Xuân Mậu Tuất 2018

Nghị lực của một cô gái tật nguyền

Thứ Sáu, 26/01/2018 | 14:00

Trên sân khấu Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về người khuyết tật tỉnh Bạc Liêu năm 2017, tiếng hát của cô gái có đôi chân tật nguyền khiến cả hội trường lặng im phăng phắt. Bài ca cổ “Cung đàn sương gió” do em trình bày không chỉ đạt điểm cao nhất trong số 8 đội dự thi mà quan trọng hơn, em muốn gửi gắm đến mọi người một nghị lực sống, khát vọng vươn lên của những phận đời kém may mắn trong xã hội...

Ngô Thị Sương thể hiện phần thi văn nghệ tại Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về người khuyết tật tỉnh Bạc Liêu năm 2017. Ảnh: T.Đ

Với những người mộ điệu ca cổ cải lương trong tỉnh, nếu đã một lần gặp Ngô Thị Sương chắc hẳn sẽ thấy ngưỡng mộ trước nghị lực vươn lên của một cô gái đặc biệt. Cái tên của em như đã nói lên một phần cuộc đời sương gió. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo (ở ấp An Nghiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình), ngay khi còn bé, Sương đã gánh chịu một cơn sốt bại liệt. Trưởng thành với một bên chân tật nguyền nhưng em vẫn hạnh phúc vì luôn nhận được tình yêu thương của gia đình, bè bạn. Gồng mình trên chiếc gậy thân quen, Sương đã bước bộ trên quãng đường dài theo học văn hóa cho tới cấp 2, sau đó học nghề rồi trở thành một thợ may giỏi.

Không dừng ở đó, giọng hát “trời cho” của Sương như một điều kỳ diệu. Em cho biết: “Lên 6 tuổi, em đã biết hát bập bẹ ca cổ cải lương. Cha là thầy đờn nên ngày nào em cũng được cha dạy nhịp ca cổ. Ngày qua ngày rồi niềm đam mê ca hát cải lương của em đã thấm vào máu”. Sương xác định đây là nghề chính để vun đắp cho tương lai của mình.

Tại Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về người khuyết tật năm 2017, Sương đã thuyết phục Ban giám khảo bởi chất giọng ngọt ngào kể lại cuộc đời của mình bằng tiếng hát. Thạc sĩ Vưu Long Vĩ, Trưởng Ban giám khảo hội thi, nhận xét: “Dù có khiếm khuyết cơ thể nhưng bù lại, Sương đã sở hữu một năng khiếu trời cho, một giọng hát thiên phú và một tâm hồn cao đẹp”.

Vượt ra khỏi sân khấu “ao làng”, ít ai nghĩ rằng, cô gái tật nguyền thôn quê ấy dám thử sức mình ở một sân chơi chuyên nghiệp “Đường đến danh ca vọng cổ” do Công ty Điền Quân và Đài Truyền hình TP. HCM phối hợp tổ chức. Trong số hơn 3.000 thí sinh đăng ký tham gia chương trình, Sương đã tự hào được chọn. Trên sóng truyền hình HTV7, giám khảo chương trình, nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long nhận xét: “Em là thí sinh mở màn chương trình “Đường đến danh ca vọng cổ” năm 2017, lại là người khuyết tật nên anh rất cảm kích”. Còn huấn luyện viên của Sương - nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ tâm đắc: “Sương có chất giọng ngọt ngào, gương mặt rất sáng sân khấu. Mặc dù khuyết tật nhưng khuyết điểm đó không lớn so với những gì em thể hiện”. Riêng với nghệ sĩ ưu tú Thanh Hằng thì: “Giọng hát của Sương đúng như một nghệ sĩ vọng cổ cải lương. Em hát dấu sắc rất tốt, dấu huyền cũng được, dấu nặng cũng rất hay… Trong lời ca của em luôn có diễn xuất, có hồn. Và đặc biệt giọng hát của em giống như có tiếng chuông vang”. Ấn tượng đó, thành công đó thay cho những lời Sương từng tâm sự: “Để giã từ chiếc gậy thân quen, Sương phải trải qua 3 lần phẫu thuật trong cơn đau khó tả. Giờ thì em đã cháy hết mình cho đam mê, gạt bỏ tất cả mặc cảm cuộc đời để đến với con đường nghệ thuật”. Đi đến tập 7 của chương trình, Sương đành gác lại “đường đua” trong sự nuối tiếc của khán giả vì hoàn cảnh gia đình quá đặc biệt.

Dẫu hành trình chưa trọn vẹn, nhưng thí sinh Ngô Thị Sương đến từ quê hương bản Dạ cổ đã khẳng định được tài năng và bản lĩnh của mình, để lại trong lòng công chúng nhiều cung bậc cảm xúc.

So với những người lành lặn, Sương là người kém may mắn. Thế nhưng, em vẫn không muốn sống cho riêng mình mà mơ ước của em, nếu như Bạc Liêu thành lập được đoàn ca sĩ, nghệ sĩ từ thiện đi hát để gây quỹ giúp người khuyết tật, người nghèo thì Sương xin được tham gia để giúp nhiều người còn khốn khó hơn mình. 

DANH TẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.