Xuân Kỷ Hợi 2019
Biển bình yên cho kinh tế phát triển
Biển có vai trò trọng yếu trong mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, vì vậy, trong giải pháp ngắn hạn và lâu dài, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định tăng cường phát triển kinh tế biển phải gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội để đưa kinh tế biển trở thành kinh tế động lực của tỉnh.
Đồn biên phòng Gành Hào (huyện Đông Hải) tặng lá cờ Tổ quốc cho các chủ tàu cá. Ảnh: T.Đ
KINH TẾ HƯỚNG MẠNH RA BIỂN
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định: Phát triển thủy sản (bao gồm nuôi tôm, đánh bắt thủy sản xa bờ) là trọng tâm. Đồng thời gắn với việc khai thác, phát triển tiềm năng điện gió, điện mặt trời, phát triển du lịch… Xem đây là những tiềm năng, thế mạnh rất lớn, là dự án động lực để thúc đẩy Bạc Liêu tăng tốc, sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.
Hiện nay, vùng bãi bồi ven biển đã có dự án Nhà máy điện gió tổng công suất 99,2MW, gồm 62 tua-bin, tổng vốn giai đoạn 1 hơn 5.200 tỷ đồng. Ngoài ra, khu vực ven biển hiện có hơn 10.000ha đất chuyên nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 21.182ha; nuôi quảng canh cải tiến chuyên tôm 500ha. Nhiều năm qua, mỗi năm tổng sản lượng toàn tỉnh hơn 200.000 tấn thủy hải sản, riêng tôm hơn 116.000 tấn…
Khu vực ven biển của tỉnh đang có 6 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 800ha, sản lượng hơn 4.000 tấn. Điển hình là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt - Úc; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc của Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Trúc Anh…
Một trong những tin vui, sự kỳ vọng mới đối với Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu là gần đây, tại vùng ven biển của tỉnh đã và đang thực hiện một số dự án trọng điểm. Đặc biệt là dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là động lực lớn để Bạc Liêu thực hiện ước mơ trở thành thủ phủ tôm công nghiệp lớn nhất cả nước. Mới đây, Bạc Liêu vừa được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió với công suất lắp đặt đến năm 2020 là 401MW và đến năm 2030 hơn 1.500MW.
Hướng tới, Bạc Liêu chú trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo điện khí, điện gió, điện mặt trời theo chủ trương ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời tích cực mời gọi đầu tư các dự án này ở khu vực ven biển và các khu đất kém hiệu quả; tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mở rộng dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 2 và 3, các dự án điện mặt trời. Gần đây, Tập đoàn Energy Capital (Mỹ) đã có động thái tích cực nhằm đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất điện khí LNG tại Bạc Liêu với tổng vốn ban đầu lên đến 4 tỷ USD. Cùng với đó, Tỉnh ủy vừa có Nghị quyết 06-NQ/TU xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển…
Trên thế giới, các quốc gia và các tỉnh có biển đều hướng mạnh ra biển để phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy, chủ trương phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu là tầm nhìn chiến lược.
BĐBP tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tuần tra địa bàn. Ảnh: P.T.Cường
QUỐC PHÒNG MẠNH, AN NINH ĐƯỢC GIỮ VỮNG
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Nhà đầu tư ngày càng nhiều, du khách ngày càng đông, khu vực ven biển của tỉnh vì thế không ngừng sôi động. Trong 5 năm tới, trải dài theo bờ biển Bạc Liêu đều có công trình điện gió, nó tạo nên động lực lớn cho kinh tế biển phát triển… Vì vậy, tôi mong muốn lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phát huy mạnh mẽ hơn nữa trách nhiệm của mình với vai trò chủ công phối hợp với Quân sự, Công an… và hệ thống chính trị ở địa phương trong giữ gìn an ninh biên giới”.
Với trọng trách của mình, Đại tá Lưu Hoàng Hà, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, khẳng định: “Ngư dân là lực lượng không thể thay thế trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trên biển. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ được BĐBP Bạc Liêu ưu tiên hàng đầu”.
Cùng với đó, BĐBP tỉnh cùng các lực lượng khác trên biển còn phát huy tối đa vai trò của Tổ an ninh tự quản, Tổ khai thác, đoàn kết sản xuất trên biển để họ kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động vi phạm trên biển. BĐBP tỉnh luôn duy trì việc trao đổi thông tin với các lực lượng trên biển và khu vực ven biển; phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình hoạt động của các loại tội phạm; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để tổ chức tốt biện pháp đấu tranh hiệu quả, không để xảy ra hoạt động xâm phạm chủ quyền, gây rối, làm mất an ninh trật tự trên biển và ven biển.
Cùng với việc bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà đầu tư, Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Trên địa bàn tuyến biển có 275 tổ nhân dân tự quản với 550 thành viên; 52 đội dân phòng với 226 thành viên; 29 tổ hòa giải với 319 thành viên. Trong đó, nổi bật là xây dựng mới 5 mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn tuyến biển gồm 36 tổ, quy tụ hơn 550 thành viên. Đây là lực lượng góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo an ninh trật tự. Đáng chú ý, Bạc Liêu có 2 mô hình được Bộ Công an giới thiệu nhân rộng trên toàn quốc là Tổ ngư dân tự quản về an ninh trật tự trên biển và Tổ tự quản rừng phòng hộ về an ninh trật tự”.
Lực lượng công an các cấp đã phối hợp với BĐBP thực hiện có hiệu quả Đề án đảm bảo trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Chỉ thị số 689 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động tàu dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; vận động ngư dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển….
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, với tầm nhìn, tư duy và sự quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tin rằng trong tương lai gần, vùng biển và ven biển Bạc Liêu sẽ được đầu tư, khai thác hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn, góp phần đưa Bạc Liêu sớm trở thành tỉnh giàu mạnh trong khu vực và cả nước.
Tấn Đạt
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con