Xuân Mậu Tuất 2018

Xuất khẩu thủy sản 2018: Hướng đến phát triển bền vững

Thứ Ba, 27/02/2018 | 10:18

Chế biến thủy sản xuất khẩu được coi là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của Bạc Liêu, góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm phát triển và giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng ngàn lao động của địa phương. Thế mạnh này sẽ được phát huy và tạo thêm những cú hích mới cho xuất khẩu khi Bạc Liêu quyết tâm làm giàu từ con tôm.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu chứng kiến buổi ký kết hỗ trợ vốn giữa Ngân hàng Vietinbank và doanh nghiệp. Ảnh: Minh Triết

Năng động, thắng lớn

Năm 2017 được đánh giá là năm hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và tưởng chừng khó đạt kế hoạch đề ra. Bởi, cùng với khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, ứng phó với những rào cản khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ… doanh nghiệp còn phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều nước xuất khẩu mạnh khác về giá bán, thị trường và cả các hình thức thanh toán mà doanh nghiệp khó có thể lường trước được các rủi ro... Vì vậy, một số doanh nghiệp xuất khẩu chỉ dám hoàn thành các đơn hàng đã ký kết trước đó và chưa mạnh dạn tăng công suất chế biến, mở rộng hay phát triển thêm thị trường mới.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh đã năng động vượt qua bằng việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất mới để nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết với nông dân, nhà khoa học. Qua đó xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phá vỡ các rào cản bằng việc hoàn thành các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm và tiếp tục khẳng định thương hiệu là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Điển hình như Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Âu Vững (gọi tắt là Công ty Âu Vững, nằm trên địa bàn TX. Giá Rai) đã đầu tư hơn 372 tỷ đồng để xây dựng nhà máy và dây chuyền sản xuất hiện đại nhất của ngành tôm hiện nay. Đặc biệt, Công ty Âu Vững đã xây dựng chuỗi liên kết nuôi tôm bền vững với nông dân và đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC với Tổ hợp tác Quyết Tâm (xã Phước Long, huyện Phước Long) với trên 360 hộ nông dân. Mô hình này sẽ được nhân rộng trong năm 2018 gắn với dự án tăng năng suất, chất lượng cho con tôm Bạc Liêu đến năm 2020. Cuối năm 2017, Công ty Âu Vững đã được đại diện Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) trao chứng nhận BAP (Best Aquaculure Practices - Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất).

Đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, BAP 4 sao là chứng nhận danh giá và cấp cao nhất của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu xây dựng với mục đích không chỉ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thủy sản chất lượng, mà còn gắn nhà sản xuất với trách nhiệm môi trường, xã hội mà họ đang sống.

Cùng với tổ chức lại sản xuất đảm bảo đầu vào và chất lượng cho đầu ra, Công ty Âu Vững còn không ngừng mở rộng thị trường thế mạnh của công ty như các nước châu Âu, Canada, New Zealand, Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập , Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Ai Cập, Nam Phi và các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nga...

Với những giải pháp hiệu quả và năng động, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, năm 2017, tổng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của Công ty Âu Vững đạt hơn 109 triệu USD, tăng hơn so với năm 2016 trên 44 triệu USD, góp phần cho kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh đạt trên 512 triệu USD và tăng 13,62% so với cùng kỳ.

Nâng cao giá trị

Một tín hiệu đáng mừng cho năm 2018 là chế biến thủy sản xuất khẩu đang hướng đến việc nâng cao giá trị gia tăng cho con tôm.

Những năm trước đây, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất khẩu tôm đông và chủ yếu là xuất thô mang lại giá trị không nhiều, thì năm 2017 nhiều doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất nguyên liệu thô với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn. Đồng thời hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

Tiêu biểu như Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (TP. Bạc Liêu) đã đa dạng hóa các mặt hàng chế biến và tập trung chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng. Để sản xuất các mặt hàng này, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gần 10 tỷ đồng và tổ chức dạy nghề cho công nhân chế biến. Giải pháp tích cực trên đã giúp cho hoạt động sản xuất của công ty tiếp tục phát triển, đạt 180 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Năm 2018 được xem là năm có ý nghĩa đặc biệt cho ngành nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu của tỉnh khi hàng loạt các dự án, mô hình liên kết sản xuất được triển khai. Con tôm xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp, nông dân làm giàu khi thế mạnh này chuẩn bị bước sang một giai đoạn bứt phá mới để tăng tốc, nâng cao giá trị và phát triển bền vững. 

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.