Xuân Đinh Dậu 2017
Nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer từ cái nôi gia đình
Từ trong những cái nôi gia đình, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer đã được tắm tưới rồi “đâm chồi, nảy lộc” qua bao thế hệ. Mang trong mình sứ mệnh giữ hồn văn hóa dân tộc, không ít gia đình Khmer ở các phum sóc đang ra sức trao truyền, góp phần làm cho nghệ thuật truyền thống ngày càng thăng hoa trong đời sống hiện đại.
Gia đình nghệ sĩ Thạch Thiệu và Hiệu Thị Liên tập cho con trai điệu múa dân tộc.
Anh Lý Đa Ni (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) truyền dạy kỹ thuật điêu khắc kiến trúc Khmer cho con. Ảnh: H.T
Những ngày gần xuân, nhiều nghệ nhân đang miệt mài kiến tạo, trang trí hoa văn, họa tiết cho ngôi chùa Khmer. Nhìn những tác phẩm này, không ai nghĩ rằng họ chưa từng được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào.
Cha con anh Lý Đa Ni (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) là những người tạo hình những công trình nghệ thuật từ chất liệu đất sét. Từ một khối đất sét bình thường, chẳng mấy chốc, cha con anh Đa Ni đã “phù phép” thành tác phẩm có hoa văn cầu kỳ, độc đáo. Ngắm nhìn ngôi chùa Khmer lộng lẫy vươn mình trong nắng xuân, anh Đa Ni phấn khởi: “Tôi tự hào vì được đóng góp một phần công sức vào diện mạo mới của phum sóc. Nghệ thuật điêu khắc đã giúp gia đình tôi thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân tộc mình. Do vậy, gia đình tôi sẽ cố gắng gìn giữ, sáng tạo thật nhiều tác phẩm nghệ thuật để những công trình kiến trúc Khmer sống mãi với thời gian”.
Thuở nhỏ, Đa Ni luôn cảm thấy hiếu kỳ với những hoa văn, bích họa của mái chùa, tượng Phật, vách tường. Đa Ni thường nhặt những mảnh vỡ hoa văn dưới gốc cây tha la của chùa Buppharam (Cái Giá chót) để mày mò rồi tìm đất sét nặn theo. Từ một cậu bé tập tành điêu khắc, qua 21 năm gắn bó với nghề đã giúp anh Đa Ni trở thành nghệ nhân dân gian nổi tiếng khắp phum sóc. Hầu như những tuyệt tác đơn giản đến phức tạp nhất của chùa Cái Giá chót đều được làm từ óc sáng tạo và hoa tay của anh.
Tại chùa Giá Rai cũ (phường 1, TX. Giá Rai), “hơi thở” mùa xuân đã bắt đầu lan tỏa khắp phum sóc. Cùng với những thanh âm huyền diệu của đất trời, giai điệu tưng bừng của nhạc ngũ âm do Đội nhạc cổ truyền Khmer biểu diễn làm cho sinh khí tết thêm phần rộn rã. Đặc biệt là 8 thành viên của đội đều là những người thân trong gia đình. Vì vậy, các nhạc công này luôn có sự phối hợp ăn ý, làm cho những giai điệu truyền thống trở nên nhịp nhàng, hòa hợp hơn. Ông Hiệu Văn Diễn, Đội trưởng Đội nhạc cổ truyền chùa Giá Rai cũ, bộc bạch: “Nhạc ngũ âm được xem là tài sản quý giá của đồng bào dân tộc Khmer. Là một gia đình có truyền thống nghệ thuật, tôi luôn khát khao xây dựng một đội nhạc biểu diễn ngũ âm để phục vụ lễ hội của phum sóc. Không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa Khmer, việc chơi nhạc ngũ âm còn có ý nghĩa giáo dục tình yêu, niềm tự hào dân tộc trong mỗi thành viên gia đình”.
Còn đối với nghệ thuật biểu diễn, Thạch Thiệu và Hiệu Thị Liên, công tác tại Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu (gọi tắt là đoàn) luôn được biết đến là đôi vợ chồng hạnh phúc, một gia đình nghệ sĩ đa tài. Cả hai đều xuất thân là con nhà nòi về nghệ thuật biểu diễn Khmer. Nếu gia đình Thạch Thiệu có truyền thống về nghệ thuật dù kê thì ông nội Hiệu Thị Liên lại là Trưởng đoàn dù kê của huyện Giá Rai ngày trước (nay là TX. Giá Rai). Năm 2000, Bạc Liêu tổ chức chương trình nghệ thuật Kinh - Hoa - Khmer, Thạch Thiệu được phân công hỗ trợ đoàn dù kê huyện Giá Rai tập luyện tham gia chương trình. Tại đây, anh đã phát hiện tài năng và giới thiệu Hiệu Thị Liên về đoàn công tác. Cũng vì cái duyên gặp gỡ và có chung niềm đam mê nghệ thuật dân tộc mà họ đã đem lòng mến mộ và “cùng về một nhà”.
Gắn bó với đoàn từ những ngày đầu thành lập, vợ chồng anh Thiệu - chị Liên luôn chăm chỉ học hỏi, nỗ lực để nâng cao tay nghề. Với nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ diễn viên và biên đạo - dàn dựng chương trình, cả hai luôn dành nhiều tâm huyết để sáng tạo trong từng kịch bản, động tác múa, cách diễn xuất. Đặc biệt, anh Thiệu còn sáng tác được nhiều vở dù kê như: Tình yêu và tham vọng, Vì một tình thương, Mối tình thủy chung… Còn chị Liên cũng thành công với nhiều chương trình được dàn dựng đặc sắc như Mối tình nàng tiên cá, Chiếc quạt, Chuyện tình Nol Thăs, Chằn… Hạnh phúc với họ không chỉ là được “cháy” hết mình với nghề, mà còn là đứa con trai rất có năng khiếu với nghệ thuật dân tộc. Mới 12 tuổi mà bé Thạch Thành Công đã góp mặt trong nhiều chương trình ca, múa nhạc thiếu nhi tiếng dân tộc Khmer.
Nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer có sức mạnh kỳ diệu như “chất keo” kết dính tình thân trong những gia đình phum sóc. Và ngược lại, gia đình lại là “chiếc nôi” nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật dân tộc lớn dần theo năm tháng. Có dịp về phum sóc, chúng tôi đã cảm nhận sâu sắc hơn về điều đó qua câu chuyện những gia đình “giữ lửa” cho nghệ thuật truyền thống.
Trịnh Hữu