Xuân Mậu Tuất 2018
“Bãi vàng” căng gió!
Nói đến Bạc Liêu hôm nay, nhiều người không chỉ nhắc đến những ruộng lúa, đồng tôm bạt ngàn, mà còn là những cánh quạt gió tựa những “gã khổng lồ” đứng sừng sững giữa biển khơi. Những cánh quạt to đùng ấy được dựng trên khu vực bãi bồi, mảnh đất vốn quanh năm đối mặt với nghèo khó, nhọc nhằn. Vậy mà hôm nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước xin được đầu tư vào đây. Bãi bồi hôm nay đã thật sự trở thành “bãi vàng”!
Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Nhã
Cảm ơn người tiên phong
Vào những tháng cuối của năm 2009, tôi theo chân anh Võ Văn Dũng (lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh) đi khảo sát tuyến ven biển với một số nhà đầu tư. Khác với những chuyến đi trước đây, nhà đầu tư lần này khá đặc biệt, họ không như các doanh nghiệp khác khảo sát tuyến ven biển Bạc Liêu để làm du lịch hay thành lập công ty nuôi trồng thủy sản, mà đi khảo sát để tiến đến chuyện đầu tư làm điện gió. Trong đó, có anh Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) và hai chuyên gia được mời từ Mỹ.
Buổi tiệc chiêu đãi ngay nhà hàng nổi nằm ven biển Bạc Liêu vào một buổi chiều. Các chuyên gia khá thích thú với những bài vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng của con cháu bác Sáu Lầu và cả tấm chân tình, hiếu khách của những con người xứ Bạc Liêu.
Khi về tôi cũng tỏ ra khá hoài nghi, tôi cứ tưởng là khảo sát cho vui như trước đây. Ai dè bước sang năm 2010, dự án điện gió do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư chính thức triển khai, và ngày 9/9/2010 Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu được khởi công xây dựng. Như vậy Bạc Liêu đã có một dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất sau 13 năm tái lập tỉnh, với 5.217 tỷ đồng (hơn 5 năm tổng thu ngân sách của cả tỉnh), và cũng là dự án điện gió được xây dựng ngay trên thềm lục địa ven biển đầu tiên của cả nước.
Vui lắm, tự hào lắm, nhưng cũng có đến hàng trăm nỗi lo với nhiều khó khăn đang chờ ở phía trước. Đó là sẽ xây dựng các móng dựng cột như thế nào ngay khu vực luôn phải đối đầu với sóng to, gió lớn? Phải dựng các tua-bin và cánh quạt gió nặng hơn 210 tấn ra sao? Cần cẩu nào sẽ nâng được những “gã khổng lồ” này khi Việt Nam chưa có những cần cẩu siêu trọng?...
Thế nhưng, với bản lĩnh, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của nhà đầu tư, 62 tua-bia gió, với mỗi trụ có chiều cao 82,5m và cánh quạt rộng 40m đã mọc lên giữa biển nước mênh mông. Đến nay, dự án đã hòa vào điện lưới quốc gia với tổng sản lượng 500 triệu kWh và cho tổng doanh thu bán điện trên 1.135 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng.
Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, sự thành công của dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn I và II đã tạo nên những động lực to lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đây chính là tiền đề để thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Bạc Liêu xin đầu tư làm điện gió. Công đầu ấy, phải được ghi cho anh Tô Hoài Dân, người tiên phong xây dựng công trình điện gió đầu tiên trên biển của cả nước, người được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì về thành công của dự án này.
Vươn cao đón gió. Ảnh: Lâm Thanh Liêm
Làm giàu từ “bãi vàng”
Lâu nay khi nói đến khu vực bãi bồi ven biển là nhiều người liên tưởng ngay đến cảnh nghèo khó của những người chỉ biết sống “bám biển, bám rừng”. Đó là hoàn cảnh và số phận của hàng trăm hộ dân xem khu vực bãi bồi là “cần câu cơm”, đây thật sự trở thành nỗi trăn trở của toàn Đảng bộ. Nhiều dự án, mô hình và nhiều doanh nghiệp đã được vận động, khuyến khích đầu tư vào khai thác khu vực bãi bồi bằng các dự án, thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản... nhưng lần lượt các dự án đều không mang lại hiệu quả. Rồi Nhà nước cũng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho khu vực này với hy vọng tạo ra sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân từ những mô hình liên kết hợp tác, hoặc nhận giao khoán đất rừng. Song, hiệu quả mang lại không nhiều, nguồn lợi thủy sản bị khai thác một cách tận diệt. Nỗi trăn trở cùng bài toán an sinh cho khu vực bãi bồi vẫn chưa có lời giải!
Thế nhưng, sự thành công của dự án điện gió do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư đã làm thay đổi tất cả. Và tháng 1/2017, Công ty Công Lý đã tiếp tục đầu tư Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III với tổng vốn đầu tư 8.229 tỷ đồng cho hơn 70 trụ tua-bin gió loại 2MW, tổng công suất 142MW. Rồi dự án nhà máy điện gió giai đoạn IV sẽ kết nối giai đoạn III khi hoàn thành. Hàng loạt các dự án điện gió khác sẽ được đầu tư kéo dài từ ven biển của huyện Hòa Bình đến huyện Đông Hải, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh có “cánh đồng điện gió” lớn nhất nước. Bãi bồi rồi đây sẽ trở thành “bãi vàng” không chỉ giúp doanh nghiệp làm giàu, mà còn tạo ra sinh kế và hướng đi mới cho người dân nơi đây. Đó là các dự án phát triển du lịch gắn với các mô hình thủy sản dưới chân điện gió, hệ thống dịch vụ, các khu vui chơi giải trí sẽ được mọc lên, nguồn lợi thủy sản ven bờ sẽ được bảo vệ để trở thành nguồn thu quan trọng cho tỉnh và người dân.
Điều đáng phấn khởi là từ hôm nay, Bạc Liêu được nhiều người biết đến không chỉ là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật đờn ca tài tử, những giai thoại về Công tử Bạc Liêu, hay những dự án nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đứng đầu cả nước, mà còn là địa phương năng động đi đầu trong phát triển năng lượng sạch, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước, thế giới.
Đi trên công trình điện gió trong những ngày xuân, lòng không khỏi lâng lâng và tự hào về công trình mang tầm thế kỷ này. Bãi bồi dưới nắng xuân thật đẹp và óng ánh ánh vàng, Bạc Liêu sẽ làm giàu từ những “bãi vàng” căng gió, đó là điều chúng ta đang thấy.
Lắp đặt những trụ điện gió giai đoạn I. Ảnh: Lâm Thanh Liêm
Lư Dũng
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024