Xuân Kỷ Hợi 2019
Văn hóa “tắm tưới” cho những vùng quê
Thấm thoát Bạc Liêu đã cùng với cả nước trải qua 18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) giai đoạn 2000 - 2018”. Xuyên suốt chặng đường vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã luôn chung sức chung lòng vì mục tiêu phát triển “mặt trận” văn hóa. Để giờ đây, văn hóa không chỉ âm thầm “soi đường” cho những lĩnh vực khác tiến lên, mà thành quả ngọt ngào của phong trào cũng đã “tắm tưới” cho những vùng quê thêm nhiều sắc màu mới.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bìa trái) tham quan tuyến đường hoa của người dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu).
CUỘC “CÁCH MẠNG” LỚN VỀ VĂN HÓA
Từ ngày đầu phát động cho đến nay, phong trào TDĐKXDĐSVH như một cuộc “cách mạng” lớn về văn hóa, một sợi dây gắn kết tình yêu quê hương, sức mạnh trong toàn Đảng, toàn dân Bạc Liêu. Với sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, phong trào đã tạo động lực, cơ hội để mỗi người dân góp sức làm đẹp quê hương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam khẳng định: “Qua chặng đường 18 năm, phong trào TDĐKXDĐSVH đã thật sự len lỏi trong đời sống khu dân cư, được cán bộ, đảng viên, nhân dân chung tay thực hiện bằng lòng quyết tâm, trách nhiệm với quê hương. Sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị được thể hiện rõ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và hành động thiết thực của người dân. Ý Đảng kết hợp với lòng dân là yếu tố được phát huy xuyên suốt và quyết định thắng lợi của phong trào”.
Gặp các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc trong những ngày xuân về, chúng tôi càng cảm nhận rõ sức lan tỏa của phong trào TDĐKXDĐSVH. Trong cuộc vận động toàn dân ấy, biết bao gia đình đã hăng hái cùng với chính quyền địa phương khắp nơi trong tỉnh thi đua thực hiện nhiều công trình, phần việc mang ý nghĩa tốt đẹp. Đó là gia đình bà Quách Kim Tuyến (phường 2, TP. Bạc Liêu) tích cực làm việc thiện; gia đình ông Trần Văn Nhạn (xã Định Thành, huyện Đông Hải) tự nguyện bỏ tiền, giúp ngày công đi bắc những nhịp cầu; hộ bà Hồ Thị Dung (xã Phong Tân, TX. Giá Rai) vận động bà con tích cực đóng góp các nguồn quỹ chăm lo cho người nghèo…
Theo chân anh cán bộ xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân), chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Trung Dũng - một gia đình nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa. Đến trước căn nhà tường thơm mùi sơn mới, chúng tôi bắt gặp một lão nông say sưa làm đẹp cho đường làng, ngõ xóm để đón mùa xuân mới. Là một người ít chữ nghĩa vậy mà ông gần như thuộc nằm lòng các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa. Lão nông Phạm Trung Dũng hồ hởi: “Phong trào TDĐKXDĐSVH đã giúp người dân nhận thức rất rõ đích đến chính là nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển địa phương đẹp giàu và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Bởi vậy, từ chỗ được vận động rồi nhà nhà, người người đều tự nguyện muốn cống hiến vì phong trào này”.
Người dân tham gia sinh hoạt tại Nhà văn hóa ấp Thống Nhất (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình).
SẮC MÀU MỚI TRÊN NHỮNG VÙNG QUÊ
Theo tiếng gọi của mùa xuân, chúng tôi háo hức về thăm những vùng nông thôn mới (NTM) của Bạc Liêu. Đến đâu cũng bắt gặp niềm vui trong từng ánh mắt, nụ cười của lãnh đạo địa phương và người dân. Làm sao không phấn khởi khi mỗi mùa xuân sang thì nông thôn lại tưng bừng “thay áo mới”.
Dù lễ công nhận xã đạt chuẩn NTM đã qua, nhưng người dân xã Định Thành vẫn chưa quên được ngày vui trọng đại của địa phương. Bao năm xây dựng NTM, diện mạo vùng quê nghèo thuở nào nay đã nhường chỗ cho những con đường bê-tông hóa, những công trình dân sinh mang “thương hiệu” Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đâu chỉ vậy, đời sống kinh tế của người dân ngày càng phất lên, tỷ lệ hộ khá giàu qua mỗi năm lại nhiều “như nấm sau mưa”. Tuy được điểm tô bởi một diện mạo khang trang, song Định Thành cũng như nhiều địa phương khác vẫn toát lên vẻ duyên dáng, chân quê và ẩn chứa bên trong những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ và nghĩa xóm tình làng nồng ấm.
Qua huyện Phước Long, các công trình phục vụ đời sống văn hóa hiện diện ở 78/78 ấp làm tôn thêm vẻ đẹp cho xã NTM. Hai bên đường của các xã thuộc huyện Phước Long như: Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Tây, Phước Long… là những luống hoa rực rỡ sắc màu, những hàng rào cây xanh mướt thẳng tắp khoe dáng trong nắng mới như đang vẫy chào mùa xuân. Một sinh khí náo nức khiến lòng người phấn khởi, vui sướng trước sự “thay da đổi thịt” của làng quê.
Ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy Phước Long, tâm đắc: “Phong trào TDĐKXDĐSVH như mang một “làn gió mới” cho nông thôn Phước Long. Không chỉ làm thay đổi nhận thức, hành động của nhân dân, “làn gió” này còn tạo nên bức tranh đẹp cho nông thôn, giúp đường làng khang trang, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của bà con khởi sắc từng ngày… Chặng đường sắp tới, văn hóa tiếp tục được xác định là một trong những “mặt trận” quan trọng giúp địa phương phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện, xã, ấp NTM kiểu mẫu”.
Trải qua 18 năm dày công xây dựng và phát triển, văn hóa đã mang về những thành quả to lớn, góp phần tạo sức bật để các “mặt trận” khác vững bước tiến lên. Đến nay, Bạc Liêu đã có 190.460 gia đình đạt chuẩn văn hóa, 516/518 ấp, khóm được công nhận danh hiệu văn hóa, 518 khu dân cư tiên tiến, 334 ấp xây dựng được nhà văn hóa.
Diện mạo xã Phước Long (huyện Phước Long) đạt chuần văn hóa nông thôn mới. Ảnh: H.T
Hữu Thọ
- Chào cờ đầu tháng cuối cùng của năm 2024
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm