Xuân Đinh Dậu 2017
Lộc đầu năm
Mùng Một Tết, sau khi cả nhà ăn sáng với những thức ăn chay vừa cúng trên bàn thờ, ai nấy đều háo hức thay đồ mới để cùng gia đình đến những nơi đã dự tính trước. Lúc thay đồ mới, mấy đứa nhỏ còn lăng xăng thêm một chuyện, hi hí mở những bao lì xì vừa được bà và cha mẹ cho, xem thử có đứa nào được nhiều hơn không. Không có bao lì xì nào nhiều hơn, đều là những tiền giấy mới và bằng nhau. Giá trị không nhiều, chỉ có tính tượng trưng, lấy lộc. Năm nào mẹ cũng giải thích điều này với các cháu từ khi chúng còn nhỏ. Mẹ cũng nhận những bao lì xì của các con, cũng với những món tiền tượng trưng và lời chúc sức khỏe, vui vẻ nhân dịp năm mới. Những bao lì xì của mẹ nhận thường vẫn khác nhau.
Mừng tuổi ông bà. Ảnh: SGTT
Mẹ thường là người ra khỏi nhà sau cùng để đi lễ chùa sau khi dọn dẹp gọn gàng những thứ vừa bày ra sau bữa cơm sáng vội vàng đầu năm. Đã bao năm qua, nếu để ý những động tác, công việc và lời nói của mẹ vẫn thường giống nhau trong buổi sáng đầu năm. Mẹ kiên trì động viên, giải thích, thuyết phục để mỗi người trong nhà đều ăn vài miếng thức ăn chay đầu tiên trong năm mới. Mẹ nói rằng, đó là lúc nghĩ đến sự an lành đối với bao loài khác hiện hữu quanh mình. Sau đó, mẹ luôn nhắc những điều cấm kỵ, không nên làm, không nên nói trong ba ngày tết để có một năm vui vẻ, bình yên, hạnh phúc. Khi mọi người đã ra khỏi nhà, mẹ thay chiếc áo dài quen thuộc, tà áo thêu cành mai vàng có những chiếc hoa nở như trong chậu mai tươi tắn trước sân nhà. Mẹ một mình lặng lẽ đi chùa đầu năm.
Năm nay, Út nói đưa mẹ đi chùa bằng xe máy, nhân tiện để mẹ ngắm phố phường ngày đầu năm mới vì thường ngày mẹ cũng ít đi đâu. Ban đầu mẹ từ chối vì muốn đi một mình để được thư thả, khỏi thôi thúc thời gian. Bởi có khi gặp người quen hàn huyên, hoặc vui mẹ có thể nán lại chùa hay đi đâu đó. Nhưng khi Út nói năm nay muốn đi chùa ngày đầu năm là để xin lộc thì mẹ lại rất vui.
Chiều tối, cả nhà mới tụ hội về đông đủ. Ai cũng có những câu chuyện kể về những điều mới lạ ở những nơi đi đến trong ngày đầu năm. Mấy đứa nhỏ lại lăng xăng với những bao lì xì được người lớn cho trong ngày khi đi thăm, chúc tết gia đình bà con thân thuộc. Có đứa rút tiền trong bao lì xì ra mua đồ chơi hay bánh kẹo thì số tiền còn lại ít hơn những đứa khác, thường số tiền lì xì của mỗi đứa vẫn bằng nhau. Bữa cơm tối cũng qua loa nhưng không vội vàng. Ai cũng muốn thưởng thức những thức ăn mà mẹ đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị từ nhiều ngày trước cho những ngày tết như mọi năm. Nhiều thức ăn, bánh trái để sẵn trên bàn, ai thích món gì, lúc nào tự ý dọn ra ăn.
Những keo dưa hành, dưa kiệu, tỏi, gừng, ớt bằm. Mứt dừa, mứt khóm, mứt tắc, mứt mãng cầu… trong vườn nhà đến những đòn bánh tét nhưn đậu, nhưn chuối và nồi thịt kho hột vịt nước dừa. Còn có những con khô sặc lụi, khô bổi, khô lóc phòng khi có khách tới nhà chúc tết muốn nhâm nhi vài ly rượu đầu năm. Mọi thứ không nhiều nhưng đều do mẹ tính toán, cất công làm vào những ngày giáp tết từ bao năm rồi cũng không còn nhớ, nhưng rất quen thuộc và hầu như năm nào thực đơn ấy cũng gần giống nhau. Chỉ công thức chế biến mỗi năm có khác nhau đôi chút. Mẹ muốn giữ nguyên các món truyền thống trong gia đình và theo đó là những câu chuyện kể đã thành kỷ niệm gắn với những người nay đã vắng mặt được dịp nhắc lại trong dịp này.
Nhiều năm rồi căn chòi nhỏ phía sau nhà được dựng lên từ hồi gia đình còn dùng củi để nấu ăn. Căn chòi nhỏ lợp lá cũ kỹ, xiêu vẹo và trống hoác vì nhiều năm nay nhà đã dùng bếp gas, nên ít được chú ý, sửa chữa. Căn chòi lá chỉ còn dùng đến vài lần trong năm. Nhất là vào tháng Chạp mà chủ yếu là khi mẹ sên mứt và luộc nồi bánh tét ngày Ba mươi Tết. Ngày trước, mọi người trong nhà ai cũng đã từng chạy lên chạy xuống từ trên nhà xuống căn chòi lá nhỏ này để mang thức ăn lên bàn ăn, nó rất quen thuộc. Lâu rồi không còn cảnh đó nữa.
Có những điều dần mất đi trong tâm khảm khi cuộc sống ngày càng năng động, phát triển, thay đổi từng ngày nên ít người nhận ra. Khi có dịp nhớ lại bỗng có giây phút giật mình, bâng khuâng, lạ lẫm, giống như khi nhìn lại tấm ảnh của bao nhiêu năm về trước. Mình đã đi qua bao năm tháng không ngờ. Những sợi khói cay xè quen thuộc từ những khúc củi bình bát, trâm bầu… mùa mưa chưa kịp khô ngày nào vắng dần trong năm. Không ai nghĩ đến lúc nào đó, những điều thầm lặng, mỏng manh đã từng gắn bó với cuộc đời mình một thuở như những sợi khói từ chái bếp cũng sẽ không còn khi ngành công nghiệp đảm đương cả việc làm bánh mứt với chất lượng và hình thức cũng ngày càng hấp dẫn hơn.
* * *
Trong bữa cơm tối, Út kể lại chuyện buổi sáng đưa mẹ đi chùa. Chi tiết sau cùng làm mọi người chú ý, ngạc nhiên là mẹ đã bỏ những bao lì xì hồi sáng vào thùng phước thiện. Có đứa sau này đã hỏi mẹ điều này. Mẹ mỉm cười gật đầu xác nhận. Nhưng lời giải thích của mẹ mới làm những người trong nhà ngạc nhiên hơn. Mẹ nói, mẹ đâu có lẫn lộn gì đâu, việc đó mẹ vẫn làm nhiều năm nay rồi, có điều không có đứa nào đi theo mẹ nên không biết, và chuyện đó đâu phải chuyện để kể lể với mọi người.
Mẹ nghĩ, món tiền trong những bao lì xì là tấm lòng của cháu, con với mẹ. Đó là niềm hạnh phúc, điều tốt lành mẹ nhận được hôm nay. Tấm lòng đó sẽ được nhân lên, rộng lớn hơn bằng cách để nó đến với nhiều người. Tấm lòng yêu thương của các con được mở rộng và mẹ cũng vui khi được làm điều nho nhỏ ấy. Dừng lại một chút, trầm ngâm mẹ nói, nghĩ vậy có khi vẫn còn tham lam lắm, có ít mà muốn nhận lại nhiều hơn… Có lẽ nên xem là bài học nhỏ trong cuộc sống đời thường. Hay đơn giản hơn, là khi mình dành thời gian nghĩ đến mọi người…
Xuân Đinh Dậu - 2017