Xuân Canh Tý 2020
“Xanh hóa” con đường phát triển
Trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bên cạnh thế mạnh về thủy sản, trụ cột quan trọng hiện nay là phát triển năng lượng tái tạo. Với quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực ÐBSCL và cả nước, Bạc Liêu đã chọn mô hình tăng trưởng xanh, bền vững trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh (thứ hai từ trái sang) tham quan Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
LAN TỎA NĂNG LƯỢNG SẠCH
Cuối năm 2016, khi đề xuất Chính phủ xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi quy hoạch tổng sơ đồ điện VII, Bạc Liêu cũng đã quyết định chọn cho mình một con đường phát triển hợp lòng dân, thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ môi trường tự nhiên. 3 năm sau, Bạc Liêu tiếp tục thể hiện quyết tâm “xanh hóa” con đường phát triển bằng một dự án điện khí lớn nhất khu vực ĐBSCL. Sau khi được sự ủng hộ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV, dự án đã chính thức được đưa vào quy hoạch điện 7. Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu cung cấp nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường, hoạt động công suất tối đa lên đến 3.200MW, chia làm 3 giai đoạn. Thời gian hoàn thành, đưa vào hoạt động là năm 2027. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 91.400 tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD... Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại nguồn thu trên 3.000 tỷ đồng, giúp địa phương bứt phá tự cân đối ngân sách, không còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ Trung ương.
Ngoài dự án điện khí, Bạc Liêu cũng có nhiều dự án đầu tư điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Hiện nay, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (giai đoạn I và II) được vận hành khai thác với 62 trụ turbin, sản lượng điện hòa vào lưới điện quốc gia năm 2018 đạt hơn 210 triệu kWh. Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III cũng đã triển khai và sẽ thi công trong thời gian tới. Năm 2019, tỉnh đã khởi công xây dựng Nhà máy Điện gió Đông Hải 1; Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1. Còn 15 dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời… với tổng công suất gần 3.000 MW đang trình Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch. Đây là nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Các dự án điện năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của Bạc Liêu, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phát triển Bạc Liêu theo hướng “xanh”, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các dự án điện gió, điện mặt trời, nhất là Dự án điện khí hóa lỏng LNG có vai trò to lớn và là một trong 5 trụ cột phát triển của Bạc Liêu theo tinh thần Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Dự án điện khí LNG khi được triển khai sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tỉnh. Trong ảnh: Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ dự án.
LÀM GIÀU TỪ BIỂN
Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, có gió mạnh, ổn định và nắng quanh năm với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm. Đặc biệt, ngoài phát triển nghề khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, vùng biển Bạc Liêu gần như ít xảy ra bão lớn. Đồng thời, biển Bạc Liêu cũng mang đến cơ hội để phát triển mạnh về du lịch sinh thái biển, du lịch tâm linh khi khu vực này có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú và nền văn hóa dân gian đặc sắc. Vì vậy, trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh xác định thì có đến 3 trụ cột liên quan đến biển, đó là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh.
Hiện nay, cùng với phát triển điện gió, điện mặt trời, điện khí, vùng biển và ven biển Bạc Liêu kỳ vọng sẽ trở thành vùng kinh tế năng động với các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, cảng biển… góp phần phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, du lịch ven biển với nhiều điểm đến hấp dẫn là thế mạnh đang được Bạc Liêu có kế hoạch khai thác. Qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển của tỉnh, giải quyết có hiệu quả bài toán an sinh cho dân cư vùng ven biển.
Tiến ra biển để làm giàu từ biển là con đường tất yếu và phù hợp với những địa phương ven biển như Bạc Liêu. Và các dự án đang triển khai cùng những định hướng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từ biển sẽ giúp Bạc Liêu hoàn thành được khát vọng vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực.
Nhật Minh
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024
- Họp báo thông tin về kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa X