Xuân Kỷ Hợi 2019
Bạc Liêu: một chút riêng tư
… “Sau khi tổ chức đưa hết cán bộ đến hai tờ báo Nhân Dân Miền Nam và Cứu Quốc Nam Bộ, tôi bất ngờ được phân công đi tập kết trên tàu Kilinski của Ba Lan. Đây là chuyến cuối cùng chở cán bộ miền Nam ra Bắc khởi hành từ rạch Gành Hào. Nhận quyết định lòng tôi không mấy vui nhưng lại nghĩ ra Bắc chỉ 2 năm, lại gần Trung ương được học hỏi nhiều, vợ con tôi cũng được bố trí đi tập kết cùng nên cũng xuôi. Lúc đó vợ tôi dắt theo đứa con trai đầu mới hơn 2 tuổi, còn một đứa nằm trong bụng mẹ”…
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chụp ảnh lưu niệm cùng nhà báo Nguyễn Duy Hoàng, Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu.
Trên đây là hồi ký của ba tôi - nhà báo Huỳnh Hùng Lý, Thư ký Tòa soạn Báo Nhân Dân Miền Nam đóng tại Cà Mau thời kỳ 1952 - 1955. Và “một đứa bé tập kết trong bụng mẹ” mà ba tôi nhắc đến chính là tôi, người đang viết những dòng hồi tưởng này về gia đình và về mảnh đất nơi tôi được cha mẹ chuẩn bị cho ra đời 63 năm trước ấy.
Gia đình tôi tập kết ra Bắc sinh sống tại Hà Nội. Ba mẹ tôi đều làm báo Nhân Dân, rồi sau đó chuyển vào Sài Gòn ngay sau ngày thống nhất đất nước.
Từ nhỏ tôi đã rất tò mò tra cứu bản đồ xem miền quê Bến Tre, Rạch Giá (quê ba mẹ tôi) và vùng đất Cà Mau “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” nơi ba mẹ tôi gặp nhau trước khi tập kết ra Bắc này là vùng đất thế nào. Vậy mà mãi cho đến khoảng năm 1985 tôi mới có dịp được về tỉnh Minh Hải và đến Bạc Liêu lần đầu khi tôi đang là phóng viên Báo Tuổi Trẻ đi dự một vụ xử án ở Cà Mau. Và nhà báo đầu tiên mà tôi quen hồi ấy là nhà báo Anh Rô của Báo Minh Hải. Anh đã hướng dẫn chúng tôi đi Đất Mũi, đi thăm nơi này nơi kia của mảnh đất U Minh mà chúng tôi đã được biết sự quyến rũ của nó từ những tác phẩm của các nhà văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam, làm quen với các văn nghệ sĩ và các cán bộ ban ngành ở tỉnh. Khi về TP. Hồ Chí Minh, tôi đã đăng báo một tấm hình tôi chụp và chú thích là “Nhà báo HDN chụp với cây đước nơi tận cùng Đất Mũi”. Anh Rô xem báo xong thì gọi điện thảng thốt: “Cha nội, tấm hình ấy ông chụp với cây mắm chứ không phải cây đước!”. Từ kinh nghiệm nhớ đời ấy, đi đâu có cây đước, cây mắm là tôi lại lẩm nhẩm ôn bài “cây mắm rễ chĩa lên trời, cây đước rễ cắm xuống đất”.
Sau này khi tỉnh Minh Hải tách thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, phần ký ức kỷ niệm của cái thuở ban đầu lưu luyến đầy nhớ thương của tôi nghiêng về Cà Mau nhiều hơn, nhưng may mắn thay những người bạn tôi quen thì lại là công dân của Bạc Liêu, như Anh Rô, Duy Hoàng, Phan Trung Nghĩa và thêm nhiều đồng nghiệp trong nghề cầm bút nữa.
Sau mấy năm làm báo, tôi còn làm giảng viên thỉnh giảng môn Phóng sự của Khoa Báo chí - Trường đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh. Với việc giảng dạy, tôi có thêm nhiều chuyến về Cà Mau, Bạc Liêu. Có chuyến đi theo đoàn, có chuyến đi theo việc, có chuyến đi chỉ để gặp bạn bè. Có lần nào đó, tôi được các chiến hữu Bạc Liêu tiếp đón quá thịnh tình, cho ngủ luôn một đêm trong phòng Công tử Bạc Liêu. Sáng hôm sau, tôi được các chiến hữu tiếp tục kéo đi từ sáng đến tối, khám phá Bạc Liêu với những món nhậu và đủ loại rượu, đủ loại quán quốc doanh lẫn bình dân, lại có quán phục vụ đờn ca tài tử nữa. Hôm sau xuống tiếp tân khách sạn trả phòng lại còn thấy chiến hữu gửi biếu mấy ký khô cá sặc. Trên đường đi, tôi cứ thấy văng vẳng trong đầu câu ca dao: “Bạc Liêu giàu lúa ngô khoai/ Giàu cô gái đẹp, giàu trai anh hùng. Bạc Liêu nắng bụi, mưa sình. Muối mặn, nhãn ngọt đậm tình quê hương”. Bạc Liêu mà cứ dễ thương thế này sao gọi là “Bạc” được chứ?
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng học viên lớp báo chí Bạc Liêu đến thăm trại nuôi tôm của ông Sáu Ngoãn. Ảnh: Tác giả cung cấp
Về Bạc Liêu lần nào tôi cũng được gặp nhiều học trò cũ và mới. Học trò cũ là những bạn đã học báo chí ở Trường đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh. Còn học trò mới là những phóng viên giờ tôi mới được tiếp xúc. Tôi rất ngạc nhiên khi biết trong lớp có một cô là phóng viên chuyên quay phim đến từ một huyện, vì ai cũng biết là “nhà đài” ở huyện cực thế nào, nhất là lại làm người cầm máy quay. Vậy mà sau lần này về lại Bạc Liêu, tôi được biết cô phóng viên ấy đã là Phó Giám đốc Đài PT-TH Bạc Liêu, một tấm gương nỗ lực vươn lên của một phóng viên ở miền đất tận cùng đất nước. Mới đây tôi đến thăm trụ sở Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, thấy trong danh sách Ban Chấp hành Hội có tên một cô học trò cũ. Tôi nhớ ra đó là một sinh viên học rất giỏi trong lớp báo chí ở Trường đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh. Và tôi còn nhớ trong một chuyến công tác gặp tôi, cô đã gọi tôi bằng “anh” và nói: “Bây giờ là đồng nghiệp rồi, em xin phép gọi thầy bằng anh”. Tôi thích sự tự tin ấy, vì ai không tự tin khó thành công trong bất cứ lĩnh vực nào.
Có lần tôi dạy lớp báo chí tại chức Bạc Liêu học ở một địa điểm gần nơi đặt đồng hồ đá. Lớp học đặt ra yêu cầu là phải đi thực tập. Anh Vinh, một phóng viên ở Đài Truyền thanh TX. Bạc Liêu (nay là Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu) đề xuất đi thực tập tại trại nuôi tôm của anh Sáu Ngoãn. Tôi cùng cả lớp đến thăm nơi này và đó là một chuyến đi thành công, ít nhất là về đề tài để thực tập viết. Sau chuyến đi thăm anh Sáu Ngoãn, tôi càng thêm hiểu con người Bạc Liêu gắn bó với sông nước và con tôm như thế nào. Anh Sáu Ngoãn còn thua tôi một tuổi, nhưng có lẽ vì quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nên nhìn anh phong trần và sương gió hơn tôi nhiều.
Đầu tháng 11 năm nay, tôi lại có dịp quay lại Bạc Liêu. Đường về Bạc Liêu lần này đã thênh thang rộng lớn không phải qua phà, lại có nhiều cao tốc và đường tránh các khu đô thị đông người. Quảng trường Hùng Vương rất dễ tìm với hình ảnh 3 chiếc nón lá và cây đờn kìm - biểu tượng cho đặc trưng của văn hóa Bạc Liêu là đờn ca tài tử với kiệt tác “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cách không xa trung tâm thành phố là cánh đồng quạt gió khổng lồ - một cách gọi lãng mạn của nhà máy điện gió - đang thu hút khách du lịch xa gần với 62 cánh quạt quay thảnh thơi ngạo nghễ trên nền trời xanh ngắt. Nằm gần như giữa Cần Thơ và Cà Mau, vùng đất Bạc Liêu có cả vẻ đẹp đô thị khang trang của Tây Đô, lẫn vẻ đẹp mượt mà của xứ sở sông nước tận cùng Tổ quốc, và tôi có thể đi Bạc Liêu bằng cả sân bay Trà Nóc - Cần Thơ hay sân bay Cà Mau, nhưng tôi vẫn thích đi Bạc Liêu bằng đường bộ, để được thấy những nhịp cầu dây văng, thấy những cánh đồng lúa trải dài, thấy những cô gái Bạc Liêu thon thả phóng xe trên những đại lộ thênh thang. Các bạn viết của tôi ngày trước nay cũng đã trở thành lãnh đạo các hội nhà báo, văn học, nhiếp ảnh, có người đã về hưu, có người làm doanh nghiệp…, nói chung đều sống ổn, không còn cái cảnh “bùn xa bèo bùn khô bùn héo”… kiểu gì cũng đủ sức lai rai với đời.
Lần về Bạc Liêu mới đây nhất, khi ngồi ở Khu du lịch sinh thái Hồ Nam cùng các đồng nghiệp trẻ trung và xinh đẹp của Bạc Liêu, tôi bỗng cứ nghĩ đến mùa hè 63 năm trước ở đất Gành Hào, khi mà mẹ tôi dắt tay anh trai tôi mới hơn 2 tuổi bụng ỏng, đầu to và lặc lè ôm cái bụng bầu (trong đó là tôi) đi tập kết ra Bắc, không biết lúc đó mẹ tôi có mệt lắm không, có cực lắm không? Không biết mảnh đất này lúc đó thế nào, chắc cũng nhiều ghe xuồng, áo bà ba, chắc cũng là vùng đất “Bạc Liêu nước chảy lờ đờ/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu” để cho các chàng trai cô gái hẹn hò: “Theo anh về xứ Bạc Liêu/ Ăn cá thay bánh, sò nghêu thay quà”. Tôi không biết hơn nửa thế kỷ qua Bạc Liêu thay đổi ra sao, nhưng tôi chắc chắn một điều là Bạc Liêu đã, đang, sẽ phát triển rất nhanh, rất mạnh, và sẽ còn rất nhiều người con trung kiên được giao “Báu kiếm sắc phán lên đàng”, cũng như có rất nhiều cánh rừng bất tận với những “cây mắm rễ chĩa lên trời, cây đước rễ cắm sâu xuống phù sa” để tạo thành những bức thành đồng dựng xây và bảo vệ đất nước mai sau.
Cuối năm 2018
Huỳnh Dũng Nhân
- Chuyển đổi số: Chìa khóa vàng cho sự thành công của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
- Từ ngày 25/12: Tài khoản định danh mới được đăng thông tin trên mạng xã hội
- Bưu điện Bạc Liêu triển khai trợ lý ảo MiPo
- Sôi nổi những công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp của Đoàn
- Phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số