Xuân Mậu Tuất 2018
Liên kết thực hiện chuỗi giá trị và tiêu thụ nông sản
Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một vấn đề quan trọng trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản (lúa gạo, con tôm) theo mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn, liên kết “4 nhà” tiêu thụ nông sản giúp nông dân trong tỉnh mở ra hướng sản xuất hiệu quả và bền vững.
Các công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản ký hợp đồng bao tiêu tôm nuôi trong nhà kín của Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: M.Đ
Sơ chế tôm xuất khẩu. Ảnh: M.Đ
Bạc Liêu có 121 hợp tác xã (HTX) với gần 30.000 thành viên; trong đó, 78 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Khu vực HTX có hơn 4.000ha đất trồng lúa 2 - 3 vụ, hơn 400ha đất nuôi tôm, bình quân hàng năm sản xuất hơn 44.000 tấn lúa và hơn 110 tấn tôm nguyên liệu.
Thời gian qua, tỉnh đã khuyến khích nông dân thành lập các HTX, tổ hợp tác (THT), xây dựng cánh đồng mẫu lớn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tạo vùng nguyên liệu rộng lớn để các công ty, doanh nghiệp thuận tiện trong việc bao tiêu nông sản. Qua đó đã có gần 8.000ha cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, quy mô cánh đồng từ 100ha trở lên.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Bạc Liêu, khẳng định: “Việc thành lập các HTX, THT để liên kết nông dân sản xuất và ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân là rất cần thiết. Qua đó ổn định đầu ra sản phẩm và tránh được khâu trung gian ép giá”.
Ông Nguyễn Văn Đáng (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) có 3,5ha đất sản xuất lúa. Công ty Quốc tế Gia đầu tư lúa giống và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ông Đáng (mua bằng giá thị trường và cộng thêm tiền công 2.000 đồng/giạ). Ông Đáng bày tỏ: “Lúc đầu tôi và một số nông dân cũng lo lắng. Song, sau khi thu hoạch, giống lúa Nàng Hoa 9 cho năng suất đến 8 tấn/ha, cá biệt có nơi hơn 10 tấn/ha. Sản phẩm được Công ty Quốc tế Gia bao tiêu toàn bộ”.
Các công ty, doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân. Ảnh: M.Đ
Từ đầu năm 2017 đến nay, các công ty như Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty Cổ phần Quốc tế Gia, Công ty Thuận Minh, Công ty Hiếu Nhân, Công ty Lương thực Bạc Liêu, HTX Vĩnh Cường, Công ty Đất Phù Sa, Công ty An Gia Nông, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, HTX Thạnh Trị, Công ty TNHH MTV HB Bạc Liêu, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty TNHH Phân bón Cửu Long, Công ty Á Châu New... đã thu mua hơn 100.400 tấn lúa cho nông dân. Riêng vụ hè thu, các công ty, doanh nghiệp đã bao tiêu hơn 50.400 tấn lúa, chiếm 16,7% tổng sản lượng lúa. Các loại lúa được thu mua là OM 5451, OM 4900, OM 6976, Lộc trời 1, Nàng Hoa 9, RVT...
Theo anh Trịnh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường: “Ngoài thu mua lúa Nàng Hoa 9 cho các thành viên, HTX còn hỗ trợ và bao tiêu lúa của nông dân các huyện: Hòa Bình, Phước Long, Vĩnh Lợi. HTX Vĩnh Cường đã đầu tư và bao tiêu sản phẩm đầu vào cũng như đầu ra cho nông dân Bạc Liêu với gần 2.200ha lúa; còn bao tiêu lúa cho nông dân ở An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh khoảng 2.000ha. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua lúa đến một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL”.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh cũng quan tâm, khuyến khích nông dân thực hiện mô hình liên kết chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; thành lập HTX, THT để các công ty, doanh nghiệp thuận tiện trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Điển hình là Công ty Cổ phần tôm miền Nam ký kết mua tôm trong 3 năm đối với HTX Thành Đạt (xã Long Điền, huyện Đông Hải), THT 30/4 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) và THT Thành Công 1 (xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai). Đồng thời công ty hỗ trợ 50% tôm giống cho các thành viên trong HTX, THT nuôi tôm.
Hay Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú ký hợp đồng với HTX Đồng Tiến và THT Tiền Phong tiếp tục thực hiện nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn Global Gap/ASC với diện tích 352ha của 204 hộ dân (xã Định Thành, huyện Đông Hải). Cùng với đó là ký kết bao tiêu sản phẩm (197,5ha nuôi tôm) cho THT nuôi trồng thủy sản ấp Thuận Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) và THT nuôi trồng thủy sản Long Điền Đông (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) gồm 496ha...
Không chỉ tôm và lúa, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã kết nối để doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ muối. Đơn cử như Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đã hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ muối trải bạt với diêm dân (gồm 43ha); thu mua với giá tương đương thị trường tại thời điểm thu hoạch. Nhiều hộ diêm dân cũng chuyển đổi từ làm muối kém hiệu quả sang nuôi Artemia. Sản phẩm trứng Artemia của nhiều hộ dân cũng được HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu thu mua.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Thực hiện giá trị chuỗi liên kết, ngành Nông nghiệp tỉnh đang kêu gọi các công ty, doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu nông sản cho các HTX, THT và nông dân nhằm đảm bảo đầu ra cho nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước khắc phục tình trạng trúng mùa rớt giá”.
Minh Châu
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024