Xuân Kỷ Hợi 2019
100 năm
Bản Dạ cổ hoài lang (DCHL) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã ở trong lòng nhân dân Nam bộ, nhân dân Bạc Liêu 100 năm nay; sức sống mạnh mẽ của DCHL đã tạo nên những diễn tiến ly kỳ. Khi vừa ra đời, DCHL là bài ca đẹp cả về giai điệu lẫn ca từ. Các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc cải lương lấy DCHL làm nền tảng, phát triển tiết tấu nhanh hơn để trở thành bản vọng cổ - bài ca vua của sân khấu cải lương.
Từ một lời gợi ý
Năm 1999, tôi về Bạc Liêu thực hiện show nhạc trực tiếp truyền hình phục vụ nhân dân tỉnh nhà. Chương trình do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Trong buổi cơm chiều, tôi ngồi cạnh Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Út. Ông gợi ý với tôi: “Tỉnh mình có bản DCHL do bác Sáu Lầu sáng tác, đến nay đã 80 năm. Nó là tác phẩm cổ nhạc. Tôi muốn nó có hình có dáng như một tác phẩm tân nhạc. Ông làm điều đó giúp tỉnh được chứ?”.
Câu gợi ý của ông Bí thư quá hay! Tôi nói chắc: “Tôi làm được, ông à. Tôi hứa với ông, bà con Bạc Liêu sẽ nghe được DCHL tân nhạc trên những sân khấu lớn cả nước với những ca sĩ nổi tiếng có giọng hát đẹp nhất. Ông cho tôi một tháng nhé”.
Bữa ăn ấy có nhạc sĩ Thế Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh và thạc sĩ Vưu Long Vỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cùng dự. Tôi hỏi Vỹ: “Em thuộc hết và ca bản DCHL của bác Sáu Lầu được chứ?”. Vỹ cười và gật đầu. Vậy là sáng hôm sau, Vỹ thu bài DCHL với tiếng ca mộc - ca mà không cần nhạc đệm, vào băng cát-sét. Giọng Vỹ hát khá tốt, nhịp rất vững, rõ từng chữ, từng câu. Để “chắc ăn” thêm, tôi qua gặp anh em trong dàn nhạc của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, mời thêm hai nữ nghệ sĩ ca mộc thu vào băng cát-sét. Vậy là tôi có 3 bản thu mộc DCHL mang về thành phố.
Tiết mục văn nghệ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 8 và 99 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Ảnh: C.K
Phục hiện bài ca 80 tuổi
Lúc ấy, tôi đang làm biên tập viên của một tờ báo thành phố. Công việc khá bận bịu nhưng khi rảnh rang, tôi lại mở cát-sét ra nghe. Đây chỉ là một chiếc cát-sét nhỏ của dân làm báo nhưng âm thanh khá rõ. Tôi để ý đến tiếng ca của Vưu Long Vỹ và chọn bản thu của Vỹ làm nền tảng.
Phòng làm việc ở nhà tôi có cây piano cũ nhưng tiếng đàn rất đẹp. Một đêm tháng 10, tôi phủ tấm lụa của cây đàn xuống và bắt đầu phục hiện DCHL của bác Sáu Lầu qua thanh nhạc Tây phương. Trên đầu bản thảo cũng như trong các bản in sau này, tôi ghi rõ dòng chữ: “DCHL. Tác giả: Cao Văn Lầu. Ký âm lại: Vũ Đức Sao Biển”.
Ký âm lại (Réarrangement) là phục hiện, là viết lại đúng những gì người xưa đã viết từ thanh nhạc đến ca từ của một ca khúc. Thời ấy, mạng chưa công bố ca từ của bài hát lên. Tôi viết phần nhạc theo tiếng piano; phần ca từ theo lời ca của Vưu Long Vỹ. Cổ nhạc của ta chơi theo các loại nhạc cụ bán định âm, âm hình uyển chuyển, mềm mại. Phục hiện qua Solfège của thanh nhạc Tây phương, ta phải chơi bản nhạc nốt nào ra nốt ấy. Cái khác nhau là ở chỗ ấy nhưng tôi phải giữ hồn vía bài ca 80 năm của bác Sáu Lầu, nghĩa là làm sao chơi bản tân nhạc này bằng nhạc cụ Tây phương mà vẫn ra âm hình uyển chuyển của âm nhạc Nam bộ! Chính cái yêu cầu này đặt ra cho tôi phải giữ đúng và tạo thêm những luyến láy, những nốt hoa mỹ cho thanh nhạc ca khúc mềm mại ra.
Phục hiện xong, tôi đưa văn bản ca khúc cho nhạc sĩ hòa âm Quốc Dũng và hai ca sĩ Hương Lan, Hạnh Nguyên hát. Cuối năm ấy, Hương Lan hát một show ở Hà Nội, trực tiếp truyền hình trên VTV1. Bản DCHL tân nhạc lần đầu tiên lên sân khấu tân nhạc thủ đô, được khán thính giả hoan hô nhiệt liệt. Qua năm sau, Hạnh Nguyên đi diễn ở các tỉnh phía Bắc, hát DCHL tân nhạc cũng rất được hoan hô. Sau đó, Hương Lan được nhạc sĩ Đức Trí làm lại cho bản hòa âm mới, thực hiện bản thu thứ hai tốt và hoàn chỉnh hơn bản thu đầu tiên.
Trong nước, các nghệ sĩ, ca sĩ Thu Hiền, Thanh Ngân, Cẩm Ly, Phi Nhung, Phương Thanh cũng thu thanh DCHL với hòa âm mới. Ngoài nước, có ca sĩ Nhã Thanh Thu. Thanh niên, thiếu nữ miền Trung và miền Bắc chơi guitar và hát theo bản tân nhạc DCHL trên mạng.
DCHL có một sức sống mới thật mạnh mẽ, thoát khỏi quỹ đạo nhỏ hẹp của những chương trình dân ca nhạc cổ; lên sân khấu và các chương trình truyền hình phát thanh tân nhạc, đi vào băng đĩa thương mại. Cho đến nay, đã có hàng trăm ca sĩ hát ca khúc DCHL với hàng trăm bản hòa âm khác nhau. Lời hứa của tôi với ông Bí thư Tỉnh ủy 20 năm trước đã được thực hiện trọn vẹn.
Các địa phương ở miền Trung, các đài phát thanh - truyền hình cả nước, các báo ở thành phố đều mời tôi đi nói chuyện, phỏng vấn hoặc làm các talkshow về DCHL. Tôi đem ca khúc đưa vào nội dung giảng dạy môn Bình luận văn hóa - nghệ thuật và giải trí của mình cho các em sinh viên năm thứ tư Khoa Báo chí truyền thông từ Quảng Ngãi, lên cao nguyên, về đến Kiên Giang.
Nghệ sĩ Thanh Ngân, người hát xuất thần bản Dạ cổ hoài lang. Ảnh: V.Đ.S.B
Hành trình 100 năm
DCHL đã ở trong lòng nhân dân Nam bộ, nhân dân Bạc Liêu 100 năm nay; sức sống mạnh mẽ của DCHL đã tạo nên những diễn tiến ly kỳ. Khi vừa ra đời, DCHL là bài ca đẹp cả về giai điệu lẫn ca từ. Các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc cải lương lấy DCHL làm nền tảng, phát triển tiết tấu nhanh hơn để trở thành bản vọng cổ - bài ca vua của sân khấu cải lương.
Với tôi, DCHL là một cơ duyên lạ lùng. Tôi là người thanh niên áo vải miền Trung, thời thanh xuân đã có cơ duyên đến sống giữa đất lành Bạc Liêu, cách xa quê nhà đến 1.300 cây số. Tôi yêu hồn tính âm nhạc phương Nam nên đã biến tấu tố chất thương, oán của âm nhạc phương Nam và DCHL thành những ca khúc mới mẻ như: “Điệu buồn phương Nam”, “Phượng nhớ Hoàng”, “Trở lại Bạc Liêu”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Trên sóng Cửu Long”, “Tình ca phương Nam”…
Kênh truyền hình VTV9 trong chương trình Sol vàng “Thu - hát cho người” dành cho tôi phát ngày 11/8/2018 nhận định: “Sau những nỗ lực phục hiện thành công bản DCHL của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã có một sự gắn bó đặc biệt với âm nhạc phương Nam. Những nét nhạc dân dã ấy đi vào trong những ca khúc của ông, trở nên đẹp đẽ, sang cả...”. Chương trình gọi đó là một sự đóng góp to lớn cho âm nhạc Việt Nam nên đã tặng tôi biểu tượng Nhạc sĩ Sol vàng. Trong đêm ấy, nghệ sĩ Thanh Ngân hát DCHL thật xuất thần!
Vinh hạnh thay cho đất Bạc Liêu khi có một tác phẩm văn hóa phi vật thể DCHL làm rạng rỡ nền âm nhạc truyền thống phương Nam! 100 năm DCHL là 100 năm phát triển tốt đẹp của văn hóa - văn nghệ phương Nam. Các thế hệ con cháu của chúng ta chắc chắn sẽ hiểu ra điều này và sẽ tiếp tục giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa ấy.
Vũ Đức Sao Biển
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp