Xuân Kỷ Hợi 2019
Người Bạc Liêu thân thiện, nghĩa tình: Chắp cánh cho khát vọng vươn cao
Hơn 300 năm hình thành, đất và người Bạc Liêu đã kịp hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc từ thuở khai hoang lập ấp, đứng lên đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và chiến đấu với kẻ thù xâm lược, đến giai đoạn xây dựng phát triển đất nước thời kỳ hội nhập. Trải qua những thăng trầm lịch sử, người Bạc Liêu với những cái tên đã được nhớ đến như chí sĩ yêu nước Cao Triều Phát, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy, nhà bác vật Lưu Văn Lang, anh hùng Lê Thị Riêng… hay các thế hệ tiếp nối rạng danh trên các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, giáo dục, nghiên cứu khoa học đã góp phần định hình những tính cách đặc trưng của cư dân vùng đất này. Những nét đẹp truyền thống trong tính cách, tâm hồn người Bạc Liêu, cả những tính xấu cần phải sửa, chính là nền tảng để xây dựng hình ảnh người Bạc Liêu tiêu biểu trong thời kỳ mới!
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu gặp gỡ trò chuyện với các cán bộ cao niên miền Bắc tăng cường. Ảnh: P.T.Cường
CỐT CÁCH, TÂM HỒN NGƯỜI BẠC LIÊU
Trong dòng chảy lịch sử, đất Bạc Liêu chỉ mới hình thành tên gọi vài trăm năm, vẫn là vùng đất trẻ so với tuổi đời ngàn năm của lịch sử dân tộc. Trong dòng người theo chân chúa Nguyễn vào Nam, đã có những người tìm về đất này, khẩn hoang, lập ấp, xây dựng xóm làng và hình thành những cộng đồng dân cư. Vì thế, tính cách người Bạc Liêu được mặc nhiên thừa nhận trong các tài liệu lịch sử, các bài viết của các nhà nghiên cứu và trên truyền thông đại chúng là tính cách chung của người Nam bộ: phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình. Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (tập 1) ghi rõ: Về mặt lịch sử, vùng đất Bạc Liêu mới hình thành trên 200 năm. Dân cư Bạc Liêu đa số là dân “xiêu tán”, nghèo khổ “tha phương cầu thực”. Họ định cư rải rác trên các gò đất cao, trên các bờ sông, các kênh xáng. Người Kinh, người Khmer, người Hoa đã đan xen nhau, luôn tương trợ, đoàn kết khi hoạn nạn, chân thành cởi mở, thích “làm ăn lớn”. Phong cách ứng xử người dân Bạc Liêu mang tính cách nông dân thôn dã, chất phác, bộc trực, dám phản kháng mạnh mẽ trước bất công xã hội. Tính cách người dân Bạc Liêu dưới thời Pháp thuộc in đậm tính cách lưu dân người Việt “đủ tinh thần thực tiễn, nhưng thiếu chữ; đủ đạo đức làm dân mà ít thuộc kinh truyện”. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, lúc còn là Bí thư Trung ương Đoàn, về Bạc Liêu phát biểu chỉ đạo Đại hội Đoàn của tỉnh, khi nói về tính cách người Bạc Liêu, có nói “trái tim để trên lòng bàn tay” - một cách diễn tả nói về tính phóng khoáng, cởi mở, chân thật của người dân xứ này.
Trên trang mạng của một công ty du lịch khi giới thiệu tua về Bạc Liêu đã không tiếc lời ca ngợi “Bạc Liêu là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa khác nhau của người Kinh, Khmer và Hoa. Ba dân tộc anh em đã kề vai, sát cánh, chung tay mở đất rồi cùng chống giặc ngoại xâm và chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt thời ấy cho đến giai đoạn đổi mới phát triển ngày hôm nay. Đó là quá trình hình thành nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc Bạc Liêu, đặc biệt là tính cách con người Bạc Liêu”. Theo trang thông tin này thì tính cách của con người Bạc Liêu ngày nay cũng có phần giống với Công tử Bạc Liêu: phóng khoáng, không chi li, thẳng thắn, hiếu khách, chất phác, thật thà!
XÂY DỰNG TÍNH CÁCH CON NGƯỜI BẠC LIÊU THỜI KỲ MỚI
Tính cách con người không phải là một phạm trù bất biến. Nó thay đổi phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội ở từng giai đoạn cụ thể. Vì vậy có thể bắt gặp những thói xấu của người Bạc Liêu ở từng lúc, từng nơi. Ngay cả những tính cách được xem là đặc trưng của người Bạc Liêu đôi khi lại mang đến những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống. Tính tình phóng khoáng, không chi li nên trong văn nghệ thì hết mình nhưng với công việc thì lơ là, không tính toán được tầm nhìn lâu dài cho tương lai. Tính ăn ngay nói thẳng làm mất lợi thế trong các diễn đàn, các cuộc trao đổi cùng đối tác... Gần đây báo chí trong nước thường dùng cụm từ “hồn nhiên như cây cỏ” để nói về tính cách người miền Tây Nam bộ, trong đó có Bạc Liêu. Đây có thể là lời khen; cũng có thể là một câu trung tính không kèm lời bình, nhưng chắc chắn không phải là lợi thế trong thời kỳ hội nhập, con người cần giỏi về các kỹ năng ứng xử.
Nét đẹp Nam bộ. Ảnh: L.H.Vân
Nhiều năm về trước, ông Võ Văn Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu từng gợi ý các cơ quan chức năng xây dựng bộ phim tài liệu giới thiệu văn hóa Bạc Liêu. Trong đó, ông đề nghị giới thiệu tính cách con người Bạc Liêu vẫn phóng khoáng, hào hiệp nhưng có mở rộng thêm, gồm: nghĩa tình, khoan dung, nhân hậu. Những tính cách này vẫn thừa nhận những nét đẹp tâm hồn truyền thống nhưng đồng thời bóc tách những nét đẹp riêng có của người Bạc Liêu được biểu hiện từ thời khẩn hoang lập ấp, đến hai cuộc giành chính quyền không đổ máu đầy nhân văn. Những chủ trương phát triển dựa trên động lực văn hóa cũng dựa trên những chuẩn mực này như xây dựng người Bạc Liêu hiếu khách, nghĩa tình trong phát triển du lịch; xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, có hoài bão, có khát vọng phát triển, khoan dung, đoàn kết trong công tác xây dựng Đảng… Thực tế đã chứng minh, những chủ trương này hoàn toàn hợp lý và đã phần nào phát huy hiệu quả khi Bạc Liêu liên tục ghi dấu ấn về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua.
CÁN BỘ - NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG
Vậy trong thời kỳ hội nhập, người Bạc Liêu cần phải như thế nào? Câu hỏi không dành riêng cho một cá nhân hay tổ chức chính trị - xã hội nào. Bởi đó chính là tâm tư, cũng là trách nhiệm của mỗi người và cả xã hội trong từng giai đoạn và hoàn cảnh cụ thể. Nhưng có điều chắc chắn, tính cách chuẩn mực của người Bạc Liêu phải được soi từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi cán bộ, trước hết cũng chính là công dân và trong nhiệm vụ phát triển quê hương, họ phải nhận vai trò là đội quân tiên phong.
Thanh bình phương Nam. Ảnh: T.N.Quyền
Hơn 18.000 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được đánh giá là những người đủ điều kiện, năng lực trong từng vị trí công tác. Rất nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển đã nâng cả chất và lượng của cán bộ, nhưng điều được chờ đợi nhiều hơn cả là cái tầm của những “công bộc của dân”. Trưởng thành theo sự phát triển của tỉnh, đội ngũ này là hình ảnh đại diện cho Bạc Liêu vươn lên từ khó khăn, nghèo thiếu... Đứng trước cơ hội lẫn thách thức từ thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chính những người trong cơ quan công quyền phải xây dựng cho mình một bản sắc văn hóa tốt đẹp trong nhận thức và hành động, để từ đó có thể truyền cảm hứng và lan tỏa những thái độ sống tích cực đến cộng đồng xung quanh. Bởi nói cho cùng, xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người. Con người trong chính trị cũng là con người trong văn hóa, kinh tế, xã hội được nâng lên một mức cao hơn!
Gần đây, thường được nghe nói về hai chữ "khát vọng". Quả thật, có khát vọng thì con người sẽ biết tự thân tìm ra lối đi để vươn tới mục đích cao hơn. Bước vào thời đại 4.0, khát vọng của người Bạc Liêu phải gắn với tâm thế hội nhập. Có tâm thế hội nhập, mỗi người sẽ tự thấy sự vươn lên, làm mới mình để tồn tại và phát triển như là nhu cầu tự bên trong của mỗi người... Đó cũng là khi tâm hồn người Bạc Liêu đẹp hơn bao giờ hết!
An Nhiên
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp