Xuân Kỷ Hợi 2019

Tâm nguyện về một tượng đài

Thứ Tư, 16/01/2019 | 10:57

“… Trước lúc giặc bắn, chị đã cho con bú, chị đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: đó là nhiệm vụ của tình mẫu tử thiêng liêng và nhiệm vụ bảo vệ cách mạng, tôi cho đây là hai nhiệm vụ rất to lớn! Và, hình ảnh này, việc làm này đâu đó trên đất nước Việt Nam thời chiến tranh cũng sẽ có, nhưng mà điển hình và có thật là ở Bạc Liêu…”.

Chuyện xảy ra trên mảnh đất Vĩnh Hưng anh hùng của Bạc Liêu một thời đạn bom. Chị là liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, nhân vật trong bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn.

Một câu chuyện xúc động đã đi vào nghệ thuật ngợi ca người nữ anh hùng! Hơn 20 năm sau (kể từ khi bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” ra đời), chuyện tiếp tục được nối dài bởi một hành trình tìm về lịch sử thấm đẫm nhân văn! Và, tâm nguyện cháy bỏng về một tượng đài mang tên Nguyễn Thị Tư xuất phát từ đó.

“Chúng tôi đến thăm mộ chị nằm giữa đồng. Ngôi mộ đắp đất không được cao, cỏ may mọc đầy. Gần mười ngày sau, tôi viết xong bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” kịp phục vụ cho Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7/1997…

Mấy tháng sau, anh Bùi Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, điện cho tôi báo tin mừng, chị Nguyễn Thị Tư được Nhà nước công nhận là liệt sĩ”.

Trên đây là đoạn trích bài viết của cố soạn giả Trọng Nguyễn lý giải hoàn cảnh ra đời “Giọt sữa cuối cùng”. Chị Nguyễn Thị Tư bị giặc bắn năm 1972. Bản vọng cổ ra đời năm 1997. Và chuyến tìm về lịch sử chúng tôi đề cập là vào tháng 9/2018. Cứ “định kỳ” hơn 20 năm, chuyện lại được nối dài. Nối dài bởi một bài ca. Rồi tiếp tục được nối dài bởi tâm nguyện…

Đó là buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) đặc biệt và một trong hai người chủ trì cũng là một nhân vật đặc biệt: Giáo sư (GS) - Tiến sĩ, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Công dân ưu tú thủ đô Hà Nội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Nguyễn Anh Trí.

GS. Nguyễn Anh Trí thắp hương trước bàn thờ và di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Tư.

GS. Nguyễn Anh Trí là Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong công nghệ truyền máu và ghép tế bào gốc với chi phí rẻ, GS. Trí đã có rất nhiều sáng kiến khoa học hữu ích. Nhưng, điều mà mọi người quý trọng ông hơn cả vẫn là đức độ, nhân cách! Năm 2017, Báo điện tử Tri thức trẻ bình chọn cuộc chia tay đầy nước mắt ngày GS. Trí về hưu là một trong 10 sự kiện xã hội nổi bật của năm! Sau khi về hưu, GS. Trí đầu tư cả trăm tỷ đồng xây dựng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Là người tự ứng cử và trúng cử ĐBQH khóa XIV, GS. Trí đã và đang miệt mài cống hiến cho xã hội với những việc làm đầy tâm huyết. Và một trong những tâm nguyện của ông là câu chuyện ý nghĩa mà ông dành cho Bạc Liêu.

GS. Nguyễn Anh Trí (thứ hai từ trái sang) trò chuyện với người thân của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư.

“Tôi muốn nghe lại thật trung thực câu chuyện, đồng thời phải có hình ảnh cụ thể trên mảnh đất anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Như lời bài hát, liệt sĩ Nguyễn Thị Tư trước lúc giặc bắn đã cho con bú, chị đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: đó là nhiệm vụ của tình mẫu tử thiêng liêng và nhiệm vụ bảo vệ cách mạng, tôi cho đây là hai nhiệm vụ rất to lớn! Và, việc làm này đâu đó trên đất nước Việt Nam thời chiến tranh cũng sẽ có, nhưng điển hình và có thật là ở Bạc Liêu. Hình tượng điển hình này phải được lan tỏa rộng hơn để làm đẹp hơn nữa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Tôi xin hứa, nếu làm được điều gì bằng uy tín, trách nhiệm của một ĐBQH thì tôi sẽ làm để đạt được mục đích này”. Đó là phát biểu của GS. Trí trong buổi TXCT chuyên đề “Người có công” tại xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) vào cuối tháng 9/2018, như báo Bạc Liêu đã thông tin. Trước đó, GS. Trí đã tìm được một “cộng sự” đắc lực là anh Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu. “Tại một phiên họp của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, trong câu chuyện hành lang, GS. Trí ngỏ ý muốn đến Bạc Liêu. GS chia sẻ, ở nước ta có nhiều tấm gương phụ nữ Việt Nam, nhưng hình ảnh người mẹ trước giờ hy sinh, xin với kẻ sắp bắn mình “hãy để tôi cho con bú lần cuối” thì ông chưa bao giờ gặp. GS muốn tiếp cận câu chuyện ở góc độ một nhà khoa học. Từ đó sẽ có việc làm cụ thể để xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ở góc nhìn nhân văn, giúp quảng bá hình ảnh người và đất Bạc Liêu”, anh Huy Thái kể. Thế là, anh em Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm tất cả những gì có thể trong vai trò “cộng sự” và trên hết là bằng tâm thế của người Bạc Liêu được thụ hưởng “công trình của trái tim” này.

Chị Lê Thị Hó, người con thứ hai của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư xúc động khi kể về mẹ mình. Ảnh: H.T

GS. Nguyễn Anh Trí dùng Facebook cá nhân để chia sẻ những việc làm hữu ích. Và GS đã giúp câu chuyện lan tỏa bằng cách làm đó - như một động thái đầu tiên. “Về Bạc Liêu tìm hiểu sự thật về một nữ anh hùng” đã thu hút sự quan tâm của hơn 1.000 lượt người. Loạt bài làm sáng rõ những điều mà xã hội quan tâm, tranh luận: có thật, hay hư cấu thêm hình ảnh người mẹ cho con bú trước giờ giặc bắn. Chính chứng nhân lịch sử đã khẳng định: chị Tư là cán bộ cơ sở cách mạng mật. Chị đã cung cấp thông tin, tiếp tế cho cán bộ trong điều kiện rất nguy hiểm. Chị bị tra tấn dã man trước khi bị bắn. Và, thiêng liêng nhất trong thời khắc ấy là việc cho con bú những giọt sữa cuối cùng: “Con ơi, bú nhanh lên kẻo không còn kịp nữa, ơi con của tôi, ơi bầu sữa, giọt sữa cuối cùng con bú cạn nghe con…”.

Nhiều người đọc mà khóc, khâm phục ý chí kiên cường của chị Tư… Đó là “bội số chung” của rất nhiều ý kiến về loạt bài của GS. Trí. Báo Bạc Liêu đã đăng trên các kỳ báo trong tháng 10/2018 để độc giả hiểu hơn về một câu chuyện có thật của lịch sử.

Câu nói “tâm nguyện của tôi là có một tượng đài về chị Tư” được GS. Trí lặp lại rất nhiều lần! GS mong muốn: “Cần làm lan tỏa ra cả nước nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ, cần làm các thủ tục để phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Và, cần xây dựng tượng đài về chị để làm đẹp hơn, giàu hơn mảnh đất Vĩnh Hưng - Bạc Liêu kiên cường, anh dũng và ân tình”. Có một tờ báo đã viết đại ý là: khi GS. Trí đã đặt mục tiêu, ấp ủ tâm nguyện gì thì đều biến chúng thành hiện thực. Nên thật hy vọng, tâm nguyện đặt trên đất Bạc Liêu của ông cũng thành hiện thực! Và theo chúng tôi được biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, GS. Trí đã trao đổi bước đầu với các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu về phác thảo tượng đài này, do bạn ông - một điêu khắc gia tên tuổi mang dòng máu Việt - Nhật thực hiện.

“Giọt sữa cuối cùng” ra đời, chị Tư được công nhận là liệt sĩ. Thế thì qua cuộc tìm hiểu lịch sử được thực hiện bởi một vị GS với tinh thần trách nhiệm, cách làm việc khoa học, tin rằng tâm nguyện về một tượng đài ý nghĩa sẽ đủ cơ sở thành hiện thực ở tương lai. Còn hiện tại, từ câu chuyện lịch sử này, đã có bức-tượng-đài-phi-vật-thể đẹp thiêng liêng trong lòng người! Bức tượng đài về người mẹ, người nữ anh hùng Nguyễn Thị Tư, người con ưu tú của đất Vĩnh Hưng - Bạc Liêu hiền hòa, giàu nghĩa tình nhưng bất khuất trước quân thù.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.