Xuân Mậu Tuất 2018
Huyện Hòa Bình: Hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng cao
Có thể khẳng định, từ nhiều năm qua, nông nghiệp - nông dân - nông thôn của huyện Hòa Bình đã có bước chuyển biến lớn. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng năng suất, chất lượng cao trở thành nhiệm vụ quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Bí thư Huyện ủy Hòa Bình và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung kiểm tra việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở xã Vĩnh Thịnh. Ảnh: M.Đ
Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng về cơ bản, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của huyện đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Đó là nông nghiệp phát triển còn ở trình độ thấp, lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, sản xuất nhỏ cả về quy mô lẫn sản lượng, chất lượng hàng hóa. Chủng loại cây trồng, vật nuôi chưa phong phú, đa dạng; vẫn còn độc canh cây lúa, con tôm, chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp. Việc sản xuất lúa, nuôi tôm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững do chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa nghiêm túc; sản xuất nhiều loại sản phẩm nhưng phân tán, manh mún, chưa gắn kết giữa các vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa cao, phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu còn ở dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng thấp. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được coi trọng…
Hiện nay, người dân trong huyện còn phụ thuộc vào thu nhập chính từ nông nghiệp, thủy sản (chiếm trên 80%), tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp còn lớn. Do vậy, để cụ thể hóa Nghị quyết số 03/NQ-TU (ngày 27/10/2016 của Tỉnh ủy) vào cuộc sống, Huyện ủy Hòa Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Từ đó, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; tổ chức sản xuất phải hướng đến việc làm ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, sản lượng cao, đảm bảo tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.
Năm 2017, khu vực kinh tế nông nghiệp của huyện vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu (chiếm trên 43%); nền kinh tế nông nghiệp còn giữ vị trí hết sức quan trọng trong năm 2018 và đến năm 2020 cũng như những năm tiếp theo. Vì vậy, trước yêu cầu phát triển của xã hội và công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, vào cuối năm 2017, huyện đã có chương trình về đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, hướng đến năm 2030.
Diêm dân xã Vĩnh Thịnh sản xuất muối sạch. Ảnh: Cường Phan
Để khởi động thực hiện một chủ trương lớn của tỉnh và của huyện, lãnh đạo huyện Hòa Bình đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; đẩy mạnh xúc tiến việc chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ và kỹ thuật sản xuất phù hợp với từng đối tượng sản xuất trên từng tiểu vùng; thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp; tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân và tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng…
Định hướng của huyện trong thời gian tới là chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp để ổn định đầu ra cho hàng hóa nông, thủy sản trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn; khuyến khích sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế, huy động nhiều hơn các nguồn vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Qua đó tạo sự đồng bộ giữa chủ trương, chính sách với nguồn lực tài chính và thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực sản xuất lúa, chăn nuôi, sản xuất rau màu, nuôi trồng thủy sản của huyện. Đó cũng là điều kiện đặc biệt quan trọng để cụ thể hóa, tạo tiền đề cơ bản nhất trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả trong giai đoạn 2016 - 2020.
Nguyễn Huy Dũng
Bí thư Huyện ủy Hòa Bình
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024