Xuân Canh Tý 2020

Để Đảng ta mãi xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”!

Thứ Ba, 21/01/2020 | 17:10

Tròn 90 năm qua, với vị thế là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc, trước những trọng trách mới và thách thức hiện nay, Đảng ta luôn xứng đáng với vai trò và trách nhiệm lịch sử do dân tộc và nhân dân giao phó.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lê Thị Ái Nam tặng hoa và trao bằng tuyên dương cho các cá nhân, tập thể điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: H.L

Cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, tức là xây dựng sức mạnh nội sinh bền vững của cách mạng trong tổng thể công tác xây dựng Đảng toàn diện. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần và thể chất vững chắc của Đảng và sức mạnh nội sinh của dân tộc, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng ngang tầm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", xứng đáng với dân tộc, với sự tin cậy và ủy thác của nhân dân.

ĐẠO ĐỨC LÀ LẼ SỐNG CỦA ĐẢNG

Thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi tư duy về phát triển, hoạch định chính sách phát triển đều phải tự nó hàm chứa và thấm đẫm yếu tố đạo đức và văn hóa; mọi quyết sách của Đảng về sự phát triển đất nước tự nó phải mang tính chính trị và văn hóa trước khi là một quyết sách về kinh tế hay phát triển công nghệ đơn thuần. Phát triển kinh tế - xã hội vừa phải được định hướng chính trị, vừa được bảo đảm bởi sức mạnh đạo đức và văn hóa, nhất là đạo đức, văn hóa của Đảng cầm quyền. Đó là yêu cầu tất yếu của mục tiêu phát triển đất nước bền vững.

Từ trước tới nay, từng cấp ủy, tổ chức đảng và toàn Đảng chỉ tập trung vào ba vấn đề căn bản là: xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vì thế, không ít người cho rằng, khi đề cập đến việc xây dựng Đảng về tư tưởng cũng đã bao hàm vấn đề đạo đức, và như thế là đủ. Nhưng, từ thực tiễn, nhiều ý kiến khẳng định: Lơ là hoặc xem nhẹ xây dựng Đảng về đạo đức hoặc đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng với đạo đức là chưa đủ tầm, thậm chí thiên lệch, sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Điều khó lường đó chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, phong cách… của đội ngũ cán bộ, đảng viên tới mức nào đó sẽ làm băng hoại về chính trị, hỗn loạn về tư tưởng, rệu rã về tổ chức, rốt cuộc có thể làm băng hoại Đảng. Vì, sự suy thoái băng hoại về đạo đức nhất định dẫn tới sự suy thoái, băng hoại về chính trị, lỏng lẻo, thậm chí tan rã về tổ chức... Vấn đề đạo đức của Đảng và trong Đảng nổi lên vừa là vấn đề bức xúc nhất, cấp thiết nhất trong Đảng, vừa là vấn đề hệ trọng lâu dài có quan hệ tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ; trở thành vấn đề bức thiết nhất, nóng bỏng nhất trong công tác xây dựng Đảng. 

Vả lại, trên tầm vĩ mô, khi yêu cầu phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững phải là lợi ích cốt lõi, lợi ích dân tộc phải trở thành tối cao; bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc vô cùng thiêng liêng, hệ trọng… càng đòi hỏi sự phát triển về đạo đức trong Đảng và của Đảng. Đó là thước đo sự phát triển không chỉ ở đạo đức, sự trưởng thành về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng và sự tương dung về tổ chức của Đảng trong thực hiện sứ mệnh cầm quyền ngang tầm yêu cầu trọng trách lịch sử dân tộc giao phó.

Để hoàn thành trọng trách và nhiệm vụ hết sức nặng nề đó, cái cần thiết và bảo đảm quan trọng thực thi mục tiêu chính trị không thể chỉ dừng lại ở tình cảm đạo đức, đạo đức suông, mà quyết định ở đạo đức hành động và hành động đạo đức, phải trở thành lẽ sống và nếp sống của Đảng và mỗi đảng viên.

CÁI “GỐC” CỦA CÔNG VIỆC XÂY DỰNG ĐẢNG

Công cuộc xây dựng Đảng về đạo đức nếu không được nhận thức đúng, trúng và hành động một cách kiên quyết và ngang tầm; những “cục nghẽn mạch” về đạo đức đó… nếu không được chỉnh đốn, chữa trị kịp thời sẽ là thách thức sống còn, nguy cơ sinh tử đối với vị thế, vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử của Đảng và sự tồn vong chế độ. Tích tụ và phát tác tới mức độ nào đó, Đảng khó có thể “là đạo đức, là văn minh”, càng khó “là lương tâm, là trí tuệ, là danh dự của thời đại chúng ta” và càng khó tiếp tục xứng đáng “là đứa con nòi của giai cấp lao động Việt Nam”.

Đạo đức phải thấm đẫm trong và chi phối tất cả các mối quan hệ giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng với nhau, giữa cấp trên và cấp dưới trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân ta, giữa Đảng ta với các đảng trên thế giới và với nhân dân thế giới. Như vậy, vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng tự nhiên là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa căn bản, là vấn đề mang tính quy luật của công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Một là, xây dựng Đảng về đạo đức là một nhân tố hợp thành chỉnh thể toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xuyên thấm trong từng công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Hai là, xây dựng Đảng về đạo đức là cái “gốc” của công việc xây dựng Đảng, là nội dung và môi trường của các công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Ba là, xây dựng Đảng về đạo đức là tiêu chí nhận diện, phân định và hoàn thiện tư cách đảng viên; thước đo về trình độ, năng lực chính trị, tổ chức và hoạt động lãnh đạo, uy tín của tổ chức đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là khi Đảng đã cầm quyền chẳng những cần thiết mà còn phải thường xuyên, lâu dài, hơn nữa phải đặt lên hàng đầu. Không có bảo đảm về đạo đức thì mọi nỗ lực xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức không thể thành công, không thể phát huy được tác dụng, ảnh hưởng của nó trong Đảng, trong xã hội và bạn bè quốc tế. 

Xây dựng Đảng về đạo đức góp phần quyết định hoàn thiện bản chất của Đảng, phát triển công tác xây dựng Đảng ở tầm mức mới cả về định tính và định lượng, ở quy mô và tính chất, nhằm không ngừng nâng cao sức sống, bảo đảm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng.

Kỷ niệm 90 năm Ngày Đảng ta ra đời (3/2/1930 - 3/2/2020), chúng ta chuẩn bị tốt nhất những công việc quan trọng của Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội thứ XIII của Đảng. Một trong những công việc quan trọng, không ngừng chỉnh đốn, nâng cao đạo đức đảng viên, xem đó là một thước đo căn bản đối với mỗi người, một tiêu chuẩn hàng đầu đối với việc xây dựng nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp. Trước mắt, mỗi đảng viên thực thi thành tâm và nghiêm cách ba quy định về nêu gương của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và XII. Trước hết, người đứng đầu cấp ủy phải xứng đáng là một tấm gương về đạo đức. Mỗi tổ chức đảng tự mình trở thành môi trường về đạo đức của Đảng, mẫu mực về đạo đức dân tộc và hòa quyện thống nhất với đạo đức của nhân dân, phát triển đạo đức của toàn xã hội!

Chỉ có như vậy, công cuộc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức trở nên hoàn bị, hài hòa và thiết thực, để Đảng ngày càng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”, ngang tầm vị thế, vai trò  và trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng trong công cuộc đổi mới, dẫn dắt đất nước nhịp bước cùng thời đại hiện nay.

TS. Nhị Lê

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.