Xuân Mậu Tuất 2018
Gặp lại nhân chứng trong “Giọt sữa cuối cùng” của soạn giả Trọng Nguyễn
Tết này, chị Lê Mỹ Linh sửa soạn lại bàn thờ của mẹ tươm tất hơn, thắp mấy nén nhang đầu năm tưởng nhớ 46 năm ngày mất của mẹ. Và từ đó cũng mừng cho chị tròn 47 tuổi kể từ cái ngày chị bú giọt sữa cuối cùng trước khi người mẹ Nguyễn Thị Tư ngã xuống trước họng súng của kẻ thù tàn bạo…
Chị Lê Mỹ Linh thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ trong ngôi nhà của chị ở quê chồng. Ảnh: T.Đ
TUỔI THƠ ĐẦY VẤT VẢ
Cho tới bây giờ, nhân vật sống động trong bài vọng cổ nổi tiếng “Giọt sữa cuối cùng” của soạn giả Trọng Nguyễn vẫn còn hiện hữu. Ông Năm Dõng (Lê Văn Dõng) - một xã đội trưởng nổi tiếng ngày ấy, người chồng của anh hùng Nguyễn Thị Tư nay đã 82 tuổi. Cô bé bú giọt sữa cuối cùng của mẹ ngày nào giờ đã có chồng và hai con, con gái lớn vào nghề sư phạm, con trai út còn học trung học phổ thông.
Hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe băng qua nhiều xóm nhỏ, chúng tôi mới tìm được nơi ở của chị Lê Mỹ Linh. Chị bây giờ không còn ở ấp Trung Hưng 1B (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) nữa. Cách nay 8 năm, chị đã dọn nhà sang ở bên chồng thuộc xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Bàn thờ nhà chị, di ảnh mẹ Nguyễn Thị Tư vẫn còn nguyên vẹn khí phách dõng dạc, hiên ngang, nhìn thẳng vào mắt quân thù trước lúc hy sinh.
Ông Lê Văn Dõng còn nhớ như in khoảnh khắc vợ mình bị giặc giết hại. Ảnh: T.Đ
Mỹ Linh được nghe kể lại, hơn 8 giờ tối mùng 7/4 âm lịch năm 1972, lũ giặc xông vào ngôi nhà mẹ đang ẩn náu, chị bị lôi ra khỏi vòng tay mẹ khi mới hơn 10 tháng tuổi. Những ngày khát sữa bú tay, chị được bà ngoại và dì cưu mang, nuôi dưỡng. Cha thì quanh năm đi làm cách mạng. Ông Năm Dõng còn nhớ như in tiếng súng định mệnh của bọn ác ôn kết liễu cuộc đời vợ mình trong lúc ông đi công tác trở về chưa tới đơn vị. Ông nói: “Bọn giặc hèn hạ, khi chúng lùng sục, tìm bắt tôi và cán bộ lãnh đạo xã Vĩnh Hưng không thành, chúng quay sang tìm bắt vợ cán bộ để uy hiếp, buộc phải khai ra hầm bí mật của chồng và đồng đội. Do không khai thác được gì, chúng đã bắn một loạt súng từ phía sau lưng vợ tôi, khi ấy 36 tuổi”.
Ông Năm Dõng bùi ngùi: “Vợ tôi hy sinh là mất đi một cán bộ giao liên, một đường dây tiếp tế thuốc men, lương thực cho cách mạng. Món nợ 46 năm trong cảnh mồ côi, ngơ ngác giữa dòng đời đã khiến Mỹ Linh một thời gian dài bị hụt hẫng. Cứ mỗi lần nghe lại bài “Giọt sữa cuối cùng” tới câu “Con hỏi mẹ đâu, sao không ai nói nên lời” là lòng tôi cứ nghẹn. Khi đó, mẹ của Mỹ Linh đã không kịp gọi tiếng con ơi thì loạt đạn đã xuyên người”.
Lớn lên trong vòng tay của bà, học hết cấp 3, và khi 23 tuổi Mỹ Linh lấy chồng, lại tiếp tục một cuộc sống cơ cực. Chị tâm sự: “Lúc còn ở bên quê mẹ, nhà nghèo tới không có chỗ ngồi cho khách ghé thăm. Khi di chuyển nơi ở, tôi mở một gian hàng tạp hóa nhỏ, cùng chồng làm thêm mấy công ruộng kiếm sống, nuôi con ăn học. Căn nhà ngày xưa giờ giao cho chị Hai thờ mẹ”. Đám giỗ mẹ, gia đình nhỏ của chị Mỹ Linh lại quay về thắp lên bàn thờ nén nhang với lời khấn nguyện: “Mẹ hãy yên lòng, chị em con giờ đã lớn khôn, quê mình giờ đã yên bình, đổi thay nhiều lắm”.
Ảnh minh họa: T.L
“DÙ MẸ KHÔNG CÒN, NHƯNG CÒN CẢ NIỀM TIN”
Soạn giả Trọng Nguyễn đã xây dựng hình tượng người phụ nữ - một người mẹ - một chiến sĩ cách mạng đẹp đẽ: Bọn giặc gầm lên: “Chồng mầy đâu, đồng đội mầy đâu?”. Chị lắc đầu: “Tôi không biết!”. Thằng chỉ huy hất hàm ra lệnh: “Bắn!”. “Khoan! Hãy chờ tôi giây lát”.
Rồi chị gượng đứng lên giành lại đứa con từ trong tay giặc. Nước mắt tuôn trào, chị thầm gọi: “Con ơi, bú nhanh lên kẻo không còn kịp nữa. Ơi con tôi, ơi bầu sữa. Giọt sữa cuối cùng, con bú cạn nghe con...”.
Một năm, sau khi bài ca cổ “Giọt sữa cuối cùng” đầy xúc động ra đời, Nguyễn Thị Tư được Đảng, Nhà nước phong danh hiệu liệt sĩ. Trong một lần ghé thăm ngôi nhà lá xập xệ thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Thị Tư (tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi), nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Võ Văn Dũng đã quyết định cất tặng căn nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng. Cám cảnh trước cuộc đời nghèo khó của Lê Mỹ Linh, 4 năm trước, kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL đã tổ chức một chương trình phát thanh đặc biệt trực tiếp câu chuyện về sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Khi ấy, rất nhiều thính giả trên cả nước bày tỏ niềm cảm thông, chia sẻ, ủng hộ số tiền 60,5 triệu đồng cất tặng chị Mỹ Linh căn nhà tình nghĩa nơi quê chồng. Mỹ Linh cho biết, giỗ mẹ năm nào chị cũng tổ chức đờn ca, cũng hát bài “Giọt sữa cuối cùng” nhưng hát được nửa chừng thì chị lại khóc. Cho tới bây giờ, cứ mỗi lần nghe lại câu chuyện hy sinh của mẹ là chị càng căm thù giặc sâu sắc. Dù mẹ không còn nhưng chị còn cả một niềm tin, tin vào sự thắng lợi vẻ vang của một dân tộc anh hùng.
Sau 46 năm kể từ ngày nữ anh hùng Nguyễn Thị Tư hy sinh, Vĩnh Hưng đã có những đổi thay kỳ diệu. Tấm gương của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tư đã góp phần thúc giục thanh niên xã Vĩnh Hưng A ngày nay và gia đình chính sách ra sức xây dựng thành công nông thôn mới để cho quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tấn Đạt
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024