Xuân Kỷ Hợi 2019
Hòa thượng Lý Sa Mouth: Hết lòng vì quê hương xứ sở
Đã ở cái tuổi 70 nhưng Hòa thượng Lý Sa Mouth, Trụ trì chùa Đìa Muồng (ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của địa phương, nhất là tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc Khmer. Những thành tựu của xã Vĩnh Phú Đông đạt được có một phần công sức đóng góp của Hòa thượng Lý Sa Mouth.
Một trong những cây cầu (ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) do Hòa thượng Lý Sa Mouth cùng chính quyền địa phương vận động mạnh thường quân đóng góp xây dựng. Ảnh: V.S
Nhà sư yêu nước
Chùa Đìa Muồng nằm sâu giữa nội đồng, được xây từ năm 1956 theo kiến trúc hệ thống các chùa của người Khmer Nam bộ. Vào năm 1964, lúc 16 tuổi, Lý Sa Mouth vào chùa quy y để báo hiếu cha mẹ, vừa học phổ thông vừa học lớp phật học để cống hiến lâu dài cho nhà chùa.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, Lý Sa Mouth chứng kiến bao cảnh bom cày đạn xới với những mất mát hy sinh của các chiến sĩ cách mạng. Tuy là một người tu hành, nhưng từ lúc 14 tuổi, Lý Sa Mouth đã được các cô chú ở địa phương giáo huấn nên vừa làm giao liên, vừa theo dõi các cuộc hành quân của giặc qua việc đi khất thực. Nhờ đó, các cơ sở hoạt động cách mạng được bảo đảm an toàn, bí mật.
Chùa Đìa Muồng cũng là nơi trú ẩn của cán bộ cách mạng khi giặc Mỹ đánh phá các căn cứ địa của ta. Từ năm 1966 - 1967, Lý Sa Mouth là thành viên Hội Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng; từ năm 1970 - 1972, ông là Đại đức, Phó trụ trì chùa Đìa Muồng. Ông được Hòa thượng Thạch Som, Hội trưởng Hội Đoàn kết yêu nước Tây Nam bộ giao nhiệm vụ làm Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Bạc Liêu và vận động xây chùa Khmer ở phường 7 (TP. Bạc Liêu) - nơi hoạt động đấu tranh chống bắt lính và đàn áp của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Bên cạnh đó, Đại đức Lý Sa Mouth còn được giao nhiệm vụ đến các chùa trong và ngoài tỉnh để vận động tăng ni, phật tử xuống đường đấu tranh lên án hành vi giặc Mỹ bắn phá các chùa chiền, nơi tu hành của các phật tử.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Đại đức Lý Sa Mouth làm Trụ trì chùa Đìa Muồng cho đến nay. Năm 1981, ông là đại biểu HĐND tỉnh Minh Hải khóa I, Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ năm 1998 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu. Năm 2002, Đại đức Lý Sa Mouth được phong làm Thượng tọa, đến năm 2010 được phong làm Hòa thượng - giới phẩm cao nhất trong Giáo hội Phật giáo.
Chánh điện chùa Đìa Muồng (ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Ảnh: P.T.C
Góp sức xây dựng quê hương
Với vai trò là một Hòa thượng, nhưng tất cả các phong trào do địa phương phát động, Hòa thượng Lý Sa Mouth đều tích cực tham gia. Điển hình là việc xây nhà tình thương, xóa nhà lụp xụp của đồng bào Khmer. Tại ấp Vĩnh Lộc, nhiều hộ nghèo không có điều kiện sửa chữa nhà ở thì báo với Hòa thượng. Ngay lập tức ông đứng ra vận động bà con đóng góp cây lá, tấm lợp để giúp họ có căn nhà ấm cúng che nắng, che mưa. Thậm chí, ông còn đốn cây trong khuôn viên chùa cho người dân làm cột nhà.
Với tấm lòng rộng lượng, bao dung, ông đã tham gia cùng địa phương vận động cất hơn 70 căn nhà tình thương cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo trong ấp. Khi huyện Phước Long thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hòa thượng Lý Sa Mouth đóng vai trò rất lớn trong việc vận động bà con người dân tộc Khmer hiến hàng chục ngàn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn; vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn; vận động mạnh thường quân xây 4 cây cầu để người dân trong xã thuận tiện đi lại, giao thương buôn bán.
Khi thấy địa phương xuất hiện các tệ nạn xã hội, Hòa thượng đề nghị thành lập Tổ tự quản dòng tộc tại các ấp trong xã để quản lý chặt chẽ các đối tượng gây rối trật tự, vi phạm pháp luật. Từ đó tệ nạn xã hội không còn diễn ra như những năm trước. Mô hình Tổ tự quản dòng tộc đã được Công an tỉnh triển khai nhân rộng trong tỉnh.
Có thể nói, từ việc nhỏ đến việc lớn trong ấp, trong xã, khi địa phương phát động thì Hòa thượng Lý Sa Mouth đều tích cực tham gia, góp công góp sức xây dựng quê hương. Ấp Vĩnh Lộc có hơn 220 hộ người dân tộc Khmer, những năm trước đây cuộc sống các hộ dân hầu như đều gặp khó khăn. Song, hiện nay tất cả đều có cuộc sống khá, giàu nhờ chí thú làm ăn. Kết quả này là nhờ có sự đóng góp hết mình của Hòa thượng Lý Sa Mouth trong nhiều năm qua.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Hòa thượng Lý Sa Mouth là một tấm gương sáng để bà con dân tộc Khmer ấp Vĩnh Lộc noi theo. Từ việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc Khmer, cho đến công tác từ thiện xã hội, xây dựng nông thôn mới… Hòa thượng đều tích cực tham gia”.
Với những thành tích đóng góp cho quê hương xứ sở, năm 2011, Hòa thượng Lý Sa Mouth được Ủy ban Trung ương MTTQVN tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; năm 2017, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen về thành tích xây dựng và quản lý nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng bằng khen nhiều năm liền cho Ban trụ trì chùa Đìa Muồng nói chung và Hòa thượng Lý Sa Mouth nói riêng trong việc xây dựng xã Vĩnh Phú Đông ngày càng giàu đẹp.
Việt Sử
- Chào cờ đầu tháng cuối cùng của năm 2024
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm