Xuân Đinh Dậu 2017
20 năm ấy biết bao ân tình
* NGUYỄN DUY HOÀNG
1. Vâng, những điều tôi sắp viết ra đây là cái tôi cảm được, nhìn thấy được và lắng đọng trong hành trình 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Bạc Liêu (1997) đến nay bằng những nét cô đọng nhất, ý nhị nhất… và tôi gọi đó là những ân tình - những ân tình giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển tỉnh Bạc Liêu. Có những ân tình có tên và cả những ân tình không tên mà vẫn luôn đầy ắp, nồng nàn ý Đảng - lòng dân!
Xin bắt đầu từ dấu mốc của 20 năm về trước (1/1/1997) - dấu mốc của ngày đầu chân ướt, chân ráo của cả Đảng bộ và nhân dân “gồng gánh” nhau về tái lập tỉnh Bạc Liêu với xuất phát điểm đa phần chưa vượt xa lắm con số không - mà nông thôn là một đại diện - dù Bạc Liêu là một phần cơ thể của ĐBSCL một thời màu mỡ, đất rộng người thưa, cò bay thẳng cánh, biển bạc rừng vàng…
Đường hoa Nguyễn Tất Thành (TP. Bạc Liêu).
Du xuân. Ảnh:Lâm Thanh Liêm
Thấu hiểu với nỗi niềm của người dân với bao khó khăn cùng cực, nên cái quyết sách chiến lược đầu tiên chất chứa những ân tình được bắt đầu từ nông thôn, hướng về nông thôn.
Nói đến nông thôn là nói đến nông nghiệp - nông dân. Nông dân gắn bó với cách mạng, nông dân nuôi chứa cách mạng. Nông thôn là chiến khu cách mạng, là thành lũy vững chắc của cách mạng suốt một thời đạn bom, góp phần làm nên chiến thắng, đem lại tự do, độc lập hôm nay… Vậy mà nông thôn bấy giờ vẫn một nắng hai sương, nông dân lam lũ, tay lấm chân bùn…
Nên vực dậy nông thôn không chỉ là trọng trách, nghĩa vụ mà còn là mệnh lệnh của trái tim của những người chèo lái con thuyền Bạc Liêu từ những ngày đầu khốn khó.
Bây giờ, nhắc lại những điều này nghe rất giản đơn, nhưng ở thời đoạn ấy, trong bối cảnh mà ở lĩnh vực nào cũng thiếu trước, hụt sau; để đưa ra một quyết sách bắt đầu từ đâu, tập trung cái nào trước, cái nào sau là cả một sự cân nhắc, nghĩ suy, trăn trở… Nhưng rồi cái quyết sách hướng về nông thôn, tập trung cho nông thôn, vực dậy nông thôn đã mạnh dạn ra đời từ sự thống nhất ý chí của toàn Đảng bộ và cả tình cảm sâu nặng của mỗi cán bộ, đảng viên dành cho nông thôn - nông dân. Đó là một quyết sách đúng và trúng. Đúng chủ trương đường lối của Đảng và hợp lòng dân, được nhân dân hồ hởi đón nhận.
Vực dậy nông thôn là làm cho nông thôn có điện, có đường, có trường, có trạm, là mục tiêu cao nhất cần làm và phải làm cho bằng được.
Theo số liệu thống kê, trên bản đồ giao thông nông thôn ngày đó vẫn chằng chịt các tuyến đường, nhưng đa phần là giao thông thủy, xuồng ghe vẫn là phương tiện chính của số đông người dân. Cả tỉnh chưa có con lộ nào được trải nhựa (kể cả con đường Quốc lộ trên 70km đi qua). Đường đến trung tâm hầu hết các xã đều phải đi bằng… đò. Trường học - nhất là trường THPT đếm chưa hết trên đầu ngón tay của một bàn tay (bấy giờ chỉ có Giá Rai có một trường THPT duy nhất mà cũng chỉ dạy đến lớp 10, 11). Trường THCS thì huyện có, huyện không, ngay cả cấp tiểu học không phải xã nào cũng có. Vì vậy việc tiếp cận với cái chữ, với tri thức của con em nông thôn vẫn là điều mơ ước, khát khao của thời ấy (dù cái thời ấy chưa xa với hiện tại là bao).
Y tế nông thôn còn xót xa hơn. Nhiều vùng nông thôn không có lấy một trạm xá, trạm y tế nói chi đến bệnh viện đa khoa. Mỗi khi có bệnh xảy ra thì thầy lang là việc đầu tiên được nghĩ đến của mỗi gia đình. Bệnh viện là điều xa vời, xa xỉ vì… xa xôi, cách trở.
“Vùng tối” nhất ở nông thôn bấy giờ vẫn là… điện. Chỉ có các trung tâm huyện và một ít trung tâm xã có điện lưới kéo đến. Hầu như các vùng nông thôn sâu còn lại, ánh sáng duy nhất vẫn là đèn… dầu!
Nhưng rồi chưa đầy 10 năm sau đó, nông thôn Bạc Liêu hoàn toàn thay đổi - thay đổi đến khó ngờ dù chưa phải toàn diện.
Còn nhớ, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (2005) đánh giá: Tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng điện trên 95%, đường giao thông (giao thông bộ) đã phủ kín khắp vùng nông thôn (chỉ còn một ít xã chưa có đường nhựa đến trung tâm), xã liền xã, ấp liền ấp, đa phần là đường đá cấp phối đồng bằng, các tuyến đường huyện phần lớn đã được nhựa hóa. Trường học, trạm y tế đã phủ kín khắp vùng. Cả tỉnh có gần 20 trường THPT, mỗi xã đều có trường THCS, ấp có trường tiểu học. Phần lớn các huyện đều có bệnh viện đa khoa với phương tiện khá hiện đại, tất cả các khoa, phòng đều có bác sĩ có tay nghề đảm trách…
Có thể nói, bộ mặt nông thôn bây giờ đã có bước lột xác so với xuất phát điểm. Nông thôn Bạc Liêu đang hướng đến mục tiêu nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, nông thôn sinh thái… nhờ hệ thống hạ tầng đồng bộ. Nhiều người dân xúc động bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, chỉ có Đảng, Nhà nước mới lo cho dân đến nơi, đến chốn như vậy!
Với riêng tôi - người viết mấy dòng này, tôi xem quyết sách ấy là một cuộc cách mạng - cuộc cách mạng nông thôn! Có điều khi nhắc đến đây, trong tôi (và có lẽ tất cả chúng ta) dường như có một khoảng lặng. Cái “khoảng lặng” dành riêng cho những người “đầu tàu” làm nên cuộc cách mạng ấy, hôm nay có người còn, người mất, không được thấy trọn vẹn thành quả mà suốt một thời mình nặng nợ, tâm huyết. Đó là chú Út Đen (Nguyễn Văn Út - người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên khi Bạc Liêu tái lập); là anh Năm Hưng (Phan Quốc Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh khi ấy cũng là người gánh vác trọng trách Bí thư Tỉnh ủy kế tiếp sau chú Út Đen); là anh Hai Hiếu (Bùi Chí Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi mới tái lập)… là những người “đặt viên gạch” đầu tiên vực dậy nông thôn. Xin được cùng với những người dân nông thôn đốt cho chú Út, cho anh Năm, anh Hai một nén nhang - một nén nhang ân tình vì những ân tình của chú, của các anh đã nặng nợ với nông dân, nông thôn!...
2. Từ truyền thống cao đẹp và nhân văn của cuộc cách mạng nông thôn, từ truyền thống “thương người như thể thương thân” ông cha truyền lại. Bạc Liêu còn nhiều cuộc cách mạng khác nữa. Và… cuộc cách mạng “vì người nghèo và an sinh xã hội” xin được nhắc đến cũng luôn thấm đẫm tình người. Nếu như nông thôn có xuất phát điểm vào hàng thấp nhất nước, thì người nghèo (phần lớn cũng ở nông thôn) có tỷ lệ chiếm gần một phần ba dân số (trên 28%) ở cái mốc 1997. Điều đó cho thấy một bức tranh xám màu, cần có một cuộc cách mạng quyết liệt, đồng bộ, kiên trì… bởi sự dai dẳng của cái nghèo đã tích tụ triền miên trong người nghèo theo bao năm tháng.
Và vì vậy, muốn phát triển Bạc Liêu, đưa Bạc Liêu vào tốp khá của khu vực và cả nước, không có con đường nào khác là phải xóa nghèo - chính xác ở thời điểm đó là xóa đói, giảm nghèo! Nhưng xóa bằng cách nào, bắt đầu từ đâu, phương pháp ra sao?... Đây là một câu hỏi lớn, là sự thách thức và là đòn cân não cho các cấp lãnh đạo Bạc Liêu…
“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Lời dạy của Bác ngày nào như nhắc nhở lòng quyết tâm cho Đảng bộ Bạc Liêu, nhân dân Bạc Liêu. Thế là cả hệ thống chính trị vào cuộc, cả xã hội vào cuộc chung tay vì người nghèo. “Chung tay vì người nghèo” tuyệt nhiên không phải là câu khẩu hiệu, là lời nói suông mà trở thành mục tiêu, ý chí của Đảng bộ, thành hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ tâm niệm: Có thêm một người nghèo là “sức khỏe xã hội” thêm yếu đi, phải tìm biện pháp hạn chế. Kể từ đây, trong bất cứ chủ trương, kế hoạch của mỗi cấp, mỗi ngành dù trực tiếp hay gián tiếp đều gắn chặt mục tiêu vì người nghèo.
Chỉ sau gần 5 năm tập trung quyết liệt (2005 - 2010), đặc biệt là từ năm 2012 - 2014 số tiền vận động đã lên gần 1.000 tỷ đồng, góp phần khỏa lấp cái nghèo trong mỗi hộ nghèo trong thời điểm khốn khó…
Nhưng chỉ giúp đỡ bằng tiền thôi chưa đủ, vì người nghèo mà chỉ đem tiền đi cho cũng giống như “gió vào nhà trống”, chỉ giúp giải khuây cơn đói, không thể thoát nghèo (mà mục đích của việc chung tay vì người nghèo là để thoát nghèo). Cái chính là làm sao giúp họ có điều kiện tạo sinh kế, tự thân làm ra đồng tiền, bát gạo, tự ý thức vươn lên mới là căn cơ để thoát nghèo - thành tâm mà nói không ít hộ nghèo tự buông xuôi, bỏ phế cuộc đời, mặc cho số phận nổi trôi, đến đâu hay đến đó…
Tuy nhiên, thấu hiểu đến tận cùng nỗi khổ và tâm trạng người nghèo, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đoàn thể, các nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm… mỗi nơi có một sáng kiến, một cách làm để giúp sức cho hộ nghèo.
Với phương châm: Không để một ai còn sót lại phía sau, Tỉnh ủy đã chủ trương phát động “đỡ đầu” hộ nghèo. Đây là một chủ trương nhân văn, sâu rộng, xuyên suốt và liên tục. Ở đó mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm đỡ đầu từ một đến nhiều hộ nghèo theo điều kiện. Mỗi đơn vị, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ giúp đỡ ít nhất 3 - 5 hộ nghèo cho đến khi thoát nghèo. Trong quá trình đó phải thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn giúp đỡ tận tình bằng vật chất tinh thần, bằng phương thức kỹ thuật, giúp đỡ cách làm ăn (kể cả cầm tay chỉ việc), tìm ra hướng mở, phát triển đời sống.
Thực tế đã có nhiều đơn vị, cá nhân có cách đỡ đầu xác thực, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh thực tế người nghèo. Người chưa có công ăn việc làm, chưa có nghề thì tạo điều kiện học nghề, giới thiệu việc làm. Không có nơi nương tựa thì vận động xây nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, nhà nhân ái… Người nghèo thành thị thì giúp vốn buôn bán nhỏ, hỗ trợ phương tiện phù hợp để mua gánh, bán bưng. Người nghèo nông thôn thì giúp cải tạo bờ ruộng, liếp vườn, giúp con giống, tặng ao cá, vườn rau… để người nghèo phát huy khả năng. Và điều quan trọng là khơi gợi tinh thần vươn lên, xóa bỏ mặc cảm, chí thú làm ăn…
Không biết có nơi nào Đảng bộ, chính quyền và cán bộ, đảng viên đã có sự “chung tay” như thế này chưa. Cách làm này, ngay cả người viết cũng cảm thấy xúc động và ấm lòng vì tình thương yêu, xem người nghèo như thể người thân của chính mình, gia đình mình nói chi người trong cuộc. Không ít lần tôi được chứng kiến nhiều người nghèo đã khóc khi tự tay trả sổ hộ nghèo vì được thoát nghèo với lời cảm ơn trong nước mắt. Dù lời cảm ơn đơn sơ, mộc mạc mà chan chứa biết bao nỗi niềm…
Từ con số gần 28%, đến nay chỉ còn 2,65% hộ nghèo (tính theo tiêu chí cũ), xem như cuộc cách mạng xóa đói giảm nghèo cơ bản hoàn thành. Từ đây đã thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị. Nhưng điều đáng quý hơn là cuộc cách mạng chung tay vì người nghèo vẫn chưa dừng lại, vẫn được liên tục, bền bỉ, kiên trì, quyết không để cảnh tái nghèo xuất hiện trở lại. Với quyết tâm chính trị: Ở đâu còn người nghèo, hộ nghèo thì trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ở đó chưa tròn. Rộng hơn là cấp ủy, chính quyền và cả Đảng bộ chưa hoàn thành trách nhiệm với người nghèo.
3. Ngay sau thành công từ quyết sách dồn sức cho nông thôn, cho công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, Bạc Liêu liền bắt tay vào chiến lược mới: Tập trung nguồn lực cho phát triển đô thị - Xin được mở ngoặc nói thêm, tập trung cho đô thị nhưng vẫn chú trọng nông thôn. Nói cách khác, phát triển đô thị bên cạnh củng cố, kiện toàn cho nông thôn một cách đồng bộ, hợp lý. Có thể ví việc dồn sức cho nông thôn, cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo là “công tác đối nội”, phát triển đô thị là “công tác đối ngoại”. Xây dựng phát triển đô thị hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa là góp phần làm cho vị thế Bạc Liêu ngày một nâng lên. Một khi vị thế đã được nâng lên, tầm ảnh hưởng lan rộng, thì việc thu hút trở lại nguồn lực trên các lĩnh vực cũng sẽ tương xứng. Đây là lộ trình, là bước đi trong chiến lược phát triển được cân nhắc một cách kỹ lưỡng và đồng bộ trong tiến trình 20 năm.
Phát triển đô thị thực chất và trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, tạo ra giá trị kinh tế làm đầu tàu cho sự phát triển Bạc Liêu. Công nghiệp càng quy mô, hiện đại thì càng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa giá trị, chất lượng tương ứng. Bất kỳ một quốc gia, một lãnh thổ, một tỉnh nào, muốn phát triển nhanh không thể không lấy công nghiệp làm đòn bẩy (xin hiểu theo nghĩa công nghiệp hóa ngành nghề, kể cả công nghiệp hóa nông nghiệp). Công trình điện gió Bạc Liêu là một minh chứng cho nhận thức đó. Với quy mô 62 trụ tua-bin, công suất 99,2MW, hòa vào điện lưới quốc gia, điện gió Bạc Liêu hiện là công trình hiện đại nhất nước so với ngành công nghiệp cùng loại bước đầu, đã góp vào ngân sách của tỉnh trên 22 tỷ đồng. Nhà máy Bia Sài Gòn - Bạc Liêu có công suất 50 triệu lít/năm, Nhà máy da giày An Hưng, Nhà máy xay xát lúa gạo Vĩnh Lộc, Nhà máy bao bì của Tập đoàn Dầu khí, Nhà máy may mặc Hàn Quốc cùng hệ thống các nhà máy chế biến nông, thủy sản… đã cho ra tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 trên địa bàn tỉnh gần 15 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với cái mốc 1997 (617 tỷ đồng). Bên cạnh còn có hệ thống thương mại, dịch vụ với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… với tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2016 đã đạt trên 40 ngàn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 2016 gấp 8 lần năm 1997 (với 450 triệu USD so với 57 triệu USD)…
Tuy nhiên, công nghiệp đơn thuần chỉ cho giá trị kinh tế cơ học (tức là đầu tư vào một nhà máy thì sẽ cho ra sản phẩm tương ứng nhất định). Có một loại công nghiệp chỉ đầu tư một nhưng cho giá trị gấp nhiều lần. Đó là đầu tư cho du lịch - ngành "công nghiệp không khói". Bạc Liêu đã rất khôn ngoan khi tập trung cho ngành công nghiệp này một cách căn cơ, bài bản. Sự khôn ngoan đó phải kể đến đầu tiên là việc cho ra đời Nghị quyết 02 - Nghị quyết về “đẩy mạnh phát triển du lịch” đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng rất cao trong toàn thể cán bộ, nhân dân, nên vừa ra đời đã được bắt tay ngay vào thực hiện.
Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng du lịch sẵn có, kết hợp mở rộng và đa dạng hóa các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tín ngưỡng tâm linh… Muốn vậy phải tập trung nâng cấp các khu du lịch đã được định hình, mạnh dạn đầu tư xây dựng mới các điểm du lịch văn hóa tiềm năng, tạo sức hấp dẫn, mời gọi du khách. Đến nay Bạc Liêu là tỉnh duy nhất ĐBSCL và Nam bộ có đến 8 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận. Trong số đó phải kể đến các điểm: Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới - một công trình lịch sử tầm cỡ, là nơi không những để du khách tham quan, chiêm ngưỡng mà còn là điểm đến trong sự thành kính với Bác Hồ kính yêu và sự mến phục về lòng dũng cảm, sắt son của Đảng bộ và nhân dân Châu Thới một thời đạn bom để “giữ Bác trong tim và giữ lửa trái tim mình”… Đó là khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (phường 2, TP. Bạc Liêu) - khu lưu niệm duy nhất nhằm lưu giữ loại hình nghệ thuật độc đáo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Đây cũng là điểm đến để tri ân những bậc anh tài (trong đó có nhiều bậc thầy sinh ra tại Bạc Liêu) đã sản sinh ra dòng nhạc đờn ca tài tử có một không hai này. Đó còn là công trình Quảng trường Hùng Vương (phường 1, TP. Bạc Liêu) hoành tráng, hiện đại được tạo dựng bằng các điểm nhấn của nhà hát với mô hình 3 chiếc nón lá và cây đờn kìm cách điệu - biểu tượng của văn hóa Bạc Liêu được công nhận kỷ lục Việt Nam về độ cao, độ lớn của nó…
Ngoài ra còn nhiều khu du lịch văn hóa lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh và sinh thái khác nữa… đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2015 đã có đến 1,1 triệu lượt khách, trong đó có 35 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng giá trị của dịch vụ du lịch đạt trên 380 tỷ đồng, gấp nhiều chục lần so với năm 1997 (7,8 tỷ đồng). Điều này minh chứng cho đánh giá: “Đầu tư cho ngành "công nghiệp không khói" cho ra sản phẩm gấp nhiều lần”. Vì chỉ cần một người giới thiệu, quảng bá thì con số 1,1 triệu du khách sẽ là “lợi nhuận” khổng lồ cho Bạc Liêu, chưa nói đến 35 ngàn khách quốc tế?...
Sẽ là thiếu sót khi nói đến tập trung phát triển đô thị mà không nhắc đến Nghị quyết 01 (của BCH Đảng bộ khóa XIV), đó là Nghị quyết “xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh”. Đây là Nghị quyết khơi đúng tâm lý, khát vọng bản chất của con người. Một khi cái ăn, cái mặc đã được đủ đầy, thì việc hướng đến cái đẹp, văn minh luôn được quan tâm. Vì vậy mà Nghị quyết được đón nhận một cách nồng nhiệt. Minh chứng cho sự nồng nhiệt đó là chưa đầy 5 năm, TP. Bạc Liêu đã được Trung ương công nhận là đô thị loại II, đã hoàn tất các tiêu chí đề ra trước 1 năm. Các tiêu chí xanh - sạch - đẹp, văn minh cơ bản được đáp ứng. Điều đặc biệt hơn, khi thực hiện Nghị quyết, không chỉ chú trọng làm đẹp bộ mặt “đô thị cái quan” mà “đô thị khóm, đô thị hẻm” cũng được chỉnh trang đồng bộ, ngang tầm với đô thị loại II. Văn minh đô thị trong mua bán, giao tiếp lịch thiệp, hòa nhã. Trật tự đô thị ngày một ngăn nắp, phố phường xây dựng khang trang quy củ, việc cưới, việc tang được thực hiện chuẩn mực, nghiêm trang…
Không chỉ TP. Bạc Liêu mà các đô thị ở cấp huyện cũng được nâng cấp. Năm 2015, huyện Giá Rai được nâng lên thị xã, các thị trấn trong tỉnh cũng được quan tâm đúng mức, dáng dấp ngày một chỉn chu, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực nhất…
Và còn nhiều, nhiều lắm những hành động, việc làm không tên nữa trong hành trình 20 năm “chung sức dựng cơ đồ” cho một Bạc Liêu cất cánh, mà mỗi hành động, việc làm đều nặng nợ với nhân dân. Ngay cả khi tổ chức kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Bạc Liêu cũng không quên cuộc vận động “Vì người nghèo và an sinh xã hội” tại buổi lễ. Việc làm đó là gì nếu không phải là tình thương yêu sâu nặng với người nghèo?...
Tôi nghĩ rồi đây 20 năm, 50 năm sau… lịch sử Bạc Liêu sẽ có một trang dành riêng cho cột mốc lịch sử này (1997 - 2017) – cột mốc đã làm nên dấu ấn Bạc Liêu. Ở đó, cái dấu ấn ân tình giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng sẽ là những dòng viết hoa trang trọng nhất./.