Xuân Mậu Tuất 2018
Khi cán bộ là “đầy tớ” nhiệt tình
Họ chỉ là những cán bộ cơ sở tự nhận mình "cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao". Nhưng bằng sự cố gắng đó, họ đã mang đến những thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân nghèo hay những người cần một tiếng nói mạnh mẽ gửi đến các cơ quan chức năng. Và cũng chỉ với bấy nhiêu thôi, họ đã được dân tin, dân nhớ, xứng đáng là những người “đầy tớ trung thành của nhân dân” như Bác Hồ đã dặn.
Người đại biểu của dân
"Tôi không hài lòng với câu trả lời của ngành chức năng", câu đối đáp thẳng thắn tại phiên chất vấn của một kỳ họp HĐND huyện có thể làm người dự họp bất ngờ bởi nó đến từ một đại biểu ở xã. Nhưng với chị Nguyễn Ngọc Nhân - Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Hưng A, đại biểu HĐND huyện Vĩnh Lợi thì đó chỉ là trách nhiệm của một người đại biểu khi thấy vấn đề chất vấn chưa được giải thích một cách thấu đáo. Và với bất kỳ vấn đề nào nếu không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ ngành có trách nhiệm, chị sẽ thẳng thắn bày tỏ thái độ cũng như tiếp tục truy tới cùng. Bởi với chị, khi cử tri phản ánh, gửi gắm ý kiến, nguyện vọng của mình, họ đã gửi niềm tin đến người đại biểu. Và đại biểu chất vấn là hỏi để nắm vấn đề, từ đó tác động đến ngành chức năng giải quyết vấn đề chứ không chỉ hỏi để biết.
Chị Nguyễn Ngọc Nhân - Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Hưng A, đại biểu HĐND huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ
Xuất thân là giáo viên nhưng có vẻ chị hợp với công việc của một người đại biểu dân cử hơn. Chỉ mới tham gia HĐND xã từ nhiệm kỳ trước và trở thành đại biểu HĐND huyện từ nhiệm kỳ này nhưng chị Nhân đã để lại dấu ấn của một đại biểu đầy nhiệt huyết, hết mình với một năng lượng làm việc khổng lồ. Không chỉ là những câu chất vấn gai góc ở các kỳ họp, chị luôn sẵn sàng lắng nghe người dân trình bày hết bức xúc của mình, bỏ thời gian đi giám sát ở ấp, xuống hỏi thăm từng hộ; tìm hiểu kỹ nguyên nhân, thực trạng vấn đề được cử tri phản ánh để chất vấn và "truy" ngành chức năng nhằm tìm một câu trả lời thỏa đáng. "Vấn đề nào nắm được thì mình giải thích với dân liền, vấn đề nào đã hứa phản ánh lên trên thì phải tìm được câu trả lời chứ không thể hứa cho qua", chính cách làm việc “máu lửa” và hết mình này mà cử tri trong xã luôn tin tưởng để gửi gắm những nỗi niềm, nguyện vọng với chị.
Ông Phó Chủ tịch "dê"
Ông Phó Chủ tịch "dê" là biệt danh của Võ Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai). Phương cười khi nghe chúng tôi thắc mắc về biệt danh lạ này, bởi đó cũng là cách mà những người dân, đặc biệt là người nghèo trong xã thường gọi anh. Nó theo Phương từ năm 2012, khi mà anh tham khảo mô hình nuôi dê rồi cho hộ nghèo trong xã áp dụng thực hiện, để rồi đến hôm nay trở thành mô hình xóa đói giảm nghèo của toàn thị xã, được nhiều địa phương trong tỉnh về học tập kinh nghiệm!
Anh Võ Hoàng Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai) thăm hỏi hộ nghèo vừa được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: L.A
Năm 2012, từ sự gợi ý của lãnh đạo thị xã (lúc bấy giờ là huyện Giá Rai) đi tìm một mô hình xóa đói giảm nghèo, Phương tìm đến xã An Trạch (huyện Đông Hải) qua sự gợi ý của cha là cán bộ công tác ở huyện Đông Hải. Lúc bấy giờ, mô hình nuôi dê của xã An Trạch đang phát triển và giúp nhiều người dân làm giàu. Nhận thấy giữa An Trạch và Phong Thạnh Tây có những đặc điểm chung về thổ nhưỡng, có thể áp dụng được mô hình này, đích thân Phó Chủ tịch UBND xã - Võ Hoàng Phương chọn hộ nghèo rồi dẫn qua An Trạch tìm mua dê giống, tìm hiểu kỹ thuật nuôi. Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn ban đầu là 30 triệu đồng/hộ, 12 hộ nghèo bắt đầu áp dụng mô hình với sự theo dõi sát sườn của anh. Sau khi dê sinh sản có dê thịt, anh Phương lại tiếp tục tìm đến những quán ăn, nhà hàng có nhu cầu để "tiếp thị" nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông dân. Những vụ nuôi liên tiếp thành công đã mang đến niềm vui cho cả người dân và Đảng ủy, chính quyền xã Phong Thạnh Tây. Cả 12 hộ nghèo được chọn áp dụng mô hình nuôi dê đều thoát nghèo bền vững, nhiều hộ khác, tuy… không nghèo cũng áp dụng mô hình, từ đó không chỉ kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn nâng số hộ khá giả lên; nhiều xã khác kéo về Phong Thạnh Tây học tập kinh nghiệm về mô hình hiệu quả.
Không chỉ thành công với mô hình nuôi dê, Võ Hoàng Phương còn được nhắc đến như một cán bộ cơ sở hết mình với công tác xóa đói giảm nghèo. Hỏi về khó khăn, nhất là đi vận động các loại quỹ An sinh xã hội, Xóa đói giảm nghèo, Phương trả lời không chút đắn đo: “Đâu có gì khó, cứ làm hết mình thì được thôi”. Còn chị Nhân thì thẳng thắn “chẳng ngại “đụng chạm” với các ngành, chỉ sợ không giải quyết được vấn đề cho dân”. Hóa ra, điểm chung của những cán bộ cơ sở này là sự quan tâm đến đời sống người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Và tôi tin, vẫn còn nhiều, nhiều lắm những cán bộ cơ sở như thế - những “người đầy tớ trung thành với nhân dân” như lời Bác Hồ dạy - ở trong từng địa phương, luôn hết mình với người dân, chung tay cho cuộc sống thêm nhiều điều tốt đẹp hơn.
Lâm Anh
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024