Xuân Đinh Dậu 2017
Nâng tầm hạt muối Bạc Liêu
Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, rất độc đáo, không có vị đắng. Điều đó đã làm cho hạt muối Bạc Liêu trở nên nổi tiếng. Tỉnh đã tái cơ cấu ngành muối để nâng chất và tạo điều kiện cho hạt muối Bạc Liêu vươn ra thị trường thế giới.
Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu nhận Giải vàng chất lượng quốc gia năm 2015. Ảnh: M.Đ
Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham quan gian hàng trưng bày muối Bạc Liêu tại hội chợ TP. Cần Thơ. Ảnh: M.Đ
Muối i-ốt sản xuất tại Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu. Ảnh: Minh Triết
Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: Minh Triết
Xây dựng cánh đồng muối lớn
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có truyền thống sản xuất muối lâu đời và nổi tiếng từ xưa đến nay. Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, không đắng chát, mùi vị độc đáo. Bên cạnh đó, vùng đất nơi đây có độ bay hơi nước biển rất cao, độ hấp thu nhiệt của đất rất mạnh, các nguyên tố vi lượng của nước biển đã góp phần làm cho muối có hương vị đặc trưng và được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Từ trước đến nay diêm dân chủ yếu sản xuất muối theo phương pháp truyền thống, công nghệ lạc hậu, chủ yếu là muối đen.
Để muối Bạc Liêu đủ sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, tỉnh đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Đông Hải. Từ đó chuyển đổi sản xuất muối theo kiểu truyền thống sang sản xuất muối hàng hóa theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, chất lượng cao. Tỉnh đã xây dựng cánh đồng muối lớn thí điểm trên diện tích 37ha sản xuất muối trải bạt nhựa PVC kết hợp cất trữ nước ót nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối, tạo ra chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) diêm nghiệp Doanh Điền (huyện Đông Hải) cho rằng: “Muốn nâng cao chất lượng hạt muối, cần đầu tư thí điểm một số mô hình muối trải bạt, UBND tỉnh cần có chính sách ưu đãi cho diêm dân vay vốn ngân hàng để đầu tư mô hình trên…”.
Nâng cao chất lượng hạt muối
Ngoài việc khuyến khích nông dân liên kết sản xuất và áp dụng mô hình sản xuất muối trải bạt, trong quá trình sơ chế, Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu (gọi tắt là Công ty muối) đã có sáng kiến chế tạo máy sấy trống quay cho ẩm độ muối khoảng 5% xuống dưới 1%. Hạt muối sau khi sấy có độ đồng đều về kích cỡ, màu sắc sáng trắng, vị mặn thanh. Đây là sáng kiến đoạt giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI. Sáng kiến máy trống quay khắc phục nhược điểm của sấy muối tĩnh vỉ ngang và sấy sàng trước đây như: tốn nhiều nhân công, nhiên liệu, thiết bị mau hỏng, sản phẩm không đồng đều về ẩm độ.
Hạt muối Bạc Liêu có chất lượng đặc thù và rất dễ nhận biết. Muối có màu trắng, trắng hồng, ánh xám, không mùi, vị mặn, không vị đắng, hạt khô, chắc. Trong đó, muối không có vị đắng là một yếu tố đặc thù tạo nên sự khác biệt của muối Bạc Liêu so với muối các tỉnh khác sản xuất. Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu trở nên nổi tiếng. Mỗi tháng, Công ty muối xuất khẩu khoảng 60 - 80 tấn muối sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo nhận xét của một số doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc: “So với nhiều nước có nghề sản xuất muối, muối ăn Việt Nam rất ngon, nhưng ngon nhất vẫn là hạt muối Bạc Liêu”. Đồng thời muối Bạc Liêu cũng được đưa vào bán ở gần 130 siêu thị nổi tiếng ở các tỉnh, thành như Big C, Co.opmart…
Ông Hồ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty muối, cho biết: “Để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, thời gian tới, công ty sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài. Song song đó, tăng cường ứng dụng dây chuyền sản xuất với công nghệ mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
Tái cơ cấu ngành muối
Theo tái cơ cấu ngành muối của tỉnh, đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối là 2.500ha, trong đó diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp là 500ha. Sản lượng muối đạt 180.000 tấn, trong đó sản lượng muối trắng sản xuất truyền thống là 69.000 tấn, chiếm 38,33%; sản lượng muối trắng trải bạt là 48.000 tấn, chiếm 26,67%; còn lại là muối đen. Dự kiến đến năm 2030, diện tích sản xuất muối là 2.400ha, trong đó diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp là 1.000ha. Sản lượng muối đạt 200.000 tấn, trong đó sản lượng muối trắng sản xuất truyền thống là 50.000 tấn, chiếm 25%; sản lượng muối trắng trải bạt 100.000 tấn, chiếm 50%.
Nếu áp dụng công nghệ trải bạt trên nền sân kết tinh, ước tính sản lượng muối từ 153.880 tấn (năm 2015) sẽ tăng lên 180.000 tấn (năm 2020) và tăng lên 200.000 tấn (năm 2030). Tỉnh đang từng bước đầu tư xây dựng vùng muối nguyên liệu chất lượng cao; xây dựng mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất muối ở huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải với sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và diêm dân).
Phát biểu tại buổi tiếp xúc với diêm dân xã Điền Hải (huyện Đông Hải), ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích diêm dân ứng dụng mô hình muối trải bạt nhằm nâng cao chất lượng hạt muối. Thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết nông dân xây dựng các cánh đồng muối lớn chất lượng cao. Quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu để nâng cao hơn nữa giá trị hạt muối Bạc Liêu. Làm được như vậy, hạt muối Bạc Liêu mới khẳng định thương hiệu và vươn xa ra thị trường thế giới.
Châu Minh