Xuân Canh Tý 2020
Cánh “Đồng chó ngáp” Từ huyền thoại đến kỳ tích
“Ðồng chó ngáp” - cánh đồng huyền thoại đã đi vào lịch sử của hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Nổi tiếng một thời nghèo khó, vậy mà giờ đây, cũng trên chính đồng đất này, người dân xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân) đã làm nên một kỳ tích mới về sự năng động và giàu có, được mệnh danh là xã giàu nhất trong các xã nông thôn mới của tỉnh.
Diện mạo nông thôn mới xứ Nhà Lầu.
Vượt đường dài hơn 70 cây số, chúng tôi không còn mệt mỏi trước sự choáng ngợp của hàng loạt ngôi biệt thự ở “xứ Nhà Lầu” - ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 (xã Ninh Thạnh Lợi A). Trong mắt chúng tôi, cái tết vui đang đến rất sớm với người dân nơi này.
Ông Hai Thương (72 tuổi, ấp Nhà Lầu 1) tiếp đón chúng tôi bằng món khai vị “nhấp nhẹ” với 4 con cua thịt nặng gần 2kg. Ông bảo: “Ngon vậy mà nó chê cua mềm, tui không thèm bán, để ăn cho sướng”. Mở đầu câu chuyện, Hai Thương tấm tắc: “Có lộ lớn, có cầu, có xe hơi…, tết này dân Nhà Lầu vui không tả nổi”. Ông đúc kết, chưa lúc nào cái xứ sở này phát triển mạnh mẽ như mấy năm gần đây. Nếu như cánh “Đồng chó ngáp” đã ghi dấu một thời nghèo khó thì bây giờ con tôm, con cua, con cá không chỉ giúp dân xóa đói giảm nghèo mà còn giàu lên rất nhanh. Hai Thương khẳng định: “Không giàu sao được, chỉ cần một con cua gạch nặng nửa ký thôi là bỏ túi khoảng 150.000 - 180.000 đồng. Thậm chí vào mùa tết, 1kg cua gạch tăng lên 600.000 - 700.000 đồng. Cho nên cua mà chịu trúng thì người dân đã đủ làm giàu”. Riêng tôm nuôi quảng canh, theo ông Hai Thương, hễ trúng một phát là bỏ túi cả trăm triệu đồng, chỉ cần thả giống và chờ ngày thu hoạch. Cuộc sống đủ đầy đến nổi cái cổng nhà mà Hai Thương cũng phải đặt mua ở TP. Hồ Chí Minh đem về. Và chỉ tính riêng cái cổng và hành lang nhà, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng.
Ông Hai Thương (ấp Nhà Lầu 1) nói: “Con cua đã giúp biết bao nhiêu người ở xứ sở này khấm khá”.
Ở xóm Nhà Lầu, mới 45 tuổi, anh Nguyễn Văn Lưu có biệt thự trị giá khoảng 1,4 tỷ đồng. Anh nói, xứ này nếu ai mà có từ 1 - 2ha đất vuông là “bèo” dữ lắm, bình quân mỗi hộ sở hữu từ 4 - 5ha đất. Biệt thự anh Lưu không thiếu thứ gì, kể cả camera chống trộm. Con anh toàn xem chương trình giải trí trên YouTube, truyền hình kỹ thuật số. Đãi chúng tôi bằng tôm sú loại 14 con/kg và cá lóc đồng bắt từ ao nuôi thiên nhiên, chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự hào phóng của người dân xứ Nhà Lầu từ khi có chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất từ các loại cây truyền thống như: Tràm, trúc, khóm và lúa kém hiệu quả sang nuôi các loài thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Chị Đẹp - vợ anh Lưu - chia sẻ, 12 anh em của chị ai cũng có ngôi nhà trị giá trên 1 tỷ đồng. Trong niềm phấn khích, ông Năm Hiếu, Bí thư Chi bộ ấp Nhà Lầu 1 cho biết, chính quyền ở đây chỉ lo cho dân làm giàu chứ không còn xóa đói giảm nghèo nữa. Còn theo người dân ấp Thống Nhất, từ chỗ trị giá có 5 phân vàng mỗi công đất ruộng thời điểm mười mấy năm trước mà bây giờ tăng lên 60 triệu đồng (khoảng 1,5 lượng vàng).
Biệt thự trị giá trên 3 tỷ đồng của anh Mai Thanh Phong ở ấp Nhà Lầu 2 (xã Ninh Thạnh Lợi A). Ảnh: T.Đ
Đi ngang ấp Nhà Lầu 2, bất chợt chúng tôi phải dừng xe lại để chụp tấm hình cái cảnh gần chục thanh niên kéo bộ salon y như kéo pháo vào căn biệt thự của anh Mai Thanh Phong (44 tuổi). Biệt thự của anh Phong xây trên diện tích 300m2, trị giá trên 3 tỷ đồng, do kiến trúc sư của Đà Nẵng thiết kế. Chỉ tính vật dụng, đồ trưng bày trang trí bằng gỗ trong nhà trị giá gần 1 tỷ đồng, tất cả đều khắc hình con cua. Bởi anh cho rằng, con cua chính là “hình tượng” để anh khắc nhớ. Buổi đầu khởi nghiệp, cũng từ công việc kinh doanh cua giống, tôm giống mà kinh tế gia đình của anh lên như diều gặp gió. Nguyện vọng của anh sẽ làm một khu vườn sinh thái có nhiều trò chơi giải trí phục vụ miễn phí con cháu và bà con xung quanh khu vực.
Nổi tiếng ở ấp Chòm Cau, bà Trương Thị Mịnh - vợ ông Hai Tính - nói thật như đùa: “Nhà này mà có khách khứa nhậu nhẹt thì phải chạy mới phục vụ kịp. Lý do, căn nhà rộng tới trên 400m2…!”. Ông Hai Tính bộc bạch, ở đồng đất này, nhờ mỗi cây số Nhà nước đào một con kênh tháo chua, xổ phèn nên người dân nuôi thủy sản trúng “bể tay”. Ngoài tôm, cua nuôi thả lang thì cá bống tượng chỉ cần thả giống rồi chờ thu hoạch. Có năm trúng mùa, ông Hai Tính bán cá bống tượng thương phẩm lời 140 triệu đồng. Ông nói, từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất, “Đồng chó ngáp” y như một vùng đất mới chở nặng màu mỡ, phù sa, rất tốt cho cá bống tượng. Ở đó, con cá không chỉ lớn nhanh mà còn sinh sôi nảy nở ra nhiều cá con để ông bán giống nâng cao thu nhập.
Những năm 2000, ở xã Ninh Thạnh Lợi A, giai thoại về ông Hai Liêm cất nhà trị giá 70 lượng vàng, dán gạch cao cấp toàn bộ cho thấy một sự phất lên của vùng đất mới. Thời điểm tôm có giá, ông Hai Liêm chỉ cần một đêm thu về từ 2 - 3 lượng vàng. Người dân cho biết, Hai Liêm đang mở tiệm vàng hoành tráng ở huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) như một trung tâm đầu mối chỉ để bán sỉ.
Một cán bộ xã dẫn chứng về sự giàu có của người dân xã Ninh Thạnh Lợi A là nhờ ruộng đất bề bề. Toàn xã có hơn 2.900 hộ dân mà đất sản xuất tới 6.625ha. Thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm, cao nhất các xã của huyện Hồng Dân. Hiện tại, xã có ít nhất 2/3 số hộ dân có nhà tường, trong đó cứ 100 hộ là có khoảng 50 hộ sở hữu căn nhà trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên. Không chỉ bám theo những con lộ lớn mà ở vùng ven của kênh 6.000, 8.000, 10.000… cũng mọc liền nhau những căn biệt thự hiện đại chẳng hề thua kém ở đô thị lớn.
Khoe với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A - Nguyễn Hồng Thái cho biết, ở xã này năm nào cũng vậy, vận động Quỹ An sinh xã hội chỉ cần chọn một số hộ đại diện là đạt chỉ tiêu. Điều đáng trân trọng, những người giàu có ở vùng quê cách mạng này luôn biết sẻ chia, gánh vác với những người yếu hơn mình. Ông Thái còn tự hào nói, con lộ bê-tông Phó Sinh - Nhà Lầu đi ngang qua ấp Chủ Chọt, Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 dài 10km, chiều ngang 3,5m được tất cả các hộ dân hiến đất. Không dừng ở đó, người dân còn tự nguyện bỏ tiền và bỏ công mở rộng mỗi bên thêm 5 tấc nữa, đủ rộng để các loại xe vận chuyển nông sản dễ dàng…
Tâm tình câu chuyện đầu xuân, gần 10 hộ dân ở xứ Nhà Lầu cho biết tết này họ sẽ mang xe du lịch về nhà đón xuân. “Đồng chó ngáp”- Ninh Thạnh Lợi A - “cái nôi” của phong trào cách mạng tỉnh nhà đã khắc sâu hình ảnh của những người dân chịu thương, chịu khó. Và cũng từ đó đã nung nấu cho họ nghị lực phi thường, sự năng động và sáng tạo, đủ sức làm giàu trên quê hương bằng chính bàn tay, khối óc của mình.
Ký sự của Tấn Đạt
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024