Xuân Canh Tý 2020
Khát vọng là động lực để Bạc Liêu phát triển
Là tỉnh nghèo đang vươn lên trung bình khá trong khu vực, năm 2020 là thời điểm Bạc Liêu tăng tốc về đích. Đích đến giai đoạn 5 năm tiếp theo là phấn đấu thành tỉnh phát triển của cả nước. Để thực hiện mục tiêu ấy, 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định với khâu đột phá là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xây dựng nền công nghiệp sạch và điển hình dựa vào tiềm năng, thế mạnh Bạc Liêu; phát triển nguồn nhân lực đủ sức, ngang tầm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ ấy. Phương châm hành động được dự kiến là “Đoàn kết - Kỷ cương - Khát vọng - Phát triển”.
Nếu đồng tình khái niệm phát triển là biến đổi hoặc làm cho biến đổi theo chiều hướng tăng, từ ít đến nhiều, hẹp đến rộng, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, dễ thấy nội hàm mục tiêu phát triển nêu trên vừa bao hàm bứt phá vươn lên, vừa là tìm lại Bạc Liêu một thuở vàng son đầu thế kỷ XX của Nam kỳ lục tỉnh. Thôi thúc ấy mạnh mẽ, lớn lao, thực tế và không thể khác hơn.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng ví Minh Hải, Bạc Liêu, Cà Mau có lúc như chàng lực điền say sưa ngủ trên đống tiềm năng. Thuở ấy qua rồi. Đường ra biển lớn hôm nay chẳng những không có chỗ cho chàng lực điền say ngủ, lại đòi hỏi chàng lực điền tâm thế phù hợp thời cuộc để vượt lên chính mình, vượt lên tất cả những gì thuộc về tính cách và đặc điểm vùng miền, đang là véc-tơ trái chiều, “hồn nhiên” và “vô tình” triệt tiêu đi những véc-tơ thuận hướng, “vô tư” cản trở bước đi của một Bạc Liêu hội nhập, phát triển.
Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Tìm được hướng đi để đi đúng hướng. Định rõ bước đi để mạnh mẽ vươn lên bằng ý chí thoát nghèo... Đó mới chỉ là “phần cứng” của vấn đề, là điều kiện cần nhưng chưa đủ. “Phần mềm” cần và đủ chính là khơi dậy khát vọng nội tâm của người Bạc Liêu, với tự tôn dân tộc, phẩm cách quốc gia, tự trọng và nghĩa khí của ông cha khi xưa mang gươm mở đất... Thuận tình, sẽ có cách; không thuận, sẽ có đủ lý do. Có khát vọng đổi đời, Bạc Liêu sẽ tìm mọi cách vươn lên; bằng không, Bạc Liêu rồi cũng tiến nhưng bước tiến không đi thẳng giống chiếc ghe Ngo vượt sóng khi mọi tay chèo nỗ lực cùng chung một nhịp, mà sẽ đến đích chậm hơn vì vừa đi vừa cầm chừng vừa vẽ lên mặt nước một đồ thị ngoằn ngoèo.
Khát vọng vươn mình có ở bộ phận tinh hoa, khát vọng ấy còn cần được lan truyền đến mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi... Cảm hứng cần được khởi phát và truyền đi từ chỉ huy dàn nhạc cho đến cả dàn hợp xướng. Bản hòa âm, phối khí hoàn hảo trên giấy phải được thể hiện trong say mê, sáng tạo với đủ mọi nhạc cụ, nhạc công dưới cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng để khi du dương réo rắt, lúc hừng hực khí thế lay động lòng người.
Khát vọng phát triển sẽ đảm nhận sứ mệnh tháo nút thắt để hóa giải tình trạng cán bộ, công chức không đồng bộ, vừa thừa vừa thiếu; phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực tổ chức thực tiễn chưa ngang tầm, chưa đáp ứng và không đồng đều; xóa “đất sống” của các nhóm lợi ích làm nghèo đất nước, “nghèo hóa” miền quê đang còn lắm thiếu nghèo. Bởi, để đạt mục tiêu thì phải đạp bằng chông gai trở ngại, nhưng đang có không ít người sẵn sàng đạp lên tất cả, như cơn lũ cuốn phăng mọi thứ khi nó lướt qua.
Ở miền đất truyền thống hào hùng hai lần giành chính quyền không nổ súng và không đổ máu này, hàng trăm năm trước, sự phát triển nội tại đã hình thành các tiền đề dẫn đến những cuộc chống đối có tính tự phát của người nông dân. Khát vọng phát triển nhắc ta: Tự hào về truyền thống không có nghĩa khư khư xem truyền thống như một mặc định từ hôm qua đến hôm nay và cho cả mai kia mốt nọ. Truyền thống sẽ chỉ là một yểm trợ tinh thần vô giá cho ta ở thì hiện tại, để tự hào cùng quá khứ, vững vàng trong hiện tại, vững bước đến tương lai. Đảng và chính quyền không định hướng sai và không chỉ dẫn sai, nhưng ở chỗ này chỗ khác, lúc này lúc khác, người này người khác của Đảng, của chính quyền tác động ra chủ trương sai, cách làm sai; liên kết bao che dung túng nhau làm sai; người dân bất bình, bức xúc khiếu nại, tố cáo, thậm chí kéo kiện đông người và kéo kiện kéo dài, công bộc của dân lại vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết tận gốc sự việc... Cứ vậy, sẽ mất dần niềm tin, sẽ không có ổn định xã hội để phát triển.
Vươn cao. Ảnh: Đặng Quang Khương
Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mạnh. Một doanh nhân chắc chắn là chủ của ít nhất một doanh nghiệp, nhưng một chủ doanh nghiệp chưa hẳn là một doanh nhân đúng nghĩa. Doanh nhân chịu trách nhiệm về đồng vốn của mình, chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của nền kinh tế. Giàu có cho riêng mình nhưng phương hại cho cộng đồng, doanh nhân sẽ tự trọng mà kiên quyết không làm. Doanh nhân tham gia công tác an sinh xã hội không chỉ bằng tiền, bằng vật chất, mà còn là tri thức, tầm nhìn, đạo đức, văn hóa..., và cả tấm chân tình. Khát vọng vươn mình của doanh nhân trở thành những việc làm cụ thể, đem đến và chia đều cơ hội cho mọi người. Ngược lại, đang có một bộ phận người làm kinh doanh chưa thể gọi là doanh nhân, mục tiêu tối cao là làm đủ cách để kiếm tìm lợi nhuận; chủ động hoặc thụ động tham gia công tác xã hội, song hầu như chỉ trao vật chất và chấm hết. Để đạt mục đích, không ít người cấu kết với một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, trở thành tác nhân của tham nhũng trong bố trí nhân sự, tham nhũng trong xây dựng chính sách, triển khai dự án, cả tham nhũng vặt mà sức công phá như lỗ mọt đắm thuyền. Không ít người trong số họ đã “góp phần” làm “treo” những dự án, làm “thất thoát” cán bộ, đưa không ít quan chức vào vòng lao lý... Họ đâu có khát vọng vươn mình.
Khát vọng phát triển thôi thúc nhau chín bỏ làm mười, dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; chung tay, đoàn kết, đặt lợi ích toàn cục lên trên. Cao hơn là phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn, nhân bản. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng kể câu chuyện về quán rượu của ông Thùng Đỏ ở Bạc Liêu xưa. Khách vào quán, bất cứ là ai, chỉ được ông Thùng Đỏ bán cho nhiều nhất 3 ly rượu. Trong thời buổi người ta kinh doanh rượu theo cách bán thật nhiều, khuyến khích thực khách uống tới bến, ai say mặc ai, thì triết lý kinh doanh của ông Thùng Đỏ giản dị không ngờ: Uống rượu là để lấy cái vui, cái ngon. Uống cho xỉn tản sinh ra cãi nhau, đánh lộn làm mất phẩm giá con người thì tốt hơn đừng uống làm gì. Là người từng trải, đi đã nhiều nơi, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nhận xét: Chưa thấy một quán rượu nào buôn bán lịch sự, văn minh, độc đáo như quán ông Thùng Đỏ. Xứ Bạc Liêu, con người ứng xử với nhau rất tử tế. Biểu hiện văn hóa của một vùng đất có nhiều tầng nấc, nhưng chỉ ở một vài quán rượu thôi cũng hiểu được phần nào con người ở đó.
Đường ra biển lớn tuy cực mà vui. Khát vọng vươn lên là tài nguyên phi vật thể vô tận, là động lực phát triển vô giá để Bạc Liêu ngay ngắn và vững bước đi vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI.
Nhã An
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024