Xuân Canh Tý 2020
Ông Phương “khùng” xây dựng nông thôn mới
Là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long), tuy cuộc sống chưa phải là giàu có so với các hộ dân trong ấp Bình Lễ (xã Vĩnh Phú Tây), nhưng ông Trần Văn Phương (sinh năm 1960) đã đóng góp hết mình trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Ông là người đầu tiên hiến hơn 1.000m2 đất để địa phương làm đường và xây nhà văn hóa ấp. Ðiều đặc biệt là ông không nhận bất kỳ một khoản tiền nào của Nhà nước hỗ trợ, vì vậy có người gọi ông là Phương “khùng”.
Ông Trần Văn Phương và Nhà văn hóa ấp Bình Lễ do gia đình ông hiến hơn 1.000m2 đất để xây dựng. Ảnh: V.S
Đảng viên đi trước...
Ông Trần Văn Phương sinh ra trong một gia đình nghèo ở ấp Bình Lễ. Tuổi thơ của ông gắn liền với vùng quê nghèo có cánh đồng năn bạt ngàn, sông ngòi chằng chịt, đường đi cách trở, thiếu thốn mọi thứ từ việc ăn mặc cho đến chuyện học hành.
Năm 1986, ông nhập ngũ vào quân đội, làm chuyên gia Đoàn 9907 ở tỉnh Kô Kông (Campuchia). Đến năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông phục viên trở về quê hương, tiếp tục gánh vác cuộc sống gia đình ngay trên cánh đồng năn.
Tuy nhiên, vì cuộc sống quá khó khăn, ông phải tha phương cầu thực để rồi mất đi cái quý nhất sau bao năm phấn đấu, đó là bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên. Năm 1998, khi kinh tế gia đình ổn định, ông quyết định trụ lại quê hương và tham gia công tác ở ấp Bình Lễ. Miệt mài với các phong trào ở địa phương, ông được kết nạp Đảng lần thứ hai và giữ chức Bí thư Chi bộ ấp Bình Lễ. Năm 2012, ông được lãnh đạo xã Vĩnh Phú Tây đề bạt làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.
Khi Phước Long được chọn là huyện điểm XDNTM (năm 2010), xã Vĩnh Phú Tây phát động nhân dân hiến đất để làm đường, xây nhà văn hóa ấp. Vào thời điểm này, gần như không ai hiến đất. Nhiều người ở ấp Bình Lễ có đến 5 - 7ha đất sản xuất, đất vườn tạp bỏ hoang cỏ mọc um tùm, nhưng khi xã, ấp đến vận động hiến đất làm các công trình phúc lợi thì họ không đồng ý.
Làm thế nào để người dân tin vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sẵn lòng đóng góp công sức, của cải, vật chất để XDNTM ở địa phương? Một câu hỏi cứ lớn dần trong tâm thức của ông. Mặc dù gia đình chỉ có 1ha đất vườn và đất sản xuất, nhưng ông Phương bàn bạc với vợ con hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, làm mố cầu và xây nhà văn hóa ấp. Sau khi hiến đất, có người cho rằng ông bị “khùng”, bởi vì hiến hơn 1.000m2 đất mà không lấy một đồng hỗ trợ nào của Nhà nước, trong lúc cuộc sống chưa phải là giàu có so với những người xung quanh. Song, ai nói gì thì nói, ông chỉ cười cho qua, và cứ tiếp tục cống hiến, góp phần cùng địa phương XDNTM.
... Làng nước theo sau
Ngồi trong căn nhà tường khang trang, ông Phương bộc bạch: “Ngày trước, xứ sở này người ta gọi là láng Năm Trăm - nằm tiếp giáp với láng Chủ Đống (tên của một điền chủ trước đây). Ở đây toàn là lung trũng, chỉ có cỏ năn mọc um tùm, không trồng lúa được vì nước ngập sâu và bị úng phèn, chỉ là nơi len trâu. Nhà này muốn đến nhà kia là phải đi bằng xuồng, ghe. Đến năm 1998, khi thực hiện chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau, Nhà nước đầu tư làm kênh thủy lợi để tiêu úng xổ phèn thì nông dân mới trồng được cây lúa, có đường đất để đi lại, nhưng vào mùa mưa thì đường lầy lội, bùn sình. Nhìn cảnh con em trong xóm đi học quần áo lấm lem mà rơi nước mắt, nhưng một số người dân chỉ thấy lợi ích trước mắt chứ đâu thấy được lâu dài. Mình là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thì người dân mới noi theo”.
Từ việc tiên phong hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa ấp của ông Phương, nhiều người dân trong ấp bắt đầu hiến đất cho Nhà nước thi công các công trình cầu, đường. Nhiều hộ trước đây khi cán bộ vận động hiến đất đã một mực đòi bồi thường, còn bây giờ thì tự giác đốn cây, phát quang bụi rậm, dành phần đất để địa phương làm đường giao thông nông thôn. Bởi, ai cũng thấy được ý nghĩa của việc XDNTM là phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, trong đó có gia đình mình.
Ông Võ Đức Truyện - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Phú Tây, cho biết: “Ông Trần Văn Phương là người khơi dậy phong trào hiến đất trong nhân dân, đồng thời là người huy động sức dân để XDNTM. Chỉ có những người gần gũi với dân, hiểu được lòng dân, được dân tin tưởng thì mới làm được việc này”.
Năm 2019, Vĩnh Phú Tây được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình Lễ được nêu điển hình trong số 11 ấp của xã về các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Vùng quê xa xôi hẻo lánh ấp Bình Lễ trước đây là cánh đồng năn hoang hóa, giờ đã trở thành ấp nông thôn mới nâng cao. Bao ước mơ của người dân về điện, đường, trường, trạm, nước sạch, công nghệ thông tin… đều trở thành hiện thực. Có được thành quả này là nhờ sự đồng thuận của người dân, trong đó có sự đóng góp tích cực của ông Trần Văn Phương.
Việt Sử
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024