Xuân Đinh Dậu 2017
Tư duy mới, thành tựu mới của nông nghiệp Bạc Liêu
Sau 20 năm tái lập tỉnh (từ năm 1997 đến nay), có thể nói, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã làm những việc mà cả chặng đường nhiều chục năm (giai đoạn 1975 - 1997) chưa làm được. Từ chỗ độc canh cây lúa mang tính tự cung tự cấp, Bạc Liêu đang sở hữu một nền nông nghiệp đa dạng sản phẩm, giá trị xuất khẩu không ngừng tăng lên và luôn chứng tỏ một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở huyện Hòa Bình. Ảnh: Nguyễn Xuân Hãn
Thu hoạch cá lóc nuôi. Ảnh: Nguyễn Thị Kim Em
Nuôi vịt đàn là cách tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Ngọc Hiền
Mô hình lúa - cá của nông dân huyện Hồng Dân mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Triết
KHỞI ĐẦU TỪ GIỐNG LÚA
Để có được sự đổi thay kỳ diệu của nền nông nghiệp như hôm nay, sự thay đổi cơ cấu giống lúa được tiến hành như một cuộc cách mạng. Thời kỳ của 20 năm trước (trước năm 1997), sản lượng lúa hàng năm của tỉnh chủ yếu chỉ để phục vụ cái ăn, chưa có khái niệm bán ra thị trường thế giới vì sản lượng ít ỏi. Độc canh cây lúa, năng suất thấp, giá cả bấp bênh, tiêu thụ khó là cái vòng luẩn quẩn làm cho nông dân Bạc Liêu vốn đã nghèo lại càng thêm khó khăn.
Thấy được điểm yếu này, trong giai đoạn 1997 - 2000 (thực hiện Chương trình ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp), Bạc Liêu đã có bước đi mang tính đột phá. Đó là thay đổi cơ cấu giống từ phần lớn diện tích sản xuất lúa mùa địa phương bằng bộ giống lúa mới. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhớ lại: “Năm 2002, Bạc Liêu đã có 80% diện tích trồng lúa được nông dân sử dụng giống chất lượng cao. Nhờ nông dân mình am hiểu tập quán nên lúc đầu ngành Nông nghiệp chỉ thử nghiệm bộ giống lúa mới trên diện tích khiêm tốn và trình diễn ở cánh đồng mẫu, cánh đồng thanh niên. Chỉ sau 2 vụ sản xuất, những cánh đồng ấy đã đạt năng suất trên 5 tấn/ha, thương lái tìm mua không sót hạt nào. Đây chính là nhân tố quyết định để nông dân tìm đến cái mới, tiên tiến trong sản xuất”. Hàng chục giống lúa mới “made in Bac Lieu” của ông Tám Lạc cũng đã ra đời, năng suất cao nhất mỗi vụ lên đến 8 tấn/ha, tạo nên tiếng vang cho Bạc Liêu ở cả khu vực ĐBSCL.
Thành quả từ cuộc cách mạng giống lúa cùng với cải tiến kỹ thuật sản xuất… đã mang về cho tỉnh những đồng lúa trĩu hạt, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mặc dù đất trồng lúa của tỉnh không tăng, thậm chí giảm xuống do quy hoạch, chuyển đổi mục đích, trong đó có nuôi trồng thủy sản (NTTS)…, nhưng sản lượng lúa hàng năm vẫn tăng. Nếu như năm 1997, sản lượng lúa chỉ đạt 520.000 tấn thì năm 2000 tăng lên 893.400 tấn, bình quân mỗi năm tăng 82.000 tấn lúa. Bước vào giai đoạn thực hiện chuyển đổi sản xuất từ năm 2001 đến nay, dù đã chuyển đổi 60.000ha đất lúa sang mô hình chuyên tôm, nhưng sản lượng lúa năm 2016 vẫn đạt gần 1,1 triệu tấn (tăng 147.400 tấn so với năm 2000). Bình quân lương thực đầu người luôn ở mức cao, nếu như năm 1997 chỉ đạt 714kg lúa/người/năm thì năm 2016 đạt 1.164,5kg lúa/người/năm. Sản lượng lúa của tỉnh không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh, quốc gia mà còn cung cấp cho thị trường xuất khẩu mỗi năm từ 150.000 - 450.000 tấn lúa hàng hóa. Nhóm giống lúa chất lượng cao và lúa thơm chiếm khoảng 90%, nhóm lúa có chất lượng trung bình và thấp chỉ còn khoảng 10%.
ỨNG DỤNG KHOA HỌC - KỸ THUẬT
Cùng với thay đổi bộ giống, tỉnh còn vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí. Thấy hiệu quả, bà con tích cực ứng dụng phương pháp canh tác “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 năm giảm”, thực hiện mô hình quản lý rầy nâu, quản lý dinh dưỡng, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, trồng lúa sử dụng 100% phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, bón phân theo bảng so màu lá lúa, mô hình ghi chép sổ tay theo tiêu chuẩn GAP…
Toàn tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh lúa quy mô gần 57.200ha (sản xuất 2 - 3 vụ/năm với các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày và lúa đặc sản địa phương); 7 mô hình cánh đồng mẫu lớn với 1.349ha, 8 mô hình cánh đồng lớn với 2.579ha; 10 cánh đồng liên kết sản xuất lúa với tổng diện tích hơn 21.000ha.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tất cả các giải pháp ấy đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp đôi hoặc nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Chỉ tính khiêm tốn, mỗi héc-ta ứng dụng những kỹ thuật này đã cho giá trị tăng thêm từ 3 - 3,5 triệu đồng/vụ. Ước tính, với hơn 222.000ha đất trồng lúa của tỉnh, số tiền mà nông dân thu nhập thêm mỗi năm là hàng chục tỷ đồng. Và cái được lớn hơn chính là niềm tin của bà con nông dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ khâu chọn giống, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hàng chục ngàn hộ nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, áp dụng nhiều mô hình sản xuất tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt, từ khi chuyển đổi sản xuất từ chuyên lúa sang các mô hình lúa - tôm, lúa - cá, lúa - tôm - cua, lúa - màu hoặc mô hình RVACB (ruộng - vườn - ao - chuồng - biogas)…, các mô hình này cho thu nhập từ 70 - 150 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về từ 40 - 80 triệu đồng/ha.
THỦY SẢN PHÁT TRIỂN
Cùng với sản xuất lúa gạo, lĩnh vực thủy sản tăng nhanh cả về quy mô sản xuất, năng suất và chất lượng. Bạc Liêu đã trở thành tỉnh đứng thứ hai về diện tích và sản lượng tôm nuôi so với cả nước và vùng ĐBSCL. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2016 tăng 6,09 lần so với năm 1997. Diện tích NTTS cũng tăng 3,2 lần, năng suất NTTS bình quân 0,24 tấn/ha năm 1997, tăng lên 1,46 tấn/ha trong năm 2016. Toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mục tiêu của Sở NN&PTNT trong những năm tới là tập trung thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở, vùng nuôi thủy sản an toàn theo 3 cấp độ: CoC (thực hành nuôi thủy sản có trách nhiệm), GaqP (thực hành nuôi thủy sản tốt), BMP (thực hành nuôi thủy sản tốt nhất). Đồng thời quản lý chặt chẽ cơ sở, vùng nuôi an toàn, tiến tới chứng nhận cơ sở, vùng nuôi thủy sản an toàn theo 3 cấp độ.
Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không chỉ là khẩu hiệu mà đang từng ngày trở thành hiện thực sinh động ở khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Bạc Liêu đang có sự chuyển dịch sản xuất công nghiệp hướng về nông thôn. Thể hiện rõ nhất là việc bố trí các cụm nhà máy chế biến thủy sản, lúa gạo về các huyện gần vùng nguyên liệu, thu hút hàng ngàn lao động nông thôn.
Sau 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, với người dân Bạc Liêu, đây thật sự là quãng thời gian ấn tượng của sự phát triển, vươn lên vượt qua đói nghèo. Nông nghiệp Bạc Liêu đang tiếp tục khẳng định mình và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Tấn Đạt