Xuân Kỷ Hợi 2019

Xây dựng huyện Phước Long thành địa phương trọng điểm kinh tế vùng Bắc của tỉnh

Thứ Tư, 16/01/2019 | 16:50

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương đánh giá: “Phước Long thể hiện rất rõ khát vọng vươn lên, có tinh thần sáng tạo, có sự chủ động và rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cho thấy, huyện đang phấn đấu đạt tới mục tiêu cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc và an toàn, xây dựng nông thôn thịnh vượng...”. Đây chính là cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chủ trương xây dựng Phước Long trở thành “một Bạc Liêu thu nhỏ” ở vùng Bắc Quốc lộ (QL) 1A của tỉnh.

Lãnh đạo huyện Phước Long thực hiện nghi thức khởi công xây dựng công trình kết cấu hạ tầng lúa - tôm trị giá 25 tỷ đồng. Ảnh: T.Đ

HỘI TỤ YẾU TỐ KẾT NỐI VÙNG

Huyện Phước Long có 7 xã, 1 thị trấn (tổng số 78 ấp với gần 29.000 hộ dân, gần 123.000 nhân khẩu); diện tích tự nhiên hơn 41.000ha, trong đó diện tích vùng ngọt chiếm 30%, vùng chuyển đổi 70%.

Những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển vượt bậc, nhiều mô hình sản xuất đa dạng và hiệu quả bậc nhất ở vùng Bắc QL1A. Từ một huyện khó khăn, Phước Long vươn lên trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển thứ ba của tỉnh, xếp sau TP. Bạc Liêu và TX. Giá Rai. Tuy nhiên, nếu xét theo sự phát triển đồng đều kinh tế giữa các xã trong một huyện thì Phước Long đứng hàng thứ nhì, sau TP. Bạc Liêu.

Thị trấn Phước Long không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện mà còn là trung tâm của tiểu vùng Tây - Bắc tỉnh Bạc Liêu. Huyện Phước Long cùng với 3 đơn vị khác là TP. Bạc Liêu, thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) và phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai) tạo thành tứ giác kinh tế, động lực phát triển kinh tế của cả tỉnh. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến giao thông quan trọng kết nối vùng như: Quản Lộ - Phụng Hiệp nối thẳng từ TX. Ngã Bảy đến Cà Mau (không vòng qua TP. Bạc Liêu), kênh xáng Phụng Hiệp - một trong những kênh xáng sầm uất nhất ĐBSCL. Tỉnh lộ Vĩnh Mỹ - Phước Long kéo dài đến Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) nối liền Quốc lộ 63; tỉnh lộ Phước Long - Phong Thạnh Tây B kết nối tỉnh Cà Mau bằng đường bộ và 100% đường nông thôn của huyện được trải nhựa, bê-tông hóa. Cùng với đó, hệ thống cầu được đầu tư hoàn thiện đã tạo nên một chuỗi giao thông liên hoàn với nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Phước Long kết nối vùng. Ảnh: P.T.C

Không dừng lại ở lợi thế đó, thời gian qua, Phước Long luôn thể hiện vai trò đầu tàu của tỉnh trong xây dựng huyện nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu, tạo ra nhiều mô hình tiêu biểu cho các địa phương vận dụng. Phong trào XDNTM và nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Phước Long đã và đang mang lại thành tựu đáng kể cho tỉnh và lan tỏa ra cả khu vực ĐBSCL.   

Một yếu tố khác thể hiện vai trò “nhạc trưởng” của huyện Phước Long là giai đoạn 2015 - 2017, huyện được tỉnh chọn triển khai thí điểm mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản như một đại diện cho vùng sinh thái lợ của tỉnh. Mô hình nằm trong dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL (WB6) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Thành công từ dự án này (điểm nhấn là mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp) sẽ được tỉnh triển khai nhân rộng ra cả vùng Bắc QL1A của tỉnh, tạo ra vùng nguyên liệu tôm sinh thái rộng lớn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tôm sạch cho tất cả các thị trường. Đồng thời mở hướng đi mới cho nông dân vùng chuyển đổi ở phía Bắc QL1A trong phát triển sản xuất theo hướng thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế của huyện Phước Long đạt 8,25% (vượt 0,51% chỉ tiêu nghị quyết) và tổng giá trị sản xuất đạt gần 13.000 tỷ đồng (vượt 4,85%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,9 triệu đồng/năm (vượt 7,47% chỉ tiêu nghị quyết đề ra)… Kết quả đó tạo tiền đề tốt để Phước Long tiếp tục tăng trưởng nhanh, trở thành địa phương đi đầu của tỉnh trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

Diện mạo xã Hưng Phú (huyện Phước Long) - địa phương sắp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: T.Đ

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020, giải pháp được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lựa chọn là tập trung đưa Phước Long phát triển nông nghiệp toàn diện. Nếu như chủ trương của tỉnh tập trung phát triển tôm ứng dụng công nghệ cao ở vùng Nam QL1A thì huyện Phước Long được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo phát triển toàn diện ở cả 3 vùng sinh thái: ngọt, lợ và mặn. Trên cơ sở Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển kinh tế giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình cụ thể cho từng tiểu vùng, tái cơ cấu lại nền nông nghiệp của huyện.

Đảng bộ huyện luôn xác định sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là chủ lực, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, mà lúa - tôm kết hợp là mô hình sản xuất chủ lực của huyện, phấn đấu đến năm 2020 đạt diện tích 15.000ha.     

Để trở thành địa phương trọng điểm về kinh tế ở vùng Bắc QL1A của tỉnh, thời gian tới, UBND huyện sẽ cho ra đời Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Huyện đang xúc tiến thành lập tổ xây dựng đề án này trên cơ sở xin ý kiến các sở, ngành tỉnh và mời một số chuyên gia đầu ngành Trường đại học Cần Thơ tham gia. Năm 2019, huyện sẽ tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề này để đề ra giải pháp tốt nhất đưa kinh tế nông nghiệp của huyện Phước Long trở thành trụ cột của vùng.

Cùng với đó, huyện sẽ đầu tư đúng mức cho sản xuất nông nghiệp, tiếp tục xây dựng trạm bơm nước và ô đê bao khép kín đã được quy hoạch. Đổi mới chỉ đạo phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh các mô hình luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ màu, 2 vụ màu + 1 vụ lúa và xen canh một số cây giống thích nghi nhằm khai thác hết tiềm năng đất đai, lao động trong vùng. Phát huy tối đa hiệu quả cánh đồng lớn; liên kết sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Ở vùng nuôi trồng thủy sản, huyện sẽ chỉ đạo phát triển sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả và phát triển mạnh mô hình nuôi tôm xen canh kết hợp với các loài thủy sản khác; đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống trong huyện và liên kết với các cơ sở cung cấp giống sạch bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu giống của người nuôi tôm. Đồng thời phát huy tối đa loại hình kinh tế trang trại vốn dĩ đang có thế mạnh với số lượng động vật hoang dã được gây nuôi và mua bán lớn nhất tỉnh. Qua đó tạo động lực đưa kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của huyện.

Như vậy, xét về lợi thế so sánh, Phước Long đã hội đủ các điều kiện cần để trở thành địa phương trọng điểm cho kinh tế vùng Bắc QL1A của tỉnh với đa dạng mô hình sản xuất hiệu quả cao và bền vững. Trong định hướng phát triển đến năm 2020, diện tích lúa - tôm của vùng Bắc sẽ vượt lên con số 38.000ha và sản lượng tôm đạt gần 30.000 tấn. Trong tương lai gần, huyện Phước Long sẽ “đảm đương” gần một nửa về diện tích và sản lượng tôm sinh thái của toàn vùng, xứng đáng với vai trò “nhạc trưởng” kết nối các địa phương cùng phát triển.

Phạm Thanh Hải - Chủ tịch UBND huyện Phước Long

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.