Xuân Mậu Tuất 2018

Chuyện nghề của “những cái đầu lạnh”

Thứ Ba, 06/02/2018 | 08:41

Trong lúc trà dư tửu hậu, chị bạn ta thán: nghề thẩm phán có nhiều áp lực và cũng lắm nỗi khổ tâm. Nhất là khi phải đứng trước một sự việc mà lương tâm mách bảo rằng nó như thế này này; nhưng luật pháp thì lại phải xử theo hướng kia - đó là khi lý và tình không đi chung một con đường. Với cái đầu lạnh, những người cầm cân nảy mực phải làm công việc mà pháp luật, nhân danh Nhà nước giao phó, nhưng với con tim nóng, đôi lúc cũng đầy trăn trở...

Công lý và chân lý

Có lần, tôi nghe chị và các đồng nghiệp nói đùa, đôi khi “sự thật không phải là sự thật”. Bởi công lý là sự thật được pháp luật công nhận; tuy nhiên, không phải tất cả những gì pháp luật công nhận đều là sự thật. Vẫn biết đó là câu nói đùa, nhưng tôi cảm thấy rất khó chịu và kiên quyết cho rằng, là một người cầm cân nảy mực, nếu bản thân đã biết chuyện đó là đúng và đâu là chân lý thì phải bảo vệ tới cùng, chứ sao lại… Không tranh luận với tôi, một cựu thẩm phán (đã nghỉ hưu) kể về câu chuyện xảy ra cách nay đã nhiều năm.

…Những ngày cuối năm, thời tiết rất lạnh. Một người đàn bà trạc 60 tuổi, là nguyên đơn trong một vụ tranh chấp tài sản đã thua kiện, rụt rè gõ cửa phòng, xin được gặp vị quan tòa đã đứng ra xét xử vụ án của mình. Gương mặt của bà tái nhợt, không biết do sự giá lạnh của thời tiết, hay vì nỗi bất hạnh đang đeo mang. Vị thẩm phán rất ái ngại khi gặp lại người đàn bà bất hạnh này, nhưng ông kịp trấn tĩnh, rót một ly trà nóng mời bà, vừa như an ủi, vừa như muốn tạ lỗi. Buổi gặp mặt ngày hôm đó như đã đóng đinh vào ký ức của ông, để từ đó cho đến mãi về sau này, vẫn như một nỗi ám ảnh mà ông không thể nào xóa nhòa. Nó như một gánh nặng mà lương tâm người thẩm phán phải đeo mang, dù trên thực tế, ông hoàn toàn không có lỗi. 

Vợ chồng bà L. chỉ có một đứa con trai. Chồng mất sớm, bà L. tảo tần nuôi con. Căn nhà và mảnh ruộng phía sau là tài sản duy nhất của vợ chồng bà vừa làm kế sinh nhai, nuôi con khôn lớn. Một ngày, đứa con trai khi ấy đã lập gia thất, bàn bạc với mẹ cần vốn để kinh doanh. Muốn vay ngân hàng thì phải có “sổ đỏ” thế chấp, mà mẹ thì không biết chữ nghĩa nhiều, đi lại cơ quan nhà nước hoài cũng không tiện. Đứa con trai thủ thỉ, “thôi thì mẹ cho tặng lại tài sản cho vợ chồng con đi”, và hứa phụng dưỡng mẹ suốt đời. Đứa con trai nói xong, người mẹ ngẫm nghĩ, suốt cuộc đời này mình sống cũng chỉ vì con, cho con hết tài sản thì mai này khi mình già yếu, nó cũng nuôi chứ có bỏ mình đâu, có mất mát gì đâu…, vậy là bà gật đầu. Không ngờ cái gật đầu đó kéo theo bao nhiêu hệ lụy về mặt pháp lý. Sau khi được mẹ nhượng cho hết tài sản, đứa con trai độc nhất lập tức kêu bán hết tài sản, cùng vợ con dọn đến nơi khác ở, bỏ lại người mẹ già giờ đã trắng tay.

Người mẹ khốn khổ phải sống nương nhờ nhà người quen, ôm đơn đi kiện con đòi đất. Thế nhưng, giấy tờ nhà cửa, đất đai bà cũng đã điểm chỉ lăn tay hết, trong thời điểm tinh thần sáng suốt minh mẫn, tự nguyện cho con. Người thẩm phán thấy hết, hiểu hết (bởi cả xóm, cả làng ai cũng nguyền rủa thằng nghịch tử), nhưng khi khoác lên người cái áo quan tòa, ông phải xử theo luật đã quy định. Tình bên này mà lý bên kia.

Dừng câu chuyện, ông quay sang hỏi tôi: Vậy nếu là nhà báo, nhà báo sẽ xử sao?

Cân bằng

Lần đầu tiên tham gia ngồi hội đồng xét xử hình sự, tuyên án tử hình một bị cáo, một thẩm phán tòa tỉnh đã mất ngủ mấy ngày liền. Với những tội ác mà bị cáo đã gây ra, mức án tử hình cũng không phải quá đáng. Nhưng ngoài vị trí là một quan tòa, những người thẩm phán cũng là con người, với bao nhiêu “hỉ nộ ái ố”. Để tuyên tử hình - mang cái chết không mong muốn đến cho một con người, điều đó hẳn không dễ dàng gì, ngay cả khi đó là một tội phạm. Rồi bên cạnh người phạm tội còn có gia đình, người thân - những người thương yêu họ. Đó còn là chưa kể ở những vụ án mạng nghiêm trọng, một bên nạn nhân thì đau đáu hướng về quan tòa, mong nhận được một mức án cho kẻ thủ ác thật nặng, mạng phải đền mạng. Họ cũng làm nhiều áp lực lên tòa, lên hội đồng xét xử. Còn ở phía ngược lại, gia đình bị cáo dõi theo phiên tòa trông mong được giảm nhẹ tội. Khi nghe tuyên án tử hình, có người òa khóc nức nở, thậm chí ngất xỉu, hoặc có lúc gào thét thậm chí uy hiếp cả quan tòa. Tôi đã không ít lần chứng kiến cảnh, vừa xử xong là cả hội đồng xét xử phải đi cổng sau, phải nhờ cảnh sát hỗ trợ tư pháp bảo vệ để ra khỏi phiên tòa. Cả hai bên bị cáo và bị hại, chắc cũng ít có ai đủ bình tĩnh, đủ thời gian hay sự quan tâm để thử dừng lại, đặt mình vào vị trí của quan tòa, xem cảm nhận của họ như thế nào.

Một bản án với quyết định là của tập thể nhưng trách nhiệm lại là trách nhiệm cá nhân. Đó chính là áp lực kinh khủng lên lực lượng xét xử ở các tòa. Đó là còn chưa nói, mỗi dịp cuối năm còn là lúc các thẩm phán phải tự mình nhẩm tính xem, trong năm qua, con số những bản án mà mình bị hủy, bị sửa có rơi vào vùng nguy hiểm, nhiều khả năng sẽ không tái bổ nhiệm hay không (liên quan đến sinh mệnh chính trị của bản thân). Đó cũng là một trong những lý do khiến “những cái đầu lạnh” sẽ ngày càng lạnh thêm, chỉ biết áp dụng đúng quy định pháp luật để những bản án của mình đúng luật mà quên đi mất cái phần cũng quan trọng không kém, đó là sự thật, là chân lý nằm chìm sâu dưới đáy, mà nếu không đủ bản lĩnh, không đủ dũng cảm, con tim không đủ ấm nóng thì sẽ không thể làm cho chân lý được phơi bày.

Kim Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.