7 cây số, tính theo đường chim bay. Kể từ năm 1967, Mỹ leo thang chiến tranh thì mảnh đất này bom pháo đầy trời. Chiều chiều chiếc đầm già (máy bay trinh sát L19) từ chợ Bạc Liêu bay ra, ngó nghiêng liếc dọc là y như tối đến xóm tôi chịu một trận pháo 105 ly dội lên đầu, cũng từ chợ Bạc Liêu bắn ra. Thỉnh thoảng tàu chiến Mỹ đi trên sông Bạc Liêu bắn lên xóm như vãi trấu. Xóm chỉ có mấy chục nóc gia, nằm cách nhau một tiếng hú mà xơ xác điêu tàn. Mỗi nhà đều tự đắp cho mình một căn hầm tránh pháo, có người gọi là “tăng xê” 4 phía bằng đất, chừa một cửa ra vào nhỏ, trên nóc hầm thì gác cây và đắp đất lên. Hầm chỉ tránh được đạn nhọn và mảnh pháo, còn nếu pháo bắn trúng hầm thì chết cả gia đình. Hồi đó ở xóm tôi có 1 - 2 gia đình chết như thế.
Chuẩn bị đón tết. Ảnh: Nhân Nhân
Đầu năm 1968 thì Mỹ ngụy càn bố dữ dội, bởi xóm tôi là vùng ven, cách mạng dựa vào những cụm rừng chồi sau hậu làng để trú ngụ, làm bàn đạp vào nội thành hoạt động. Tôi nhớ, sau Tết Nguyên đán 1967, lính đồn Hưng Hội phát hiện sau cụm rừng nhà tôi và chú Tư Địch có mấy căn hầm bí mật của cách mạng, thế là chúng đốt nhà, bắt người về cái tội nuôi chứa cộng sản. May mà trước đó, linh cảm được điều không lành, gia đình tôi, chú Tư Địch cùng mấy nhà trong xóm đã bồng bế xuống ghe vào chùa Cả Giá lánh nạn.
Chùa Cả Giá ngày xưa là một ngôi chùa của người Khmer lớn nhất vùng này. Nhà chùa chẳng những cho những người chạy giặc vào lánh nạn, mà cả thanh niên người Kinh trốn quân dịch cũng được vào ở bằng cách cạo đầu làm sư sãi. Nhiều lần cảnh sát ngụy bố ráp nhưng trước sự đấu tranh quyết liệt của các nhà sư, chúng không vào được lãnh địa ngôi chùa.
Những gia đình tản cư chúng tôi che chòi, khiêng mui ghe bằng lá chằm để làm chỗ trú ngụ giữa mấy cái tháp để hài cốt những cao tăng đã viên tịch. Hồi đầu thì bọn trẻ sợ, nhưng những người lớn tuổi bảo trong mấy cái tháp ấy không phải là ma mà là Phật, Phật thì lành và che chở con người. Thế là hết sợ! Song, đời sống thì khổ lắm, nhiều gia đình chạy giặc ở chùa Cả Giá vốn là nông dân, cuộc sống gắn liền với mảnh vườn thửa ruộng, ra đi là dứt nguồn sống, họ phải bung ra mua gánh bán bưng. Đói quá thì chùa cho ăn, cho gạo, được cái là đến lễ lộc của người Khmer thì chúng tôi vui như hội.
Đến khoảng 20 tháng Chạp thì dân tản cư ở chùa Cả Giá cảm nhận được một điều lạ, chiến tranh đang rất khốc liệt bỗng như ngừng hẳn ở các xóm làng vùng ven. Hàng ngày không thấy chiếc đầm già lượn lờ như mọi khi, tối không còn cảnh pháo 105 ly dội xuống làng xóm, lính ngụy cũng rút vào cố thủ trong đồn, thôi đi ruồng bố. Sự ngưng chiến tranh đột ngột, bất thường ấy khiến người ta linh cảm một điều gì lớn lao sắp xảy ra. Và rồi 30 Tết năm đó nó đã xảy ra, đó là cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968 của lực lượng cách mạng vào các đô thị miền Nam. Chiến tranh chuyển trọng điểm vào chợ Bạc Liêu, còn các làng xóm vùng ven được hưởng một cái tết thanh bình, hiếm hoi của thời chiến tranh.
Xin trở lại những gia đình tản cư ở chùa Cả Giá. Nghe tin xóm làng yên ắng, thế là họ khiêng mui ghe, dọn nồi niêu, mùng mền xuống ghe mà “hồi cố thổ”. Mà cố hương bấy giờ là cảnh điêu tàn hoang phế. Mới xa làng có vài tháng mà vật đổi sao dời đến dường ấy. Ghe vừa cập bến, ba má tôi đã rớt nước mắt trước cảnh hoang phế của nhà cũ, cái bếp sập vì đạn pháo nổ gần, bàn thờ ông bà nội tôi lỗ chỗ mảnh pháo, lư hương văng xuống đất vung vãi khắp nơi, chuột chạy trong nhà rần rần, mái nhà phủ trùm dây bìm bìm, trái giác. Nhìn vào như “nhà hoang chết chủ”, ngó ra vườn thì hoang phế, dừa bị pháo triệt cụt đầu, cỏ dại mọc tràn lan. Hồi đi tản cư, gia đình tôi mới kịp cấy xong vụ lúa mùa muộn, đến giờ lúa chín nhưng cỏ nước mặn mọc nhiều hơn lúa. Thế là chỗ nào gặt được thì gặt, chỗ nào cỏ nhiều anh em chúng tôi cắp thúng đi mót lúa.
Ngày 20 tháng Chạp, chúng tôi về đến là cả xóm sửa sang nhà cửa, thu hoạch mùa màng, tất cả dường như phải làm lại từ đầu. Nhưng trời cũng thương. Tôi nhớ năm đó cá nhiều lắm. Đồng khô, cá rút về đìa ăn móng như cơm sôi. Còn ở dưới sông thì vô số cá nước lợ. Cứ 2 - 3 gia đình vạn vần đổi công tát đìa để thu hoạch cá chở ra chợ Bạc Liêu bán để mua sắm tết.
Rồi cuộc sống của làng tôi phút chốc cũng trở về bình thường, 27 Tết đã thấy rộn ràng sinh hoạt chuẩn bị tết. Mấy bà già rọc lá chuối đem phơi rồi luân phiên hết nhà này đến nhà khác gói bánh tét. Cũng giống như thế, các cô thôn nữ túm tụm sên mứt dừa, nướng bánh bông lan với những trận cười giòn tan trong chái bếp. Khi đêm xuống, tiếng quết bánh phồng lan dài theo xóm nhỏ. Tối 30 Tết, mỗi nhà đều có một bếp lửa ngoài hè để nấu bánh tét, đứng từ xa nhìn làng tôi như điểm sáng những vầng hoa lửa.
Đến 30 Tết, cả làng đồng loạt rước ông bà, cũng cỗ bàn, bánh trái đầy đủ. Đặc biệt là cái bàn thờ giữa nhà ai cũng tươm tất cặp dưa chưng, dĩa ngũ quả, bánh mứt. Làng tôi có cái lệ 30 Tết là người ta kéo nhau ăn nhậu từ nhà này qua nhà khác cho đến mút xóm thì thôi. Anh Tư Sành còn lấy cái thúng xúc lúa dán giấy hồng đơn làm cái đầu lân đi múa chúc tết từng nhà, làm cho không khí Tết Mậu Thân càng thêm náo nhiệt. Đến giao thừa, nhà ai cũng thắp đèn, nhang khói thơm lừng cả xóm. Đó là lúc người ta thắp nhang bàn thờ rồi lạy mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Sáng mùng 1 Tết, cả làng mặc quần áo mới đi chúc tết bà con láng giềng, đi đến đâu là cỗ bàn dọn ra, vui say như bất tận.
Các cổ tục của tết dân tộc được triển khai một cách hồn nhiên và mạnh mẽ ở các xóm vùng ven vào mùa xuân năm 1968. Nhìn cứ tưởng chưa từng có chiến tranh xảy ra, chưa từng có tang tóc, đau thương phủ trùm lên đất này. Không! Nó từ trong hoang tàn, khổ ải máu lệ nhất của chiến tranh mà đi ra, đứng dậy. Nhìn nó ta bất ngờ nhận ra tập quán, truyền thống giúp con người sống đúng kiếp người. Nó chính là văn hóa, mà văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh của dân tộc. Nó giúp cho dân tộc ta đi qua chiến tranh đến bến bờ hạnh phúc.
Tôi ngồi trong một buổi sớm mai đẹp lộng lẫy của xuân Bính Thân hôm nay nhớ về xuân Mậu Thân của 48 năm trước mà bùi ngùi, rồi chợt quý chợt yêu cái tết của ông bà xưa để lại, đang hiện hữu, ngự trị khắp đất trời.
Phan Trung Nghĩa
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường