Xuân Canh Tý 2020
Phum sóc rộn ràng “thay áo” mới
Hòa cùng sự phát triển chung của Bạc Liêu, những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống cũng có những thay đổi đáng ghi nhận. Thành tựu của phum sóc hôm nay được “đơm hoa, kết trái” từ sự quan tâm, nỗ lực chăm lo từ phía Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với ý chí, quyết tâm vươn lên của đồng bào dân tộc Khmer.
DỒN LỰC CHO PHUM SÓC
“Vì Dân” là tên của một cây cầu bê-tông ở xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân) được khởi công vào những ngày cuối năm 2019. Công trình do Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh thực hiện vừa là quà chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Bạc Liêu (2019 - 2024), vừa là phần việc nối dài “hành trình” đưa chính sách dân tộc đi vào cuộc sống. Có mặt tại buổi lễ khởi công, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của ngành chức năng, chính quyền địa phương và niềm hạnh phúc của bà con dân tộc nơi này. Mơ ước về một cây cầu bê-tông vững chắc để học sinh đến trường, người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện nay đã thành hiện thực.
Về các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình), Lộc Ninh (huyện Hồng Dân), Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long)…, chúng tôi cảm nhận rõ sự hiện diện, lợi ích to lớn từ những chính sách dành cho dân tộc. Hàng chục tỷ đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) đã mang về cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn nhiều công trình đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Công tác giảm nghèo cũng được xem là dấu ấn nổi bật trong thực hiện công tác dân tộc ở Bạc Liêu. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tập huấn kiến thức khoa học - kỹ thuật không còn hỗ trợ dàn trải như trước, mà chú trọng ưu tiên cho những địa bàn thật sự khó khăn, phù hợp với nguyện vọng của hộ nghèo Khmer.
Ông Trần Hoàng Duyên, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh, cho biết: “Năm 2019 là năm khép lại nhiệm kỳ đại hội cũ và mở ra nhiệm kỳ mới cho công tác dân tộc Bạc Liêu. Hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được triển khai kịp thời, đồng bộ, hợp lòng dân nên tạo “đòn bẩy” giúp các địa phương phát triển. Kết thúc năm 2019, có 4/10 xã khu vực III và 27/41 ấp đặc biệt khó khăn đã “thoát” diện hỗ trợ của Chương trình 135”.
Diện mạo vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T
KHƠI DẬY SỨC MẠNH ĐỒNG BÀO
Những chủ trương, chính sách không chỉ giúp phum sóc “thay áo mới”, đời sống người dân ấm no, mà còn khơi dậy trách nhiệm và khát vọng xây dựng quê hương trong đồng bào Khmer. Từ chỗ được thụ hưởng, người dân đã tự nguyện góp sức, góp của để chung tay cùng chính quyền địa phương, các dân tộc anh em thực hiện thắng lợi nhiều phong trào thi đua yêu nước. Minh chứng sống động và rõ nét nhất là sự đóng góp của đồng bào Khmer qua phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Việc nhiều người dân Khmer hiến đất, giúp ngày công xây dựng trường học, nhà văn hóa ấp, làm lộ giao thông nông thôn, trồng và chăm sóc hàng rào cây xanh, hoa kiểng đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở nhiều vùng quê.
Về Lộc Ninh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của một xã từng thuộc diện khó khăn nhất của huyện Hồng Dân, nay đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ấn tượng nhất là hệ thống lộ giao thông nông thôn được đầu tư thông thoáng, đồng bộ theo tiêu chuẩn NTM từ trung tâm xã về đến tận các ấp. Đến thăm ông Danh Đuông - một “bông hoa” đẹp trong phong trào xây dựng NTM - đập vào mắt chúng tôi là căn nhà tường khang trang nhất nhì ở ấp được điểm tô bởi rất nhiều cây xanh, hoa kiểng. Hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp ngày công lao động, rồi tích cực vận động đồng bào dân tộc xây dựng con lộ bê-tông dài hơn 2km là nghĩa cử đẹp của lão nông Khmer này. “Nếu không có phong trào xây dựng NTM thì đời sống đồng bào Khmer đã không có sự thay đổi lớn như hôm nay. Vừa là đối tượng được thụ hưởng, đồng bào dân tộc còn là chủ thể tham gia kiến thiết nông thôn, góp phần vào thắng lợi chung đưa Lộc Ninh về đích NTM trong năm 2019”, ông Danh Đuông chia sẻ.
Trong sinh khí rộn ràng của mùa xuân đang về, diện mạo các vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống như dâng tràn một sức sống mới. Và sự đổi thay đến từ mỗi phum sóc như một “mảnh ghép” làm cho bức tranh nông thôn Bạc Liêu thêm tươi sáng hơn.
Yến Ngọc
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024