Xuân Canh Tý 2020
Đi chơi sông cũ trước thềm xuân mới
Tôi sinh năm 1961, tết này là 60 tuổi. So với vùng đất chòm chòm 300 năm tuổi, 60 tuổi “chẳng là cái đinh gì”. Thôi thì kẻ hậu sinh tôi xin được lạm bàn về một địa chỉ rất xưa cũ so với tuổi tác của mình, đó là sông Bạc Liêu.
Sông Bạc Liêu, nếu chỉ tính trong địa giới Bạc Liêu thì bắt đầu từ ngã ba Vàm Lẽo, giáp với tỉnh Sóc Trăng và chạy dài xuống Láng Trâm, thuộc tỉnh Cà Mau với chiều dài khoảng 60 cây số. Vị trí của con sông này rất đặc biệt, bởi chẳng những nó nằm giữa lòng TP. Bạc Liêu mà còn nằm giữa tỉnh Bạc Liêu để làm trục giao thông chính và đầu mối thủy lợi cho hai vùng sinh thái của đất Bạc Liêu.
Những con sông như thế thường mang ý nghĩa hết sức đặc biệt trong đời sống con người. Ví như sông Hương, văn học - nghệ thuật đã đẩy nó lên, cho nó kết tinh thành văn hóa để trở thành tâm hồn của xứ Huế. Tương tự như thế, ở Singapore, có một con sông ngắn, bắt nguồn từ biển rồi chảy vào lòng thành phố. Hầu như những đoàn du khách nào đến thăm Singapore cũng đều được đi chơi sông và người Singapore đã tự hào, âu yếm giới thiệu cho du khách biết rằng đó là trái tim, tâm hồn đất nước của họ.
Vậy sông Bạc Liêu, trong lòng người Bạc Liêu như thế nào?
Tôi có may mắn là chôn nhau cắt rốn và lớn lên ở một xóm nhỏ nằm ven bờ sông Bạc Liêu với tên gọi Bờ Xáng. Xóm nằm trên cái bờ sông do xáng múc tạo thành. Đó là cái tên giản dị nhưng nó phản ánh được lịch sử của con sông này. Ngoài tên bây giờ, ngày xưa người làng tôi gọi sông Bạc Liêu là sông Cái, với ý nghĩa sông mẹ. Thật vậy, đôi bờ của nó nối vào không biết bao nhiêu là kênh rạch để rồi mạch sông lan tỏa trên khắp đồng ruộng Bạc Liêu và chảy ra biển Đông với những cửa biển lớn như Gành Hào, Cống Cái Cùng, Nhà Mát...
Hồi còn bé, tôi đã biết một điều rất thú vị về sông Bạc Liêu. Những người lớn tuổi kể rằng, sông Bạc Liêu là sông trời sinh (tức là sông tự nhiên) và họ gọi là sông cũ. Rồi chỉ cho chúng tôi vị trí của nó hiện nay không còn hiện hữu trên đời. Căn cứ vào đây thì một phần sông cũ nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu). Theo lời kể của người xưa, sông Bạc Liêu tự nhiên rất ngắn, bắt đầu từ Vàm Lẽo đến chợ Bạc Liêu thì hết.
Thế nhưng, con sông ngắn ấy hơn 200 năm trước đã đóng một vai trò đặc biệt là đường thủy độc đạo, dẫn lưu dân khẩn hoang từ sông Tiền về khai khẩn đất Bạc Liêu, Cà Mau.
Khi thiết lập nền đô hộ trên đất Bạc Liêu, người Pháp đủ khôn ngoan nhận định đây là vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp và thủy sản, nhưng khai khác chưa được bao nhiêu. Viên Tham biện đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu là Lamothe De Carirer đã làm một báo cáo tổng quát gởi lên Thống đốc Nam kỳ một cách lạc quan rằng: “Trong hiện tại Bạc Liêu chưa là gì, nhưng trong tương lai sẽ trở thành một thành phố lớn nhất Nam kỳ, sau Sài Gòn...”. Và ông ta đề xuất giải pháp phát triển Bạc Liêu như sau: “... Chỉ cần đào con kênh Bạc Liêu - Cà Mau và xây dựng một cây cầu nối liền hai bờ rạch Bạc Liêu, cây cầu này giúp cho 6.000 người qua lại mua bán mỗi ngày...”. Ông ta còn đề xuất thêm: “Khi đào kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau thì lấy đất ấy mà đắp lộ Bạc Liêu - Cà Mau...”.
Người Pháp thừa hiểu rằng khi làm được hệ thống thủy lợi và giao thông vùng này là sẽ giải quyết nạn phèn chua nước mặn cho gần 1 triệu héc-ta đất. Đồng thời giao thông sẽ thuận tiện để đưa người khẩn hoang tiếp cận ruộng đồng, cũng như chở nông phẩm của họ lên Sài Gòn, qua Campuchia dễ dàng. Từ đó sẽ kích thích các địa chủ bỏ tiền ra khai hoang, dân về đây ngày càng nhiều thêm, diện tích làm nông nghiệp, thủy sản sẽ mở rộng. Khi điều này xảy ra, người Pháp có mấy cái lợi là thuế điền, thuế thương mại, thuế thân... nộp cho Nhà nước tăng lên, giá đất cũng sẽ tăng cao để họ bán đấu giá mà tăng ngân khố.
Từ đó, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, liên tục 20 - 30 năm liền người Pháp tiến hành một công cuộc đào kênh đắp lộ rất quy mô ở vùng Bạc Liêu - Cà Mau. Đầu tiên họ cho tàu cuốc, tàu xáng đào đoạn từ Sóc Trăng đến chợ Bạc Liêu. Đoạn này chủ yếu khơi thông sông cũ, chỉ có những đoạn quá gấp khúc thì mới đào mới. Thế nên giờ đây chúng ta thấy sông Bạc Liêu - Cà Mau chỉ có đoạn từ Vàm Lẽo vào đến chợ Bạc Liêu mới có độ cong, gấp khúc. Còn đoạn từ chợ Bạc Liêu đến Cà Mau thì hoàn toàn đào mới. Đến năm 1915, sông Bạc Liêu - Cà Mau được đào xong. Cũng thời gian này, chính quyền thực dân bắt dân ta làm xâu lấy đất đào sông ấy mà đắp lộ Bạc Liêu - Cà Mau.
Ngày còn bé, khi nhận biết cuộc đời là tôi đã thấy con sông quê mình bàng bạc phù sa và đôi bờ của nó là những rặng bần, mắm và lá dừa nước... chạy đến ngút ngàn, xanh thẳm triền sông. Trăm năm sông vẫn nước ròng nước lớn, 6 tháng nước mặn và 6 tháng nước ngọt khi mưa về. Mỗi lần con nước nhửng lớn là tiếng bìm bịp dội rền mặt sông, và khi ấy mặt sông được rắc tím hoa bần. Mới 5 - 7 tuổi tôi đã cùng với đám trẻ con trong xóm nhảy ùm xuống sông tắm mát trong những buổi trưa hè rồi chơi những trò chơi dân gian. Khi lớn lên, độ tuổi “nhổ giò” thì chúng tôi bơi xuồng ra sông hái bần và đàn hát vu vơ để hẹn hò vào những đêm trăng sáng. Khi ấy sông đẹp lắm. Trên đôi bờ, những hàng cây đứng chúc đầu như liễu rũ, đom đóm thắp đèn sáng rực bờ sông, và mặt sông thì trăng trải vàng như dát bạc, ta đi trên sông mà ngỡ đi trên con đường vào cõi thiên thai.
Không biết tự bao giờ, cư dân triền sông lại gắn bó với dòng sông quê của mình như thế. Cứ hết làm đồng thì họ xuống sông để làm nghề đánh bắt thủy sản. Nguồn lợi từ sông có khi chiếm đến một nửa kinh tế của các gia đình ở ven sông. Dọc theo triền sông Bạc Liêu có những khu dân cư với tên gọi gắn liền với nghề khai thác tôm cá như: Xóm chài, xóm đáy, xóm câu... Nhìn vào là biết con người đã xuống sông, triển khai một đời sống trên sông vô cùng phong phú, để từ đó sông có hồn của cuộc đời. Sông Bạc Liêu ngày xưa có rất nhiều tôm cá, nhiều đến mức các nhà thơ dân gian đã tức cảnh sinh tình: Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu/ Sài Gòn thấy vậy xỏ xâu mang về. Hay: Bạc Liêu là xứ quê mùa/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
Do sông Bạc Liêu có nhiều cửa biển nên tôm cá từ biển Đông - một vùng biển có thời được mệnh danh là giàu tôm cá nhất nước đã xâm nhập vào. Thuở nhỏ tôi còn chèo xuồng bơi đua với cá nược. Cá nhiều đến nổi ta thẩy một nắm cơm xuống sông là chúng nổi lên một vùng bằng chiếc đệm. Hồi đó sông chính là cái chợ của làng tôi, bọn trẻ chúng tôi thả câu, giăng lưới, đi chài... Cứ đến bữa cơm là xuống bến sông gỡ cá với những con cá lăng, cá ngát, cá dứa nặng 3 - 5kg là chuyện bình thường.
Hồi thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Bom, pháo của chính quyền Sài Gòn từ chợ Bạc Liêu bắn ra làm vỡ bờ, vỡ đê, nước mặn xâm nhập đồng ruộng làm cho kinh tế nông nghiệp của đa phần cư dân triền sông không còn đủ sống. Thế là người ta nhảy xuống sông làm các nghề hạ bạc. Và sông Bạc Liêu đã lấp đầy khoảng trống ấy, để người ven sông có được cuộc sống lay lắt mà đi qua chiến tranh.
Sau hòa bình năm 1975, thế hệ trước của cư dân TP. Bạc Liêu rất khó khăn vì các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bị cải tạo, không có việc làm. Vậy là rất nhiều người là thị dân Bạc Liêu đã xuống sông hành nghề chài mồi, chài kéo... Sông Bạc Liêu đã cứu cánh họ trong một đoạn đời hoạn nạn.
Bờ sông Bạc Liêu, cái đoạn nằm giữa ruột TP. Bạc Liêu giờ trông rất đẹp. Mấy năm trước hai bên bờ sông được xây bờ kè, gắn đèn chùm, lan can mép sông... Tôi thầm cảm ơn những ai đã tạo ra một không gian đẹp cho TP. Bạc Liêu, cho những thị dân đáng kính chiều chiều dẫn gia đình, người yêu... đi nhìn ngắm sông của mình. Thế nhưng, có điều lạ là bờ sông rất vắng, chỉ có những tiểu thương là hoạt động nhộn nhịp. Đứng cả tiếng đồng hồ mà tôi không thấy đoàn du lịch nào đến ngắm sông, mặc dù Bạc Liêu đang phát triển văn hóa để đẩy mạnh phát triển du lịch.
Tôi chợt buồn rồi lẩm nhẩm trong bụng: Hỡi các thị dân Bạc Liêu đáng kính, hãy ra bờ sông ngắm nhìn con sông giữa lòng thành phố của mình. Tuy bây giờ không nhiều tôm cá nhưng trăm năm qua nó vẫn chảy như một mạch đời đang chảy. Hãy ra đó mà nhìn xuống dòng sông, nước lớn nước ròng sẽ rửa sạch bụi thời gian để ta nhận diện được con sông quê hương của mình. Đó là con sông đặc biệt nhất của vùng đất Bạc Liêu từng đảm đương những vai trò đặc biệt là con đường độc đạo dẫn lớp lưu dân khẩn hoang đầu tiên về vùng đất rừng rậm rạp hoang vu này để khai phá, rồi dựng làng dựng ấp, xây phố chợ Bạc Liêu. Và cũng chính con sông này từng đóng vai trò huyết mạch là dòng chủ lưu của thủy lợi giao thông góp phần quyết định cho công cuộc khẩn hoang của Bạc Liêu cất cánh, trưởng thành vào đầu thế kỷ XX. Không dừng lại ở đó, sông Bạc Liêu và các hệ thống chi lưu của nó đã kề vai gánh vác những khó khăn, vất vả cho biết bao người Bạc Liêu trong giai đoạn mấy mươi năm chiến tranh ác liệt.
Hãy ra chơi sông vào một ngày đầu xuân cùng tôi để âu yếm gọi nó bằng cái tên như người Singapore âu yếm, tự hào gọi tên con sông giữa thành phố của mình. Và hãy cùng tôi lắng nghe tiếng sóng vỗ đôi bờ của sông Bạc Liêu, đó là khúc hát thiên nhiên mà sâu thẳm tình đời.
Phan Trung Nghĩa
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024