Xuân Kỷ Hợi 2019

Phong trào khởi nghiệp của thanh niên: Khát vọng cho một hành trình mới

Thứ Ba, 29/01/2019 | 09:24

Lập thân, lập nghiệp là vấn đề nóng hổi trong đời sống thanh niên với nhiều khát vọng, trăn trở. Cơ hội song hành với thách thức, khó khăn trong khởi nghiệp luôn là động lực thúc đẩy giới trẻ phát huy trí tuệ, bản lĩnh để đi đến thành công. Phong trào Quốc gia khởi nghiệp được khởi xướng chính là cơ hội để tuổi trẻ Bạc Liêu bắt đầu một chặng đường mới trong tâm thế sẵn sàng, đầy tự tin khi khởi nghiệp.

Son môi hiệu D’Phúc

Sản phẩm son môi D’Phúc được trưng bày tại triển lãm Hội chợ nông sản thanh niên nông thôn. (Ảnh: Đoàn phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) cung cấp)

Tại triển lãm những sản phẩm nông sản tiêu biểu của thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức vào tháng 11/2018 ở TP. Cần Thơ, gian hàng son môi làm từ dầu gấc của đoàn Bạc Liêu thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan. Đằng sau những thỏi son còn là câu chuyện về sự nhạy bén, ý chí khát vọng lập nghiệp của cô chủ nhỏ Đỗ Diễm Phúc (phường 7, TP. Bạc Liêu).

Bắt đầu từ những thỏi son tự chế phục vụ nhu cầu bản thân được người thân, bạn bè quan tâm, Phúc nghĩ đến chuyện chế tạo dòng sản phẩm son môi từ hỗn hợp dầu gấc và dầu dừa mang tên của mình. Phải mất hơn 3 năm Phúc mới cho ra lò dòng sản phẩm ưng ý, được chứng nhận an toàn với những ưu điểm như: sử dụng nguyên liệu tự nhiên, chống nước lâu phai màu, không hóa chất độc hại.

Hành trình chinh phục ước mơ của Phúc đã đi được một nửa, và chặng đường còn lại cũng đầy khó khăn, thử thách là đi tìm chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường. 

Để hoàn thiện giấc mơ của mình, Phúc đã đi đến quyết định táo bạo là xin nghỉ việc tại một công ty có thu nhập ổn định để theo đuổi niềm đam mê là thành lập công ty. Phúc chia sẻ: “Mỹ phẩm son môi trên thị trường rất đa dạng, nhưng Phúc vẫn tự tin sản phẩm của mình có thể chinh phục người tiêu dùng với phương châm lấy chất lượng làm uy tín. Thành lập từ tháng 4/2017, công ty son môi hiệu D’Phúc đã có 2 nhà phân phối đảm nhận tiêu thụ trên thị trường 7 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và lực lượng cộng tác viên phụ trách đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Công ty cũng đang xin cấp giấy chứng nhận thương hiệu và sau khi hoàn tất sẽ đưa sản phẩm đến các tỉnh, thành trong nước”.

Làm giàu từ nuôi cua đinh

Cũng là một thanh niên trẻ giàu ước mơ, khát vọng lập nghiệp, bạn Trần Văn Vụ (xã An Trạch, huyện Đông Hải) luôn có những suy nghĩ đầy tâm huyết: “Tuổi trẻ ai cũng có ước mơ, khát khao lập thân lập nghiệp, nhưng người biết làm cho mơ ước của mình thành hiện thực sẽ là người chiến thắng”. Trước khi thành công với mô hình nuôi cua đinh cho thu nhập 400 triệu đồng/năm, Vụ đã thử nghiệm rất nhiều mô hình kinh tế nhưng không hiệu quả. Cua đinh là mô hình khá mới mẻ và gần như không thích hợp với môi trường vùng nước mặn. Bản thân Vụ đã có nhiều chuyến đi học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cua đinh ở Hậu Giang, đồng thời mày mò tìm ra phương pháp thuần dưỡng con giống thích nghi với môi trường nước mặn.

Năm 2015, Vụ mua 90 con giống về nuôi thử nghiệm trong sự hoài nghi, ngỡ ngàng của nhiều người. Đợt thu hoạch đầu tiên, mỗi con cua đinh thịt cho lãi từ 1 - 1,2 triệu đồng. Thử nghiệm thành công, Vụ thả những đợt giống tiếp theo với quy mô lớn hơn, đầu tư chuồng trại bài bản hơn và thả xen canh để có thu hoạch liên tục. Không chỉ nuôi cua đinh lấy thịt, Vụ cũng lên kế hoạch thử sức với mô hình gầy dựng cua đinh giống.

Câu chuyện về con cua đinh của bạn Trần Văn Vụ không dừng lại ở mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm mà Vụ còn giúp thanh niên xã An Trạch bằng việc đứng ra thành lập Tổ hợp tác nuôi cua đinh với sự góp mặt của 14 thành viên.

Vụ cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ xin giấy chứng nhận cua đinh là động vật hoang dã trong danh mục được phép nuôi. Từ đó tôi sẽ chủ động liên hệ với các địa điểm, nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh để mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Thay vì liên kết với một công ty thu mua như hiện nay, đã đến lúc người sản xuất cần chủ động để làm chủ được giá cả, sản phẩm mình làm ra không thể cứ mãi phụ thuộc vào thương lái”. Những chia sẻ của chàng trai này cho chúng ta có niềm tin về một thế hệ thanh niên nông thôn mới đầy bản lĩnh, giàu tư duy đổi mới.

Dịch vụ “Giao hàng 10k”

Anh Nguyễn Hoàng Nhựt (thứ ba từ phải sang) nhận bằng khen của Trung ương Đoàn vì có những đóng góp cho phong trào phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mua bán hàng hóa online đang trở thành xu thế mới, nhu cầu giao hàng xuất hiện như một nghề mới và dịch vụ. Qua khảo sát, anh Nguyễn Hoàng Nhựt (phường 7, TP. Bạc Liêu) nhận thấy rất nhiều cửa hàng, chủ shop ở TP. Bạc Liêu có nhu cầu giao hàng về các huyện, thị xã... Và dịch vụ “Giao hàng 10k” của anh ra đời cũng từ đây.

Thay vì tuyển nhân viên giao hàng thì Nhựt lại tìm kiếm những bạn làm nghề tiếp thị có nhu cầu làm việc tay trái. Trên những chuyến đi về địa bàn, họ làm thêm việc giao hàng để có thêm thu nhập, nhờ đó mà giá cước giao hàng cũng “mềm”  hơn, các chủ shop cũng tiết kiệm được chi phí giao nhận hàng. Nhựt là người trực tiếp đến các shop để nhận hàng, chịu trách nhiệm nếu hàng hóa thất lạc.

Với tiêu chí “nhanh, rẻ, an toàn”, dù dịch vụ “Giao hàng 10k” của anh mới mở nhưng mỗi tháng đã nhận trên 500 đơn hàng. Nhựt dự kiến sẽ mở thêm dịch vụ giao hàng liên tỉnh.

Thanh niên Bạc Liêu đang có những bước khởi động mạnh mẽ, đầy tự tin trên đường hội nhập. Bên cạnh bản lĩnh, ý chí, nghị lực làm hành trang trên con đường khởi nghiệp của họ còn có sự tiếp sức của các tổ chức xã hội và tổ chức Đoàn Thanh niên. Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2019 với chủ đề Đổi mới sáng tạo, kết nối tương lai được phát động đầu năm 2019 và những kế hoạch tiếp sức khởi nghiệp cho thanh niên năm 2019 của Tỉnh đoàn được kỳ vọng sẽ là bệ phóng mới cho phong trào lập nghiệp của tuổi trẻ Bạc Liêu.

Yến Nhi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.