Xuân Mậu Tuất 2018
Giữ di sản văn hóa phi vật thể “sống mãi” đến mai sau
Là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, nhiều nghệ nhân Bạc Liêu vinh dự được đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II - năm 2018. Những cái tên được UBND tỉnh lựa chọn đề cử đều là những người đã, đang dành trọn cuộc đời để theo đuổi đam mê, thực hiện sứ mệnh trao truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “sống mãi” đến mai sau.
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa trái) động viên nghệ nhân Lê Mộng Thu tại Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017.
NHỮNG “CÁNH CHIM KHÔNG MỎI”
Thạch Si Phol - người nghệ sĩ không còn xa lạ với khán giả phum sóc Bạc Liêu bởi sự tài tình trong sáng tạo nghệ thuật dân tộc. Nguyên Đội trưởng Đội Thông tin văn nghệ Samaki Bạc Liêu, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu cũng là nghệ nhân duy nhất được xét tặng danh hiệu ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian múa, sân khấu Khmer. Sự ghi nhận ấy là hoàn toàn xứng đáng với một nghệ sĩ đã từng lèo lái “con tàu” nghệ thuật Khmer Bạc Liêu vượt qua gian khó, đưa tinh hoa văn hóa dân tộc về các vùng phum sóc. Tài năng của ông đã vang xa với những đóng góp quan trọng cho các sự kiện nghệ thuật dân tộc thiểu số cấp khu vực, quốc gia. Lãnh đạo tỉnh cũng từng ngợi khen, Thạch Si Phol là người góp phần khơi dòng cho nghệ thuật Khmer Nam bộ “cuộn chảy” trên đất Bạc Liêu suốt những thập kỷ qua.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bên trái) tặng quà nghệ nhân Thạch Si Phol nhân dịp Tết Chôl-chnăm-thmây. Ảnh: H.T
Gần bước sang tuổi thất tuần nhưng tâm hồn của Thạch Si Phol còn “trẻ” lắm! Gặp ông trong một ngày giáp xuân Mậu Tuất, người nghệ sĩ già vẫn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết với nghệ thuật như hôm nào. Dù là “cha đẻ” của nhiều tác phẩm nghệ thuật Khmer nổi tiếng nhưng chính ông cũng không nhớ rõ đã tặng cho đời bao nhiêu điệu múa, vở dù kê.
Còn ở loại hình trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), nghệ nhân Lê Mộng Thu đã có hơn 50 năm “kết duyên” cùng di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh. Tuy tuổi đã cao nhưng nữ nghệ nhân vẫn giữ được chất giọng “ngọt như mía lùi” nên đã được chọn vào “đội quân” Bạc Liêu tham gia Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017. Nghệ nhân Mộng Thu chia sẻ: “Thuở nhỏ, tôi may mắn được theo học thầy Trần Tấn Hưng - nghệ nhân đã ký âm bản vọng cổ nhịp 32. Thời gian dần trôi, tình yêu với nghệ thuật ĐCTT trong tôi càng mãnh liệt, tiếng đờn và lời ca tài tử như thấm sâu vào máu thịt, hơi thở tôi. Được tỉnh xét chọn đề nghị phong tặng danh hiệu NNƯT, tôi xem đó là niềm tự hào, một phần thưởng vô cùng cao quý trong đời mình”.
SỨ MỆNH TỰ HÀO
Ngoài tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật, những cá nhân được xét phong tặng danh hiệu NNƯT còn nguyện gánh trên vai mình một sứ mệnh tự hào. Với họ, niềm hạnh phúc là được sống trọn với đam mê và mang di sản văn hóa phi vật thể trao truyền cho thế hệ mai sau.
Nghệ nhân Thanh Sử biểu diễn đờn tranh. Ảnh: H.T
Gần 40 năm dâng cho đời tiếng đờn tranh tuyệt diệu, nghệ nhân Thanh Sử đã dày công “cầm tay nắn nót dây đờn” cho hơn 300 học viên. “Muốn ca tài tử hay không khó nhưng làm sao để tiếng đờn chạm đến trái tim người nghe thì chẳng dễ dàng, trật một chữ cũng làm cho tiếng đờn lạc điệu. Bởi vậy, tôi rất trân trọng những bạn trẻ đam mê ĐCTT nên khả năng của mình đến đâu thì tôi sẽ truyền thụ hết, chỉ mong sao có người thừa kế đam mê, “tuyệt kỹ” của mình”, nghệ nhân Thanh Sử trải lòng.
Cùng với NNƯT Tư Loan (đờn kìm) - nghệ nhân Hoàng Phỉ (đờn bầu) - nghệ nhân Hoàng Phúc (đờn ghi-ta), tài đờn tranh của nghệ nhân Thanh Sử đã trở thành “mảnh ghép” hoàn hảo cho phong trào ĐCTT Bạc Liêu hôm nay. Đặc biệt năm 2007, nghệ nhân còn được mời tham gia chương trình “Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” tại lễ hội “Đời sống dân gian Smithsonian Hoa Kỳ”. Ở trời Tây, Thanh Sử và các nghệ nhân Bạc Liêu đã đưa âm nhạc tài tử đường hoàng đi vào lòng bạn bè quốc tế, khẳng định hùng hồn rằng, loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam đủ sức vượt qua mọi giới hạn về địa lý, văn hóa và ngôn ngữ.
Còn nghệ nhân Thạch Si Phol xem việc trao truyền nghệ thuật Khmer là trách nhiệm thiêng liêng của đời nghệ sĩ. Phum sóc đã nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong Si Phol nhưng cũng giao phó cho ông trọng trách nặng nề. Nhưng như thế mới thấy cái tài, cái tâm mà nghệ nhân này đã dành cho di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Hàng trăm diễn viên chập chững vào nghề do Thạch Si Phol đào tạo nay đã có những bước tiến lớn trên con đường làm nghệ thuật. Và những Hiệu Thị Liên, Thạch Thiệu, Thạch Thia, Thạch Thị Mai Ly, Thạch Dũng… đang âm thầm mang những “hạt giống” nghệ thuật của thầy mình đi gieo trồng, ươm mầm và phát triển trên mọi miền đất nước.
Ở lần đề nghị Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu NNƯT năm 2018, Bạc Liêu có 11 nghệ nhân cống hiến hết mình vì sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Dù được xướng tên hay phải “lỗi hẹn”, thì họ vẫn luôn là những “cánh chim không mỏi” với tài hoa, tình yêu rực cháy dành cho nghệ thuật dân tộc.
Hữu Trịnh
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024