Xuân Kỷ Hợi 2019

Vọng Ninh Bình

Thứ Ba, 29/01/2019 | 10:17

Từ điển tiếng Việt định nghĩa “vọng” là nhìn, hướng về nơi mà tâm trí đang tưởng nhớ. Đúng là như vậy, trong từng nhịp đập con tim, có một miền đất cố đô tuy xa mà hiện hữu, cấu thành nỗi nhớ khôn nguôi ở những người luôn giữ sâu trong tâm thức mình tiếng gọi “Ninh Bình, cố hương yêu dấu”.

Một góc Tràng An (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: C.K

“Tôi xa quê năm lên 10 tuổi, lớn lên nhờ cọng rau, hạt gạo xứ này, biết đến những thổn thức đầu đời là khi heo may về và trời Bạc Liêu trở chướng. Vậy mà vào những lúc giao thừa hay gặp lúc gia đình có chuyện hiếu chuyện hỉ, tôi còn nghe trong mình da diết lắm một niềm quê; thì không rõ nỗi niềm của các bác, các chú, và của cha mẹ tôi còn đến nhường nào! Nỗi niềm của tôi chỉ là nỗi niềm cỏn con trong hàng ngàn nỗi niềm Ninh Bình trên đất Bạc Liêu này vậy…”.

Đó là tự sự của anh Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, một người con của quê hương kết nghĩa Ninh Bình. Xuân này là cái tết thứ 40 của anh trên đất Bạc Liêu! Nhưng, với anh Thái (và chắc chắn với rất nhiều người cùng hoàn cảnh, cùng trang lứa), hình bóng quê hương với những kỷ niệm ấu thơ chưa bao giờ phai nhạt.

Sau khi đất nước thống nhất, thắt chặt mối tình kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình từ trong thời kháng chiến, những người con của quê hương Ninh Bình đã không quản đường xa khăn gói vào đất Bạc Liêu. Lúc ấy, gọi là điều động cán bộ tăng cường vào Nam công tác. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, không đơn thuần là chấp hành sự phân công, mà phải xuất phát từ tình cảm keo sơn gắn bó “Bắc - Nam một nhà” thì người ta mới có đủ nghị lực để rời xa nơi đã sinh ra mình. Theo chân cha mẹ, Huy Thái đặt chân đến “xứ cơ cầu” hồi năm lên 10 mà ký ức những tháng ngày đó trong “cậu bé” vẫn vẹn nguyên: “Đó là những ngày vô cùng bỡ ngỡ. Vào giờ học, cô giáo giảng bài tôi không sao nghe kịp. Giờ ra chơi, tụi bạn xúm lại chọc ghẹo vì cách tôi ăn mặc chẳng giống ai, vì ở quê tôi vải vóc hiếm hoi, quần áo phải may rộng để mặc được lâu… Bị chọc riết, tôi rủ nhỏ em gái “cúp cua” đi coi người ta dỡ bỏ cầu Quay để xây cầu Kim Sơn…”.

Mười tuổi, hai tiếng “quê hương” đã ăn sâu vào tâm thức cậu nhóc như một điều mặc định. Nhà thơ Giang Nam khi viết “Quê hương” đã nhớ về “những ngày trốn học, đuổi bướm cạnh cầu ao” đó thôi, thì đứa trẻ 10 tuổi xa quê, bị bạn bè chọc ghẹo (dẫu chỉ là sự chọc ghẹo vô ý) bèn trốn học rủ em gái đi coi xây cây cầu mang tên Kim Sơn, dường như cũng được sự vô thức dẫn dắt tìm đến một chỗ dựa tinh thần để mà tựa vào, để gợi nhớ tuổi thơ ở ngôi làng Tuần Lễ, Như Hòa, Kim Sơn; nơi có lũy tre Lưu Phương thấp thoáng tháp chuông Nhà thờ Đá văng vẳng chuông ngân; Cầu Ngói Phát Diệm yểu điệu soi mình xuống dòng Ân Giang; hay đồng cói Cồn Thoi trải mình trong mặn mòi gió biển… 

… Ở Bạc Liêu, khó thống kê có bao nhiêu người giữ trong tim hình bóng cố đô yêu dấu. Đó là lớp người đến với Bạc Liêu từ trong kháng chiến; những cán bộ miền Bắc tăng cường sau ngày miền Nam giải phóng; bà con đi xây dựng kinh tế mới… Những con người đã đem phong thái bản quán giao thoa với đất “Dạ cổ hoài lang” để thắt chặt mối thâm tình Bắc - Nam. Rồi tình yêu giữa kẻ Bắc - người Nam lại sinh ra những thế hệ tiếp nối.

Cuối những năm 1980, Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tỉnh Bạc Liêu được thành lập. Họp mặt đồng hương - đó là lúc sâu thẳm trong lòng các cô chú, hình ảnh, kỷ niệm về cố hương được khơi gợi mãnh liệt nhất! Một tập thơ mang dấu ấn Ninh Bình được ra đời không lâu sau đó. Nỗi nhớ được gửi vào từng vần thơ: “Xa xôi nghĩ nhớ quê nhà/ Mái đình, giếng nước, cây đa đầu làng” (Vũ Đức Kỷ); hay lòng tự hào về một vùng quê hữu tình: “Quê ta đó có sông Vân, núi Thúy/ Có đền Vua Đinh, rừng Cúc Phương, Bích Động, động Thiên Tôn/ Có thuyền nan, thuyền thúng, thuyền buồm/ Đi dưới sông trăng hát câu quan họ” (Đinh Hữu Nhuận)… Tuy giờ đã người mất, người còn, nhưng những vần thơ vọng cố hương của các chú, các bác vẫn còn in sâu trong tâm trí những người đồng hương Ninh Bình trên đất Bạc Liêu.

Người viết đồng tình với nhận định: “Không ai có thể từ bỏ hoàn toàn quê hương. Bởi những giá trị vô hình của quê hương đã ẩn sâu trong tâm hồn họ. Cho đến khi họ không còn được nhìn thấy mặt trời thì những giá trị ấy lại tiếp tục nảy nở, tồn sinh trong các thế hệ sau”. Cho nên, không có nỗi niềm nào là “cỏn con” đâu, anh Huy Thái ạ! Tựu trung nỗi niềm ấy chính là ba tiếng “vọng cố hương”, sẽ còn sâu thẳm trong tim anh, trong tim những người phải rời đất cố đô yêu dấu, chọn Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình. Những người con nơi miền đất Bắc xa xôi vẫn vẹn nguyên một chữ “vọng”, trao truyền lại cho từng thế hệ tiếp nối.

Thật biết ơn những người đã nhen nhóm, vun đắp cho mối tình ở “hai đầu nỗi nhớ” - Ninh Bình - Bạc Liêu, gần 60 năm vẫn sắt son! Hàm ơn ai đó đã khởi phát xây dựng những công trình, biểu tượng, chiếc cầu mang tên gọi thân thương của đất cố đô. Kia là biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình trên Quảng trường Hùng Vương, nọ là cầu Kim Sơn (nơi năm xưa có cậu bé trốn học đi coi… xây cầu), rồi nào là cầu Tràng An, cầu Gia Viễn, đường Nho Quan, trường Yên Khánh… Những biểu tượng ấy như chứng nhân của mối tình kết nghĩa keo sơn giữa hai miền đất, để những ai “vọng Ninh Bình” thêm đau đáu nhớ thương về đất quê yêu dấu.

“Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”

(nhà thơ người Nga - Rasul Gamzatov).

Chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: T.L

Thúy Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.