Hòa chung niềm vui với đất trời vào xuân, phum sóc Bạc Liêu hân hoan trên quê hương đổi mới. Trong thành quả ngọt ngào của hôm nay, ngoài sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer với tinh thần vượt khó, sự nỗ lực không ngừng để chung tay kiến tạo “những mùa xuân quê hương”.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan chùa Ghôsitaram (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T
Múa trống Sa-dăm phục vụ đồng bào Khmer ở huyện Hòa Bình.
Vợ chồng chị Sơn Thị Thắm (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) bên chiếc máy gặt đập liên hợp.
Trường tiểu học Thuận Hòa II (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) được đầu tư khang trang phục vụ công tác giáo dục đồng bào Khmer.
Ảnh: Khánh Văn - H.T
Gió chướng đã về trên các phum sóc. Không khí se lạnh pha lẫn chút ấm áp làm lòng người thêm xốn xang. Trước diện mạo mới của làng quê vào xuân, ông Sơn By, Bí thư ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) hồ hởi nói: “Khi Bạc Liêu mới tái lập (1997), điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh rất khó khăn, các phum sóc cũng thiếu thốn mọi bề. Song, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng bào Khmer và các dân tộc anh em trên quê hương Bạc Liêu đã chung sức, chung lòng xây dựng đời sống mới. Nhờ ơn Đảng và Nhà nước mà phum sóc hôm nay đã thay da, đổi thịt, đời sống đồng bào thêm khởi sắc, bộ mặt nông thôn khang trang hơn với những công trình mới”.
Chỉ trong 5 năm gần đây, hàng ngàn ki-lô-mét đường, hàng chục cây cầu giao thông đã được bê- tông hóa, nhựa hóa nối liền các ngõ xóm phum sóc; 100% ấp có trường tiểu học chăm lo giáo dục cho trẻ em Khmer; nhiều trạm y tế mọc lên góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà con…
Trong cái nắng vàng của buổi chớm xuân, những bông hoa tha la tươi thắm khoe sắc hương tô điểm thêm vẻ lộng lẫy cho ngôi chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Trên cây cầu ấp Biển Đông B (xã Vĩnh Trạch Đông), những chuyến xe chở đầy nông sản tất bật ra chợ tết. Nằm dọc theo con lộ thông thoáng của ấp là những căn nhà tường, dãy hàng rào cây xanh, hoa kiểng đang được người dân “trang điểm” đón tết. Ông Lê Trường Hận, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, chia sẻ: “Mới vài năm về trước, Vĩnh Trạch Đông vẫn còn là vùng nông thôn đặc biệt khó khăn của TP. Bạc Liêu. Xuất phát điểm với nhiều bất lợi, chính quyền xã và đồng bào Khmer đã nỗ lực khai thác những thế mạnh của địa phương, đồng tâm hiệp lực xây dựng phum sóc phát triển. Cũng như con đường hoa này chứa đựng rất nhiều tâm huyết, khát khao đổi mới phum sóc của toàn Đảng, quân và dân địa phương. Tết này, công tác giảm nghèo của xã cũng đạt nhiều thắng lợi với hơn 100 hộ Khmer thoát nghèo, bình quân thu nhập đầu người nâng lên 33 triệu đồng/năm”.
Cùng với các địa phương trong tỉnh, phum sóc đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyển đổi vật nuôi - cây trồng, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Nhờ đó không ít đồng bào Khmer đã thành công với những mô hình sản xuất hiệu quả, tiếp cận với khoa học - công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất. Trên cánh đồng hơn 1ha, chiếc máy gặt đập liên hợp của gia đình chị Sơn Thị Thắm (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) đang thu hoạch lúa. Bao năm nắng dãi mưa dầu, làm lụng cực khổ, gia đình chị vừa mua được máy gặt đập phục vụ sản xuất, hỗ trợ bà con trong ngày mùa thu hoạch. Chị Thắm bày tỏ: “Được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng bào Khmer thêm hăng say lao động để ruộng lúa, nương rẫy đươm hoa, kết trái. Tết năm nay, bà con đón năm mới với cuộc sống đầm ấm, sung túc hơn”.
Thêm một mùa xuân, phum sóc Bạc Liêu lại có bước chuyển mình. Từ những thành tựu đạt được hôm nay, đồng bào Khmer đã góp thêm những bông hoa đẹp, làm cho mùa xuân trên đất Bạc Liêu thêm rạng rỡ, lung linh sắc màu.
Hữu Thọ
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, song Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn đặc biệt quan tâm công tác chăm lo cho đồng bào Khmer. Hàng năm, đồng bào được tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ từ Chính phủ và tỉnh như: đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đất ở; vay vốn; cung cấp ấn phẩm báo, tạp chí; chế độ cử tuyển; giải quyết việc làm, đào tạo nghề; chăm sóc sức khỏe; bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống... Qua đó, ngày càng tạo được sự đồng thuận, tin tưởng sâu sắc của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng các phum sóc đậm đà bản sắc văn hóa và từng bước hiện đại.