Xuân Kỷ Hợi 2019

Ngày xuân nghe nông dân kể chuyện làm giàu

Thứ Tư, 16/01/2019 | 15:24

Xuân về - tết đến cũng là lúc nông dân trong tỉnh tạm gác lại chuyện đồng áng để trang hoàng nhà cửa, mua sắm, chuẩn bị bánh mứt đón chào một năm mới. Xuân về mang theo bao ước vọng về một năm mới đủ đầy, sung túc và nghe những câu chuyện làm giàu của nông dân để thấy sự quyết tâm vươn lên của họ.

1. Ngồi trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, nghe anh Nguyễn Văn Chất (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) kể chuyện làm kinh tế, chúng tôi không khỏi khâm phục người nông dân giàu nghị lực này.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em, anh Chất nhớ rất rõ những năm tháng anh vừa đi học vừa phải giúp gia đình chăm lo ruộng vườn, làm lụng vất vả. Vào những ngày giáp hạt, nhiều bữa anh phải nhường cho các em từng miếng ăn. Thấm thía cảnh nghèo đói, khi lớn lên, anh Chất luôn nung nấu ý chí làm giàu.

Anh Nguyễn Văn Chất chăm sóc vườn mai chuẩn bị đón tết.

Năm 1996, sau khi lập gia đình, anh chọn vùng đất lung phèn Ninh Thạnh Lợi A làm nơi lập nghiệp. Ít vốn, lại không có nhiều kinh nghiệm làm ăn nên đôi vợ chồng trẻ ban ngày đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống, ban đêm anh cùng vợ đào ao nuôi cá. Ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng ao cũng được đào xong. Ban đầu, anh nuôi 200 con cá bống tượng, may thay, gặp thời tiết thuận lợi, cộng với giá cá cuối vụ tăng cao, nên vụ cá đầu tiên anh thu lãi hơn 40 triệu đồng. "Thừa thắng xông lên”, anh cải tạo mảnh vườn tạp sau nhà để đào thêm ao nuôi cá với ý định làm ăn lớn. Đến nay, anh Chất đã có 4 ao nuôi cá bống tượng thương phẩm (500m2/ao) cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

Đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, từ khi kinh tế gia đình ổn định, anh Chất thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bà con lối xóm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, hỗ trợ cá giống cho hộ nghèo; tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động...

Với số vốn tích lũy từ những vụ nuôi cá thành công, anh Chất mua thêm 80 công ruộng để canh tác. Cuộc sống gia đình ngày thêm sung túc, và anh Chất cũng được công nhận là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.

2. Cách nhà anh Nguyễn Văn Chất không xa, vợ chồng ông Tô Minh Lắm (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) được mọi người biết đến như một tấm gương trong lao động sản xuất. Từ đôi bàn tay trắng, đến nay, ông Lắm đã có trong tay gần 200 công đất, xây cất nhà cửa khang trang, các con của ông đều được ăn học nên người.

Ông Tô Minh Lắm thu hoạch tôm.

Mặc dù có thu nhập bình quân gần 1 tỷ đồng/năm, nhưng ông Lắm vẫn sống rất bình dị. Ông vẫn nhớ như in những ngày khó khăn khi mới lập nghiệp: “Năm 2008, khi hay tin Nhà nước có chủ trương chuyển đổi tôm - lúa,  tôi cũng như nhiều bà con trong ấp vừa mừng, vừa lo. Vụ tôm đầu tiên do không nắm bắt kỹ thuật nên chỉ sau một thời gian ngắn thả nuôi, tôm phát sinh dịch bệnh. Để không bị mất trắng, tôi đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham khảo thêm sách báo và dự các lớp tập huấn nuôi tôm ở địa phương. Nhờ vậy, vụ nuôi đầu gia đình tôi không bị lỗ vốn mà còn có lãi khá cao. Tiếp đà thành công đó, năm sau tôi thuê xe cơ giới vào xẻ kênh bao ngạn toàn bộ gần 10ha đất của gia đình để nuôi tôm. Nhờ áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nuôi nên liên tiếp những vụ sau, tôm nuôi của gia đình tôi đều trúng đậm”.

Để có được những thành quả như hôm nay, ông Lắm đã bỏ biết bao công sức, thậm chí cả thất bại. Song, điều mà ông Lắm rút ra sau 10 năm phát triển kinh tế gia đình, đó là: không ngại khó, ngại khổ, biết học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau; phải nhạy bén, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm; đồng thời phải có niềm đam mê và biết đặt niềm tin đúng chỗ.

3. Trong không khí rộn ràng của những ngày xuân, ông Nguyễn Văn Thương - một trong những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) phấn khởi nói: “Năm nay, giá cá sấu tương đối cao nên người nuôi cá trong huyện rất vui. Hơn nữa, nhờ xây dựng nông thôn mới mà đường làng ngõ xóm nối dài thẳng tắp, thuận lợi cho nông dân giao thương hàng hóa”.

Cũng như nhiều hộ ở nông thôn, cuộc sống gia đình ông Thương trước đây gặp không ít khó khăn, thiếu thốn trăm bề, vốn liếng đầu tư sản xuất lại không có. Thế rồi, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, "tích tiểu thành đại”, gia đình ông Thương siêng năng lao động, ngày đêm chăm bón ruộng rẫy, rồi dần dần ông có của ăn, của để.

Gia trại nuôi cá sấu của ông Nguyễn Văn Thương (bên trái). Ảnh: C.L

Hiện nay, ông Thương có gia trại nuôi cá sấu thương phẩm với diện tích gần 2.000m2. Hàng năm, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi cá, mỗi năm ông lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng. Không chỉ lo làm giàu cho mình, ông Thương còn giúp nhiều nông dân có hoàn cảnh khó khăn (như cho mượn vốn) để đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương; nhiệt tình ủng hộ, đóng góp quỹ An sinh xã hội ở địa phương.

Nhìn gương mặt phấn khởi của anh Chất, ông Lắm, ông Thương khi kể chuyện làm giàu và niềm tự hào về những đứa con, chúng tôi thầm cảm phục những người nông dân chân lấm tay bùn, dám nghĩ, dám làm, biết lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn.

Rõ ràng, thành công sẽ đến với những người nông dân chịu thương chịu khó một khi họ biết cách làm giàu từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.