Xuân Canh Tý 2020
Tâm sự của hàng me trăm tuổi
100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” và 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu - những con số xưa ơi là xưa ấy trong Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 không chỉ làm lòng người hoài cổ, mà cũng khiến hàng me cổ thụ chúng tôi bất giác nhớ lại bao kỷ niệm cùng mảnh đất này.
Đã lấy táo đong… chữ!
Tôi và bạn bè đến đây “định cư” cũng ngót nghét một thế kỷ. Khi thực dân Pháp lập ra địa hạt Bạc Liêu (Arrondissement de Bạc Liêu) vào cuối thế kỷ XIX - địa hạt thứ 21 và cũng là địa hạt cuối cùng của vùng đất Nam kỳ, việc xây dựng đô thị ở đây cũng bắt đầu từ đó. Chúng tôi được chọn trồng ở 2 tuyến phố, nay là đường Trần Phú và đường Hai Bà Trưng đều nằm trên địa bàn phường 3. Công nhân đô thị gọi tên chúng tôi bằng số đếm, chia theo dãy chẵn, dãy lẻ, riêng tôi là cây me số 13 đứng chễm chệ trên vỉa hè Bưu điện tỉnh.
Hàng me trước trụ sở UBND TP. Bạc Liêu được trồng từ thời Pháp thuộc.
Hồi xưa, thời Pháp thuộc, trong lúc chờ đến lượt vào gặp quan tham biện, nhiều người hay đứng nhờ bóng mát của chúng tôi và huyên thuyên đủ chuyện đông tây, kim cổ. Họ nói với nhau rằng vùng đất này khác với các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Những người đầu tiên đến đây cư ngụ theo lời chiêu lập của ông Mạc Cửu vào năm 1680, và lập xóm làng trên các gò đất cao, dọc bờ sông, kênh xáng, đến nay vừa tròn 340 năm. Họ là những lưu dân, “xiêu tán”, tha phương cầu thực, chứ không xuất thân từ lũy tre làng. Có lẽ cũng vì nguồn gốc xuất thân như vậy, mà trước đây, đa phần dân cư, kể cả người giàu có ít quan tâm đến chuyện học hành, họ nghĩ “lấy táo đong lúa, chứ không ai lấy táo đong chữ”.
Giờ thì khác rồi, mọi người quan tâm đến việc học tập của con trẻ lắm, thanh niên, thanh nữ cũng ra sức trau dồi sách vở để lập thân, lập nghiệp. Mỗi ngày 2 lần, chúng tôi lại thấy các cháu nhỏ ở trường tiểu học ra đây chơi đùa trong lúc chờ cha mẹ đến rước về. Các bậc thềm của Bưu điện vừa là khán đài cho bọn trẻ ngồi nghỉ chân, tán gẫu, vừa là sân chơi cho một vài cháu thích chạy nhảy. Vui thay, cánh tay dài rộng của chúng tôi đã che mát cho tụi nhỏ. Người lớn lái xe ngang qua, khum tay che mắt cho khỏi chói, ngước nhìn các cháu nô đùa, rồi xuýt xoa, chúng thật đáng yêu!
Bao thế hệ mầm non của quê hương cứ lần lượt đến rồi đi, lắm lúc nghịch ngợm để lại những vết hằn trên thân me già làm kỷ niệm. Tinh thần hiếu học của người Bạc Liêu hôm nay đã thay đổi tính cách của chính họ thời Pháp thuộc “đủ tinh thần thực tiễn, nhưng thiếu chữ; đủ đạo đức làm dân mà ít thuộc kinh truyện”. Bạc Liêu hôm nay, có rất nhiều người con thành đạt ở các lĩnh vực khác nhau, có học hàm, học vị cao, và xứ cơ cầu ngày xưa, nay không còn là “vùng trũng” giáo dục của đất nước nữa.
Hài hòa nét cổ và dáng hiện đại
Sự đổi thay đó là nền tảng vững chắc dẫn đến các thay đổi khác. Me số 13 tôi đây đơn cử như việc mở rộng không gian đô thị. Xa xưa, TX. Bạc Liêu nhỏ xíu hà. Các bức ảnh trắng đen lưu lại chứng minh cho lời tôi kể. Không gian đô thị Bạc Liêu mở rộng như hình giọt nước lan tỏa trên mặt hồ, mà cái tâm của nó là giao lộ Trần Phú - Hai Bà Trưng hiện nay. Khu vực này, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từng có tòa ngân khố, khách sạn Rạng Đông, cầu Quay… Nay cái còn, cái đã lui về quá khứ, nhường cho công trình khác mọc lên. Từ cái tâm đó, thị xã mở rộng về phía Bắc, có thêm Ngã tư Quốc tế, rồi Quốc lộ 1A, giờ vòng tròn ngoài cùng là đường tránh quốc lộ và đường vành đai. Các hướng khác cũng phát triển không kém, dân cư khắp nơi về sinh sống, làm ăn, đường sá mở rộng, trường học xây mới khang trang.
Hàng me trước Bưu điện tỉnh. Ảnh: N.Q
Có thể nói, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa sớm nhất vùng châu thổ sông Cửu Long, ngay từ đầu thế kỷ XX, nơi đây đã nức tiếng Nam kỳ về việc sản xuất lúa gạo. Dù vậy, nhiều công trình đồng niên với chúng tôi vẫn còn được lưu lại, bảo tồn, tạo cho bộ mặt TP. Bạc Liêu vừa có nét hiện đại, văn minh, lại hoài niệm trong các nét xưa. Hai nét chấm phá ấy không đối lập nhau, mà đó là sự kế thừa, tiếp biến văn hóa, chỉ làm cho thành phố thêm đặc biệt, ấn tượng với bạn phương xa đến chơi, còn với ai sinh ra, lớn lên từ mảnh đất hào hiệp này sẽ càng vương vấn, khắc khoải, nóng lòng trở lại khi tha hương.
Một thế kỷ không phải là dài so với lịch sử của dân tộc, nhưng đối với vùng đất mới Bạc Liêu, đó là quãng đường tương đối. Hàng me chúng tôi vẫn còn đây, dinh cơ của Hội đồng Trạch vẫn còn đó, bản “Dạ cổ hoài lang” tiếp tục được các thế hệ tiếp nối xướng lên. Gần 100 năm đến với vùng đất mới, chúng tôi thấy tự hào vì đã trở thành một phần lịch sử của nơi này. Và cho đến hôm nay, dưới bóng mát của hàng me, nhiều người vẫn nhẩn nha thả bộ, hoặc ngồi nhấm nháp ly cà phê, ngắm nghía những vòm cây xanh mượt. Bất chợt, cơn gió chướng thổi qua, vô số sắc vàng của lá rụng xuống như mưa sa. Dường như trong khoảnh khắc ấy, thành phố yên ả, hiền hòa đến nao lòng!
Nghĩa Lập
- Năm 2024, ngành Công thương đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng
- Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2025 tăng trên 8%
- Thanh tra tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Thường trực Tỉnh ủy làm việc với xã Định Thành A, huyện Đông Hải về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và chuẩn bị Tết Quân - dân
- Toàn tỉnh Bạc Liêu có 184,509MWp tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà