Xuân Mậu Tuất 2018
Nẻo về
(Bài viết đoạt giải Ba toàn quốc cuộc thi viết “Vì một mái ấm bình yên” do Bộ Công an phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức, phát động từ tháng 4/2016 đến tháng 12/2017).
Tôi hẹn anh mấy lần mới có thể gặp được. Không phải anh khó khăn hay cố tình không muốn gặp tôi. Mà vì nghề thợ hồ, những ngày giáp tết luôn là lúc bận rộn nhất. Vô xóm nhỏ hỏi thăm nhà anh, hỏi thăm anh, nghe ai cũng khen: “Anh Nhỏ hiền lắm, từ ngày đi trại về, ảnh thay đổi tính tình luôn. Giờ ảnh tốt lắm!”.
Quá khứ lỗi lầm
Gặp được anh Ngô Văn Nhỏ (sinh năm 1964, ngụ số 005, khóm 8, phường 3, TP. Bạc Liêu) tôi thật sự bất ngờ. Bởi gương mặt anh hiền queo, nụ cười cũng hết sức chất phác. Anh mặc chiếc áo sơ mi bạc màu, đôi bàn tay rám nắng, bối rối cứ mân mê mãi cái nón tai bèo sờn cũ. Nghe tôi đề nghị chụp ảnh chân dung, anh cứ lúng búng trong miệng: “Sáng đi làm hồ, không có mặc đồ đẹp”, có vẻ anh ngại khi thấy tôi đưa máy ảnh lên. Nhưng đối với tôi, chân dung của một người lao động như anh mới chân thật, mới lay động người khác bởi vẻ đẹp của sự bình dị, của tình yêu lao động. Bởi từ những giọt mồ hôi ấy, từ đôi bàn tay ấy, đã có những ngôi nhà mới mọc lên, và lấp loáng đằng sau con hẻm nhỏ, có một người vợ hiền với 3 đứa trẻ ngoan mỗi chiều vẫn chờ ba về.
Kể về quá khứ của mình, anh Nhỏ vẫn còn rưng rưng. Anh sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em. Tuổi thơ cơ cực, gia đình chỉ sống bằng những nghề lao động tay chân. Anh Nhỏ được học tới lớp 2 rồi nghỉ, mới 13, 14 tuổi là đi theo người ta phụ hồ, trộn vữa, làm đủ thứ việc vặt của một cu li. Đến tuổi lập gia đình, vợ chồng anh vẫn tay trắng. Mái nhà không có, vợ chồng anh che đỡ cái chòi nhỏ xíu bằng cây lá rừng sống tạm.
Anh cũng đi làm hồ để sống, nhưng với hoàn cảnh như vậy, với cuộc sống túng quẫn quanh năm khiến cái thằng người trong anh luôn trở thành bất nhẫn. Làm xong về là nhậu, nhậu với bạn làm hồ, nhậu ở nhà. Nhậu xong về thì rượu vào lời ra, nhà cửa hễ có anh ở nhà là thế nào cũng ồn ào, chửi mắng nhau. Cả xóm phải khổ sở với cái nóc gia - nhà không ra nhà của gia đình anh Ngô Văn Nhỏ - nhưng cứ thường xuyên gây rối “dậy” làng trên xóm dưới. Chửi trong nhà chưa đã, anh chửi luôn bà con họ hàng nội ngoại. Ai cũng ngán ngẩm, chính quyền cũng giáo dục nhiều lần nhưng bất trị. Cuối cùng, anh bị phường làm thủ tục, rồi Công an TP. Bạc Liêu bắt đưa đi vào cơ sở giáo dục 12 tháng.
Anh Ngô Văn Nhỏ làm thuê tại một công trình. Ảnh: K.P
Nẻo về tươi sáng
Đó là khoảng thời gian đầu năm 2013, trước khi anh đi cơ sở giáo dục. Khi cầm quyết định đưa đi cơ sở giáo dục, thật sự lúc này anh Nhỏ mới hối hận.
Anh Nhỏ nhớ lại: “Nhà tui ở gần nhà anh Bắc, Trưởng Công an phường 3. Anh Bắc chính là người đề nghị đưa tui đi cơ sở giáo dục vì ở địa phương nói hoài mà tui không nghe. Khi tui đi rồi, anh Bắc với mấy anh em công an phường thường xuyên giúp đỡ gia đình tui. Có chế độ chính sách gì hỗ trợ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là vợ con tui có trước. Nói thiệt, tui biết ơn mấy ảnh lắm, biết ơn anh Bắc lắm!”.
Không chỉ thế, nhờ chấp hành tốt, chỉ 10 tháng sau, tức tới tháng 10/2013, anh Nhỏ được cho về địa phương. Thực hiện Kế hoạch số 33, 35 về việc giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, dưới sự bảo trợ của Công an phường 3, UBND phường 3 và các ngành, đoàn thể đã xây cho gia đình anh Nhỏ một căn nhà tình thương. Từ cái mái lá xập xệ, giờ gia đình anh đã có được một mái nhà đúng nghĩa. Mưa nắng không còn sợ cảnh phải căng bạt cao su, lấy xô chậu mà hứng. Lực lượng Công an phường 3 thường xuyên hỗ trợ gia đình anh Nhỏ, đã cho hơn 200kg gạo. Khi nhà anh có hữu sự cũng đã vận động mạnh thường quân lo quan tài cho cha vợ anh và lo ma chay giúp gia đình. Đối với bản thân anh Nhỏ, ngày trở về, Công an phường 3 vận động tiền mua cho anh chiếc xe gắn máy làm phương tiện chạy xe ôm, kiếm tiền vào những lúc nghề làm hồ không có công trình.
Từ một người không thấy niềm vui vào cuộc sống, chán nản chỉ muốn mượn rượu để giải sầu, để kiếm chuyện với đời, làm phiền hàng xóm láng giềng, lấy không biết bao nước mắt của vợ bởi gia đình lúc nào cũng bất hòa, thiếu hạnh phúc, giờ anh Nhỏ đã thay đổi hoàn toàn. Hiện giờ, anh còn là “tai mắt” của lực lượng công an phường, bản thân đã cung cấp cho công an 38 tin có giá trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Sự giúp đỡ, quan tâm lo lắng chân tình của lực lượng công an địa phương đã làm thay đổi con người anh Ngô Văn Nhỏ. Nó giúp anh có động lực để sống một cách đàng hoàng. Hai con anh đã vào lớp 6 một trường có tiếng của tỉnh. Còn anh, cuộc sống đã rất ổn định. Bởi anh biết, sau lưng anh, vẫn có những người chiến sĩ công an âm thầm ủng hộ mình.
Thượng tá Bùi Xuân Khởi (Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh)
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024