Xuân Kỷ Hợi 2019
Hướng đến tăng trưởng xanh
Phát triển bền vững đã trở thành lựa chọn ưu tiên và quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại. Bởi, với quá trình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan thì rất cần có sự chung tay, tiếp sức của cả cộng đồng. Bạc Liêu đã hòa vào xu thế toàn cầu ấy bằng việc xác định đường hướng phát triển là tập trung cho tăng trưởng xanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Minh Chiến tham quan mô hình trồng rau thủy canh ở hội nghị giao lưu Việt - Nhật tại TP. Cần Thơ. Ảnh: M.Đ
Dẫn đầu về năng lượng tái tạo
Nói đến Bạc Liêu hôm nay, nhiều người không chỉ nhớ đến vương quốc của con tôm khi Bạc Liêu được chọn làm “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn nhất cả nước, mà còn nói đến một địa phương đang tập trung cho tăng trưởng xanh. Đó là mô hình tăng trưởng góp phần làm giảm phát khí thải nhà kính, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; hạn chế phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường; hướng đến khai thác, phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái và đảm bảo cho phát triển bền vững…
Bạc Liêu chọn phát triển năng lượng tái tạo làm 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng chính là việc làm để cụ thể hóa và thể hiện quyết tâm thực hiện tăng trưởng xanh. Một trong những công trình điểm nhấn ấy chính là hoàn thành Dự án điện gió giai đoạn I và giai đoạn II của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, với công suất hơn 99MW. Đến nay, dự án này đã sản xuất và hòa vào lưới điện quốc gia trên 639 triệu kWh điện. Đây cũng là công trình điện gió của cả nước được xây dựng đầu tiên trên thềm lục địa.
Phát huy thành công này, năm 2018 Công ty Cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu đã quyết định mở rộng đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III có công suất 142MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 8.229 tỷ đồng. Dự án được lắp dựng các turbine gió có công suất mỗi turbine từ 2 - 2,3MW. Các turbine gió được sử dụng công nghệ tiên tiến nhất do các tập đoàn có uy tín trên thế giới cung cấp. Theo chủ đầu tư, khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ cung cấp hàng năm khoảng 373 triệu kWh điện hòa vào điện lưới quốc gia, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia. Cũng như góp phần cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo ra việc làm mới cho hơn 1.000 lao động ở địa phương.
UBND tỉnh chúc mừng nhà đầu tư khởi công xây dựng nhà máy điện gió giai đoạn III. Ảnh: L.D
Từ sự thành công của Dự án điện gió Bạc Liêu cho thấy, vùng bãi bồi ven biển Bạc Liêu thật sự là “bãi vàng” để các nhà đầu tư vào khai thác. Ngoài lợi thế ít chịu ảnh hưởng từ thiên tai, qua khảo sát, thăm dò và kết hợp với số liệu đo gió thực tế, cho thấy tiềm năng gió của vùng ven biển rất giàu và có trữ lượng gió ổn định, với tốc độ gió bình quân đạt trên 6,5m/s. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi và là khu vực lý tưởng để đầu tư các dự án điện gió, cộng với các yếu tố thuận tiện về giao thông, đường biển, hạ tầng lưới điện, địa hình, địa chất và không ảnh hưởng khu dân cư sinh sống…
Một tin vui khác cũng làm cho các nhà đầu tư phấn khởi là năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 39/2018/QĐ-TTg tăng giá thu mua điện với giá điện gió trên đất liền là 8,5 Uscents/kWh và dự án điện gió trên biển là 9,8 Uscents/kWh (so với trước đây chỉ có 7,8 Uscents/kWh), qua đó giải quyết được bài toán lợi nhuận và làm nức lòng các nhà đầu tư.
Năm 2019, hàng loạt các dự án phát triển năng lượng tái tạo sẽ mọc lên trên suốt tuyến ven biển và tạo nên những cánh đồng điện gió giữa trời xanh. Đó là Dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình I, Nhà máy điện gió Đông Hải I, Nhà máy điện gió Đông Hải II và các dự án năng lượng mặt trời. Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, với quy mô công suất 3.072MW, tổng vốn đầu tư 3,625 tỷ USD (tương đương 85.177 tỷ đồng) do nhà đầu tư là Công ty Delta Offshore Energy đăng ký thực hiện. Đây là dự án có sử dụng năng lượng mặt nước vươn xa ra biển lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay với khoảng 40km.
Năm 2019 sẽ là năm mà khu vực ven biển Bạc Liêu phát triển sôi động và hứa hẹn trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực ĐBSCL và cả nước, góp phần nâng tổng sản lượng điện gió đến năm 2020 đạt trên 880 triệu kWh. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 Bạc Liêu có tổng công suất điện gió đạt 1.500 kWh, điện mặt trời đạt 500MW, điện khí 1.500MW. Đến năm 2030 công suất điện gió đạt 2.500kWh, điện mặt trời 1.000MW, điện khí 3.200MW, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo.
“Xanh hóa” sản xuất
Thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, Bạc Liêu đã lựa chọn con đường phát triển theo hướng “xanh hóa”. Đó là xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại và sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng và mang lại giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và xem đây là khâu đột phá.
Cụ thể, đối với con tôm nuôi theo quy trình thâm canh, tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng nuôi tôm gắn với quy trình sản xuất khép kín và có thể xuất tôm nguyên con sang Úc. Hay đối với các mô hình nuôi tôm sinh thái như mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp và mô hình lúa - tôm cũng sử dụng vi sinh đạt tiêu chuẩn GAP; hoặc trong sản xuất lúa có mô hình “ướt khô xen kẽ” (giúp giảm và tiết kiệm 30% lượng nước tưới) gắn với chương trình “1 phải, 5 giảm” nhằm hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật thải vào môi trường; mô hình trồng lúa thảo dược. Trong phát triển chăn nuôi có mô hình “trang trại xanh” với quy trình chăn nuôi heo khép kín đảm bảo thịt sạch, vệ sinh môi trường…
Mô hình nuôi tôm sinh thái quảng canh. Ảnh: N.Hiền
Năm 2018, Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, đề ra mục tiêu tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng phải gắn liền với tăng trưởng xanh, đưa nền kinh tế của tỉnh từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên khoa học hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Qua đó cho thấy, tăng trưởng xanh thật sự trở thành mục tiêu chiến lược để Bạc Liêu đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và chung sức vì một cộng đồng phát triển bền vững, vì một hành tinh xanh.
Từ những công trình mang tầm thế kỷ vươn lên giữa trời xanh, Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm phát triển năng lượng của vùng và cả nước. Hình ảnh và vị thế ấy sẽ góp phần xây dựng nên hình ảnh về một Bạc Liêu năng động, bứt phá và quyết tâm làm giàu.
Tú Anh
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp