Xuân Đinh Dậu 2017

Bạc Liêu sẽ “hóa rồng”

Thứ Năm, 22/06/2017 | 16:05

Là một trong những tỉnh, thành phố nằm trong khu vực ĐBSCL, song đến nay Bạc Liêu vẫn chưa thể “hóa rồng”. Cần nhìn nhận những khó khăn để có những đánh giá toàn diện về sự phát triển của Bạc Liêu 20 năm qua. Từ đó hun đúc thêm niềm tin, tạo thêm động lực mới với quyết tâm vì một Bạc Liêu phát triển phồn thịnh trong tương lai.

Mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: Dương Văn Nhi

Nhiều thách thức

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của Bạc Liêu đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2016 đạt hơn 22.888 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 1997. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 12% ở một tỉnh thuần nông như Bạc Liêu, đây là con số ấn tượng. Bởi, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước muốn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10%/năm không phải là chuyện dễ làm. Từ lý do này, nhiều người xếp Bạc Liêu vào nhóm tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Trên thực tế, nếu so về giá trị tuyệt đối thì mức tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu vẫn xếp vào nhóm thấp và rất thấp so với các tỉnh, thành phố khác. Đơn cử như con số tăng trưởng kinh tế đạt bình quân hơn 12% là được tính và áp dụng theo giá so sánh từ năm 1994, còn nếu tính theo quy định mới với giá so sánh năm 2010 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu năm 2016 chỉ 5,38%.

Qua đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng và quy mô của nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ. Điều đó không chỉ chứng minh ở việc thu ngân sách hàng năm của tỉnh chỉ đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, mà chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là điều kiện về hạ tầng giao thông, kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; gặp khó khăn trong thu hút đầu tư; khả năng hấp thụ vốn đầu tư từ bên ngoài còn hạn chế…

Bên cạnh đó, thế mạnh kinh tế của Bạc Liêu được xác định từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vẫn là sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của sản xuất nông nghiệp lại thiếu bền vững, bị lệ thuộc và thiếu chủ động trước sự thay đổi cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2016 chỉ tăng 2,3%. Số liệu này cho thấy, đã đến lúc Bạc Liêu phải đổi mới mô hình tăng trưởng cho phát triển; cũng như cần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Chế biến tôm sú xuất khẩu (TX. Giá Rai). Ảnh: M.Triết

Cần nâng cao giá trị

Nền kinh tế của Bạc Liêu chưa phát triển nhanh và thiếu bền vững ngoài điều kiện vị trí địa lý nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, kết nối giao thông chưa thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội còn gặp khó khăn… còn có một nguyên nhân cơ bản khác là Bạc Liêu chưa tận dụng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có. Đồng thời tăng trưởng kinh tế lâu nay chỉ phát triển theo chiều rộng thông qua tăng vốn đầu tư, tăng số lượng doanh nghiệp, lao động… chứ chưa phát huy hết giá trị, tính hiệu quả, năng suất, chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra bước đột phá từ các ngành kinh tế mũi nhọn.

Cụ thể, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, nhưng lâu nay thế mạnh kinh tế này mới chỉ khai thác nguồn lợi tự nhiên, chứ chưa phát huy hết giá trị kinh tế mà nguồn lợi mang lại. Đến nay, hơn 90% sản phẩm tôm đông lạnh là xuất thô theo kiểu nông dân thu hoạch tôm xong đem nguyên liệu bán cho nhà máy, và nhà máy làm sạch con tôm để xuất khẩu. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu tôm khác lại lấy nguồn nguyên liệu này về chế biến thành các sản phẩm mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với xuất tôm đông.

Bạc Liêu có thể sản xuất được mặt hàng giá trị gia tăng nếu như có một chiến lược cho ngành chế biến xuất khẩu. Điều đó sẽ nâng cao giá trị của con tôm Bạc Liêu, doanh nghiệp sẽ thu mua tôm nguyên liệu cho nông dân với giá cao hơn, giảm áp lực cho việc cung cấp nguồn nguyên liệu từ việc chế biến thô. Cùng với đó, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng thêm, tay nghề, tác phong công nghiệp của người công nhân, năng suất lao động cũng nâng lên khi doanh nghiệp ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại để sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng.

Nông dân tham quan đánh giá chất lượng lúa giống tại Trung tâm Giống nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu . Ảnh: M.Đạt

Và tăng trưởng theo chiều sâu

Thực trạng trên cho thấy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tận dụng và khai thác tốt các lợi thế nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế là rất cần thiết. Đổi mới mô hình tăng trưởng còn để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên không nên thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái…

Điều đáng ghi nhận là Bạc Liêu bước đầu đã đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Một trong những việc cụ thể là Bạc Liêu đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bỏ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Cái Cùng (khu vực ven biển huyện Hòa Bình) để tập trung phát triển nuôi tôm. Qua đó, quyết tâm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm của ngành nuôi tôm công nghiệp toàn quốc, đại diện cho ngành xuất khẩu tôm của cả nước.

Không chỉ có nuôi trồng thủy sản, mà các ngành sản xuất khác cũng được Bạc Liêu chuyển đổi trong năm 2017 theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và sản xuất bền vững. Đó là chuyển đổi hàng ngàn héc-ta đất sản xuất muối đen sang sản xuất muối trắng ứng dụng công nghệ cao; hay chuyển đổi hoàn toàn diện tích sản xuất muối đen kém hiệu quả sang nuôi Artemia; tăng cường đầu tư hạ tầng đồng bộ cho vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, vùng sản xuất tôm sạch, tôm sinh thái; khuyến khích nông dân chỉ sản xuất lúa giống chất lượng cao (thông qua phát triển và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn)…

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, Bạc Liêu sẽ thực hiện tốt Nghị quyết số 05/NQ-TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, sẽ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; huy động và thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn; tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển và khởi nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài; ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất…

Với ước mơ “hóa rồng” và để đưa nền kinh tế Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu quyết tâm thi đua lao động, sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược trên. Và Bạc Liêu chắc chắn sẽ “hóa rồng” trong tương lai.

 Lư Dũng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.