Xuân Mậu Tuất 2018
Bạc Liêu hào phóng, nghĩa tình
NGUYỄN DUY HOÀNG
Những ngày giáp Tết Mậu Tuất, tò mò xem lượng người truy cập báo Bạc Liêu online (mà anh em làm báo quen gọi là báo Bạc Liêu điện tử) để xem “sức khỏe điện tử” mạnh yếu thế nào. Và điều tôi rất bất ngờ là số người truy cập báo lên đến gần 60 triệu lượt. Đặc biệt trong năm 2017 có gần 20 triệu lượt - chiếm đến 1/3 so với tổng số lượt truy cập tính từ khi tờ báo thành lập năm 2011. Sáu mươi triệu lượt đã xấp xỉ 2/3 so với tổng dân số cả nước (gần 92 triệu người). Nếu “mạo muội lạc quan” thì cứ 3 người đã có 2 người truy cập báo Bạc Liêu điện tử. Vui lắm chứ!
Trong nắng xuân. Ảnh: Minh Triết
Nhưng điều tôi tự hỏi là vì sao trong năm 2017 đã khiến người đọc truy cập báo Bạc Liêu nhiều đến vậy (tất nhiên tôi hiểu, đó chắc không phải tình cảm đặc biệt của người đọc dành cho báo Bạc Liêu điện tử, mà tình cảm dành cho tỉnh Bạc Liêu). Vì không phân được rạch ròi cho các lĩnh vực, nên không thể khẳng định sự “để mắt” của người đọc tập trung ở khía cạnh nào. Nhưng con số 20 triệu lượt truy cập trong năm 2017 là sự hiển nhiên - hiển nhiên đến bất ngờ và sung sướng…
Tôi thử làm một thống kê nhanh các sự kiện trong năm 2017 mà bạn đọc để mắt, hay ít ra cũng để tự thỏa mãn sự sung sướng của chính mình ở ba lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và du lịch.
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường
Trên lĩnh vực kinh tế, nhìn ở tầm vĩ mô là: Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với diện tích toàn khu gần 420ha. Xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng ra các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bạc Liêu, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước. Khu công nghệ cao phát triển tôm tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất giống, nghiên cứu quy trình nuôi, chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ ngành tôm…
Phải chăng đây là điểm nhấn trong kinh tế để các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư… để mắt? Có thể lắm chứ. Bởi Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành tôm lần đầu tiên được Chính phủ quyết định thành lập với một quy mô rộng lớn. Rộng lớn cả về không gian, tiên tiến về mặt khoa học - công nghệ. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là thành tố đắc lực trong việc thúc đẩy đưa kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước vào năm 2025 lên đến 10 tỷ USD theo mong muốn của Thủ tướng.
Rồi cũng trên lĩnh vực kinh tế, năm 2017 Bạc Liêu đã thu hút gần 50 dự án, trong đó nhiều dự án “có tầm cỡ” của các nhà đầu tư “có tầm cỡ” đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nhà đầu tư gạo cội trong nước vào lĩnh vực năng lượng. Trong đó điện gió được các nhà đầu tư “mặn mà cạnh tranh” nhất. Mới đây vào những ngày đầu năm 2018, trong hội nghị xúc tiến đầu tư, Bạc Liêu thu hút cấp phép các dự án đầu tư trong chuỗi sự kiện với số vốn lên đến trên 100 ngàn tỷ đồng…
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung, trong một lần phát biểu có tính nội bộ đã phấn khởi bộc bạch: Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu “được quyền” lựa chọn, coi giò, coi cẳng các nhà đầu tư để đi đến quyết định vì số lượng rất lớn. Tất cả họ đều rất… mê gió Bạc Liêu, mê địa thế Bạc Liêu. Họ mê đến nỗi, hết chỗ cho dự án điện gió ven biển, họ sẵn sàng xin được đầu tư khai thác gió trong… bờ. Vì họ đã tính toán, đo đạc địa chất Bạc Liêu, nơi nào cũng có thể làm điện gió và làm có hiệu quả…
* * *
Một lĩnh vực nữa, tôi nghĩ cũng là khả năng để nhiều người lướt web. Đó là văn hóa.
Văn hóa Bạc Liêu là văn hóa cộng cư của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Một sự cộng cư bền chặt từ bao đời, thẩm thấu, hòa quyện, giao thoa, gắn kết trong một quần thể không tách rời từ khi khai thiên lập địa cho đến bây giờ. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng, đa sắc nhưng lại thuần khiết gói ghém trong cái chung của nền văn hóa lúa nước từ cái thuở “mang gươm đi mở cõi” của vùng đất phương Nam đầy tai ương, hiểm trở… Nói một cách lý luận thì: Văn hóa Bạc Liêu là văn hóa của “sự thống nhất trong đa dạng”. Chính cái sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tự khắc buộc con người phải xích lại gần nhau hơn, kết dính nhau hơn, đoàn kết một lòng để chống chọi với thiên nhiên, với kẻ thù nếu muốn tồn tại. Và cũng từ đây, ý thức cộng cư bắt đầu hình thành, nảy nở và phát triển cho đến ngày nay.
Như vậy, văn hóa Bạc Liêu là văn hóa của sự gắn kết và thẩm thấu, hòa quyện của 3 dân tộc một cách rất tự nhiên và cũng tự nhiên trở thành văn hóa độc đáo rất… Bạc Liêu. Một điều đặc biệt, nhưng không lạ với người Bạc Liêu là trong huyết quản mỗi thành viên của không ít gia đình đã hòa quyện 3 dòng máu Kinh - Khmer - Hoa. Sự hòa quyện đó như một tất nhiên và tự nhiên. Tự nhiên đến nỗi không ai còn để ý… Dễ thấy nhất là giờ đây, ngày Tết Nguyên đán của người Kinh thì người Hoa, người Khmer cũng đón Tết. Ngược lại, các ngày lễ hội của người Hoa, người Khmer thì người Kinh cũng đắm mình một cách tự nhiên như lễ hội của chính mình…
Mới đây - hồi tháng 11 năm 2017 này, trong lễ hội văn hóa - thể thao và du lịch của đồng bào Khmer Nam bộ được Bạc Liêu long trọng đăng cai tổ chức đã thể hiện rõ tính chất cộng cư ấy. Lễ hội là lễ hội của người Khmer nhưng người ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chàng trai, cô gái người Kinh, người Hoa uyển chuyển, nhịp nhàng trong các điệu múa Lâm thôn, Rom vong… hồn nhiên không phân biệt. Có thể nói, Ngày hội là cuộc “tổng duyệt” để đồng bào Khmer Nam bộ (tất nhiên là có Bạc Liêu) nâng cao ý thức, trách nhiệm với văn hóa truyền thống, đồng thời để củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây được xem như là nội lực và động lực để gắn kết, là nền tảng vững bền riêng có của văn hóa Bạc Liêu.
Tôi nghĩ, đây cũng là nguyên nhân mà người đọc truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu…
* * *
Du lịch cũng là lĩnh vực được đông đảo người đọc quan tâm. Theo con số báo cáo, du lịch Bạc Liêu năm 2017 đã tiếp đón trên 1 triệu lượt khách. Riêng khách quốc tế đã lên đến 35 ngàn lượt. Trong số 1 triệu lượt khách đến du lịch Bạc Liêu, chắc không ít người trong 20 triệu lượt khách truy cập báo Bạc Liêu điện tử năm 2017 đã truy cập trước khi quyết định đặt chân đến. Truy cập, tìm hiểu để xem xứ Công tử Bạc Liêu hiện tại có gì. Truy cập để biết những điểm đến văn hóa của Bạc Liêu. Truy cập để biết vườn nhãn Bạc Liêu thơ mộng một thời, vườn chim Bạc Liêu với nhiều loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ. Truy cập để biết Bạc Liêu là tỉnh duy nhất có Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Truy cập để biết Bạc Liêu có khu du lịch sinh thái Hồ Nam thoáng đãng, Khu du lịch Phật Bà Nam Hải linh thiêng, Quảng trường Hùng Vương với biểu tượng cây đờn kìm đi vào Guiness Việt và Nhà hát 3 nón lá - biểu tượng đặc trưng của người Nam bộ… là những điểm đến du lịch khó có thể bỏ qua…
Bạc Liêu còn có các khu di tích lịch sử trải dài theo thời gian từ khi chưa có Đảng đến thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là những khu di tích Đồng Nọc Nạng gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của anh em Mười Chức đứng lên chống cường hào, ngoại bang áp bức. Một “Chiến khu xưa” Cái Chanh (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi) là Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu - nơi đã ghi đậm dấu ấn nhiều lãnh tụ của Đảng và Nhà nước: Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt… từng sống, làm việc, lãnh đạo “Cách mạng miền Nam” trong những năm 60 của thế kỷ trước. Một Đền thờ Bác Hồ thiêng liêng, sừng sững hiên ngang suốt một thời đạn bom nhờ lòng dũng cảm, bao bọc chở che của cả Đảng bộ và nhân dân Châu Thới anh hùng!
Ắt hẳn những nhà làm sử, những nhà nghiên cứu chiến tranh không thể không để mắt…
Nhưng có người lại cho rằng, bạn đọc để mắt nhiều đến Bạc Liêu là vì một Bạc Liêu bình dị, hiền hòa - một sự hiền hòa vốn dĩ từ lúc mới khai thiên, lại ít biến đổi theo thời gian và không gian. Bạc Liêu là nơi lưu giữ, bảo tồn những sắc thái, những đặc trưng của người Nam bộ. “Bạc Liêu là vùng đất có truyền thống cách mạng. Người Bạc Liêu bình dị, chất phác nhưng hào phóng, nghĩa tình” là nhận xét của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - Phạm Minh Chính trong lần đến làm việc mới đây tại Bạc Liêu. Câu chuyện 2 lần giành chính quyền (1945 và 1975) không một tiếng súng, không một giọt máu rơi phải chăng là minh chứng của lịch sử, của lòng nhân ái, nghĩa tình?! Và cũng mới đây khi Bạc Liêu “từ chối” với Chính phủ không đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, nhiều bài báo đã viết: Trong lúc nhiều tỉnh, thành xin được đầu tư càng nhiều dự án cho địa phương, xem đó như một thành tích…, còn Bạc Liêu thì xin… thôi. Bạc Liêu đã cân nhắc thật kỹ lưỡng tác động xấu của môi trường. Thôi một dự án lớn để có một cái lợi lớn hơn - lợi ích của nhân dân!
Một quyết định lớn trong sự bình dị rất đỗi… Bạc Liêu!
* * *
Miên man nhiều sự kiện vì tôi không dám chắc bạn đọc quan tâm nhất về Bạc Liêu 2017 ở lĩnh vực nào. Nhưng một điều tôi tự hào nhận thấy là qua 20 năm tái lập tỉnh, Bạc Liêu đã nhận được tình cảm nhiều hơn, sâu đậm hơn của nhiều cấp, nhiều ngành, của nhiều tầng lớp nhân dân. Tôi nghĩ đây chính là nguồn năng lượng, là “sức mạnh mềm” tạo thành động lực để Bạc Liêu vững tin hơn trong hội nhập và phát triển.
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024