Xuân Kỷ Hợi 2019

Một thế kỷ trôi theo khúc nhạc lòng

Thứ Ba, 29/01/2019 | 09:45

Bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhiều người gọi là khúc nhạc lòng. Vì là chuyện của lòng, nên đã có những cuộc hạnh ngộ kết nối những tâm hồn đồng điệu. Âm nhạc nói riêng, văn hóa nói chung lại là sự lan truyền, tiếp sức. Cộng hai yếu tố đó lại - “nhạc” và “lòng”, dễ hiểu vì sao con đường lan truyền, tiếp sức của tiếng lòng đó cứ trải dài suốt trăm năm.

Trôi theo hành trình ấy có những cung đường đẹp được mở ra. Sự thăng hoa diệu kỳ của khúc nhạc lòng xuyên thế kỷ đã và đang vun bồi, làm dày thêm vốn liếng văn hóa xứ sở này. Và còn là câu chuyện có sức mời gọi người về với đất Bạc Liêu.

Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Nhạc lòng trỗi khúc vấn vương…

“Cho tôi yêu cô gái Bạc Liêu, không đẹp như tiên nhưng ăn nói thiệt có duyên”. Nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết ca khúc “Yêu cô gái Bạc Liêu” tả về nét duyên của người con gái xứ này.

… Liên hệ chuyện 100 năm trước: Chắc là người vợ hiền tên gọi Trần Thị Tấn đã có sự mặn mà, duyên dáng đến như thế nào mới gây nỗi nhớ thương cho chàng nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Lòng chung thủy của người chồng thường xuất phát bởi cái nết na, đức hạnh của vợ. Cho nên, dù đã được cha mẹ “tạo điều kiện” (gửi con dâu về nhà cha mẹ ruột với lý do “tam niên vô tử bất thành thê”) thì sự “phòng không gối chiếc” không khiến “người đàn ông” trong nhạc sĩ họ Cao kia mảy may nghĩ đến một bóng hồng nào khác, ngoài nỗi mong nhớ vợ hiền!

Thế rồi, người con gái Bạc Liêu - Trần Thị Tấn đã đi vào DCHL da diết, vấn vương! Nỗi thương nhớ chồng của người vợ hiền đã được nhạc sĩ hòa thành tiếng lòng chung của thời cuộc - vợ nhớ trông chồng nơi biên ải: “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng…”. Thật đúng là cái duyên cho sự ra đời của DCHL: đây là thời điểm người thầy của Cao Văn Lầu, tức thầy Nhạc Khị, đang hướng dẫn các môn đồ sáng tác chủ đề Chinh phụ vọng chinh phu, cải biên từ bài Nam ai “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” (tích nàng Tô Huệ đêm ngồi dệt gấm, nghe tiếng trống nhớ chồng nơi biên ải). Cộng với niềm riêng canh cánh, người học trò Cao Văn Lầu đã trỗi khúc nhạc lòng - DCHL.

“Vào ra luống trông tin nhạn”, ai nhớ trông ai thì đều là những thân phận “én - nhạn” mong được “hiệp đôi”. Nỗi niềm chung - riêng hòa quyện tài tình trong một bài ca! DCHL khi ra đời chỉ bấy nhiêu ý tứ. Nhưng, bản nhạc lòng đã gặp được những tâm hồn đồng điệu. Một con đường xuyên thế kỷ được mở ra, có điểm khởi đầu nhưng đến bây giờ - chưa hề có chặng kết!

Lễ Giỗ Tổ cổ nhạc (12/8 âm lịch) được Bạc Liêu tổ chức hàng năm để tri ân tổ nghiệp.

… Cùng nhau trải những cung đường trăm năm

Cố GS. Trần Văn Khê, người có công lớn trong tiến trình vinh danh ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - đã khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như bản DCHL biến thành vọng cổ; từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sinh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu”.

Một trăm năm, sự “tung hứng nhịp phách” đã đưa DCHL từ 20 câu nhịp đôi trở thành vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32… Vọng cổ là bài ca vua trên sân khấu cải lương! Trong hội thảo khoa học “90 năm bản DCHL” do Sở VH-TT&DL Bạc Liêu phối hợp với Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh tổ chức cách đây hơn 10 năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam (lúc đó là Giám đốc Sở VH-TT&DL) đã nói một câu trọn nghĩa vẹn tình thế này: “Hội thảo không chỉ biết ơn người đã có công khám phá, sáng tạo mà còn tìm-trong-quá-khứ những tài năng, để cho các thế hệ hôm nay và cả mai sau trân trọng, giữ gìn, phát huy và không để mai một, lãng quên”.

Vâng! Trên những cung đường trải ra rất đẹp từ DCHL có dấu chân nhiều anh tài đã lưu danh sử sách. Đó là Lư Hòa Nghĩa - người mở đầu kỷ nguyên vọng cổ, Trần Tấn Hưng - người khai sinh 6 câu vọng cổ nhịp 32, Trịnh Thiên Tư - nhà nghiên cứu cổ nhạc, Mộng Vân - soạn giả có nhiều tài với nhiều sáng tác được sử dụng rộng rãi trong giới đờn ca tài tử và cải lương, Hai Thơm - vua vĩ cầm trong làng cổ nhạc… Rồi DCHL khi tròn 80 tuổi tiếp tục được nhạc sĩ người tỉnh Quảng Nam - Vũ Đức Sao Biển phục hiện qua thanh nhạc Tây phương. Nhạc lòng lại “sải” những bước đi dài và rộng trên sân khấu âm nhạc trong và ngoài nước. DCHL được những hậu bối “tung hứng nhịp phách” trở thành bài ca vua trên sân khấu cải lương mùi mẫn bao nhiêu thì cũng thiết tha, dìu dặt bấy nhiêu khi được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển “biến” thành khúc ca bất hủ trong tân nhạc. Thế là, DCHL đến từ hình thức cổ nhạc rồi “lấn sân” qua tân nhạc. Một trăm năm, những cung đường như thế cứ ngày một thênh thang để DCHL xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Chuyện công nhận về mặt “thủ tục pháp lý” chỉ còn là thời gian!

Một hoạt cảnh trong chương trình Lễ hội Dạ cổ hoài lang. Ảnh: C.K

Diệu kỳ bản nhạc từ tâm…

Diệu kỳ bởi rất nhiều lẽ!

Từ một bản nhạc lòng, DCHL được trân trọng đặt thành tên gọi của một lễ hội cấp tỉnh được tổ chức 2 năm/lần. DCHL xuất hiện trên sân khấu nhiều cuộc thi âm nhạc hiện đại như một ca-khúc-đẹp chinh phục người nghe giữa những bài nhạc trẻ thịnh hành. Và, còn một vở kịch cùng tên, được xem là vở kinh điển của sân khấu kịch phía Nam những năm 1994 - 1995. Ra mắt tại sân khấu Nhà hát nhỏ 5B Võ Văn Tần (TP. Hồ Chí Minh), tính đến nay, kịch DCHL đã đạt con số kỷ lục với hơn 1.000 suất diễn! Tác giả của vở kịch - nghệ sĩ ưu tú Thanh Hoàng (vừa qua đời giữa năm 2018 ở tuổi 55) cũng chính là người Bạc Liêu. Câu chuyện của hai ông bạn già xa quê hương nửa vòng trái đất nhớ nhà ngồi hát DCHL khiến khán giả không cầm được nước mắt. DCHL cất lên trong bối cảnh đó sẽ lay động tâm hồn người ta, như có lần cố GS. Trần Văn Khê nói: “Lâu nay cho dù đi đâu, ở Úc, Mỹ, hay Pháp nhưng khi nghe DCHL thì thân xác tại ngoại, tâm lại hướng nội”. Đó là sức mạnh “mềm” của một bản nhạc lòng!

Trôi theo dòng thời gian, DCHL cứ lay động con tim bao thế hệ. Cung đường lan tỏa ngày một đẹp hơn, dài hơn với những tuyệt phẩm vọng cổ ngân nga qua bao thăng trầm lịch sử. Tơ lòng vương vấn đã thăng hoa thành tơ vàng trong nền âm nhạc dân tộc, bởi sự hòa điệu, chung lòng, góp trí của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân khắp nơi.

Khi chỉ là một khu mộ, nơi an nghỉ của vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Bạc Liêu đã tỏ lòng trân trọng. Mỗi năm, vào ngày rằm tháng 8, ngành Văn hóa lại tổ chức lễ kỷ niệm ngày ra đời bản DCHL tại nơi này trong tâm thế tri ân. Rồi Bạc Liêu tính đến chuyện xây dựng khu mộ thành khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Và cho đến nay, đã nâng tầm thành Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nơi bảo tồn và tôn vinh giá trị một di sản văn hóa phi vật thể tầm quốc tế này cũng sẽ trở thành điểm du lịch quốc gia trong tương lai gần. DCHL đang là “tài nguyên vàng” cho Bạc Liêu trong những “kế sách” làm du lịch.

Thật nhiều điều kỳ diệu trôi theo một khúc nhạc lòng, ngót 100 năm chẵn. Và chắc chắn còn dài nữa ở tương lai…

Cẩm Thúy

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.