Xuân Canh Tý 2020
Tài hoa đất Bạc Liêu
“Dù biết rằng, mảnh đất phù sa Nam bộ đã dưỡng nuôi dòng chảy ca kịch cải lương, thế mà… tôi cứ choáng ngợp bởi sự trù phú của những tài năng âm nhạc nơi miền đất hãy còn thắt ngặt, chật vật này. Những nghệ danh nghe mộc mạc, chân chất như Hai Khị, Sáu Lầu, Ba Chột… lại là những bậc kỳ tài xuất chúng, phác thành bức tranh âm nhạc tài tử - cải lương sinh động. Nguồn chất liệu trong thế giới sáng tạo của họ, không gì ngoài đời sống một nắng hai sương, dầm mưa dãi nắng nhưng đầy ân tình, ân nghĩa, hào hiệp, trung trinh”. Có lần, Nghệ sĩ nhân dân - tiến sĩ Bạch Tuyết đã cảm nhận như thế!
Tiết mục nghệ thuật vinh danh 100 năm bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Vùng Đất lắm tài hoa
Không hẳn là nơi sinh ra, nhưng mảnh đất này có một sức hút lạ kỳ để ai dừng chân rồi thì yêu mến, rồi dùng cái tâm - cái tài của mình gầy dựng và làm lan tỏa những tinh hoa văn hóa quý báu, để mảnh đất này trở thành “xứ tài hoa”. Hãy xâu chuỗi những “hiện tượng” như thế này: Cao Văn Lầu - người con của miệt Long An, nhưng lại chọn Bạc Liêu để đến và yêu, rồi viết bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) bất hủ. Đấng nam nhi thì có danh tiếng Công tử Bạc Liêu, mỹ nhân thì có người con gái miệt đồng bưng Hồng Dân - hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo tự hào với danh xưng “hoa hậu của các hoa hậu” mà công chúng ban tặng. Mảng vọng cổ - cải lương, người tài thì lịch sử đã ghi danh nhiều, nay lại có lớp người hậu bối tiếp tục rạng danh với ngôi vị Quán quân Chuông vàng vọng cổ 2017 - Ngọc Đợi, rồi Quán quân “Tài tử tranh tài” - Hoàng Dững. Lĩnh vực tân nhạc thì trong một cuộc thi lớn về Bolero - dòng nhạc vàng mọi thời đại - cũng có Lâm Ngọc Hoa đăng quang…
Bạc Liêu là đất sinh ra, là nơi quy tụ những con người tài hoa như thế!
Hai nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hạnh và Ngọc Đợi trình diễn trên sân khấu. Ảnh: H.T
Từ “thôn tài tử”
Ở Bạc Liêu có một “thôn tài tử” - đó là thôn Láng Giài thuộc tổng Thạnh Hòa, hạt Ba Xuyên, nay là ấp Láng Giài (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi). Đây là “lò luyện” của nhiều bậc danh ca, danh cầm. Đầu tiên là Nhạc Khị (1870 - 1948), Hậu tổ cổ nhạc Bạc Liêu. Ông là người khai sinh trường phái cổ nhạc Bạc Liêu. Nối gót tài hoa của cha, cậu bé Ba Chột (1903 -1963) cũng sớm trở thành thần đồng về cổ nhạc, một kỳ tài với 18 sáng tác cổ nhạc xuất sắc. Ông còn để lại một sản phẩm vô giá, đó là chiếc đờn sến ba dây và cách đờn đặc biệt của loại nhạc cụ này.
Ở thôn tài tử Láng Giài còn có tác giả sách “Ca nhạc cổ điển” - Trịnh Thiên Tư (1906 - 1982), một nhà nghiên cứu cổ nhạc, biên soạn nhiều tác phẩm quan trọng về ngôn ngữ và cổ nhạc Việt Nam; là người đầu tiên đề xướng và thực hiện chuyển đổi bản DCHL từ nhịp 2 sang nhịp 4. Giọng ca vàng của những năm đầu thế kỷ XX - Bảy Kiên (1882 - 1949), một nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với sư Nguyệt Chiếu, Nhạc Khị - những người đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hình thành phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu. Nếu Nhạc Khị lẫy lừng với tiếng đờn kìm tài hoa thì Bảy Kiên sở hữu giọng ca vàng đi vào huyền thoại! Nghệ nhân tiền bối Nguyễn Văn Bình (1901 - 1993), xuất thân từ thành phần nông dân tay lấm chân bùn nhưng có những đóng góp nhất định cho nghệ thuật Đờn ca tài tử với những bản cổ nhạc phổ thông cho sân khấu cải lương, gầy dựng nhiều ban nhạc tài tử khắp vùng Láng Giài một thời…
… Đến tài tử Bạc Liêu vang danh
Liên tục trong 2 năm (2017 và 2018), Bạc Liêu vĩnh biệt 2 vị cố soạn giả tài hoa: Trọng Nguyễn và Yên Lang. Nếu Trọng Nguyễn đem tài hoa của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng suốt cuộc đời thì soạn giả Yên Lang cũng đã làm cho cải lương Việt Nam mãi vàng son: không chỉ dâng đời những tuồng tích kinh điển, mà còn vô số đóng góp cho sân khấu nước nhà khi đã định cư ở Hoa Kỳ. Tiếp nối sự nghiệp sáng tác cổ nhạc ở Bạc Liêu còn nhiều soạn giả tài năng như: Hữu Nghĩa, Thanh Quang, Lam Tuyền (con trai soạn giả Yên Lang), Quốc Khánh…
Còn nhớ, năm 2007, một đoàn nghệ nhân tài tử đại diện cho Việt Nam đem tinh hoa văn hóa xứ sở đến một lễ hội văn hóa dân gian tại Mỹ. Những nghệ nhân, tài tử miệt đồng bưng Phước Long như: Thanh Sử, Tư Loan, Hoa Gương, Ba Toại… đã mang DCHL cùng những điệu thức hò - xự - xang - xê - cống đến với kiều bào và dân bản xứ ở Mỹ. Tự hào thay, đại diện “đem chuông đi đánh xứ người” vẫn là người Bạc Liêu!
Lê Minh Chí, chàng trai tật nguyền bước lên vị trí Á quân “Đường đến danh ca vọng cổ” 2017 một cách đầy thuyết phục như trước đó 10 năm, Chuông vàng vọng cổ đã đề danh ca nương Ngọc Đợi, rồi liên tiếp sau đó là Chuông bạc vọng cổ - Quán quân Solo cùng Bolero - Lâm Ngọc Hoa… Nhà hát Cao Văn Lầu cũng đang “sở hữu” 3 nghệ sĩ ưu tú trẻ măng: Ngọc Đợi, Mỹ Hạnh và Giang Tuấn…
Tất cả đều là người Bạc Liêu!
Hệ thống lại những anh tài đất Bạc Liêu tự cổ chí kim, người viết muốn cung cấp một cái nhìn rộng về địa tầng văn hóa xứ sở Bạc Liêu từ lát cắt dòng nhạc tài tử chảy thăng trầm trên mảnh đất này hơn trăm năm qua… Đó là vốn liếng vô giá khi Bạc Liêu mở những tầm nhìn rộng tận dụng giá trị văn hóa bản địa để hiện thực hóa khát vọng vươn lên.
CẨM THÚY
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024