Xuân Nhâm Dần 2022

Bạc Liêu Hồi đó... và bây giờ

Thứ Ba, 08/02/2022 | 14:21

Thật ra, đặt tựa đề này, tác giả có phần mạo hiểm. Bởi không thể gói gọn hàng trăm năm tính từ thời Bạc Liêu khai thiên lập địa để hầu chuyện bạn đọc trong văn chương góp nhặt ít ỏi thế này. Cho nên, hãy xem đây là những nét phác thảo để hình dung về một Bạc Liêu cách nay vừa đủ... xa, và có một phép so sánh rằng: hồi đó thì thế, bây giờ được thế...

Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Một đồng nghiệp công tác ở báo bạn tận miền Bắc xa xôi, mỗi lần thăm hỏi nhau lại nhắc với tôi về nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu... Một lần cách đây vài năm, tôi lang thang quán cóc ở thủ đô Hà Nội, nhìn bộ dạng lớ ngớ, chủ quán hỏi từ đâu đến, tôi trả lời xong, họ liền nói: “À, thì ra là dân Công tử Bạc Liêu đây mà”...

Thế đó, Bạc Liêu nổi tiếng khắp nơi, để lại dấu ấn trong lòng người đến bởi những gì mình đang có, là của để dành mà người xưa để lại cho con cháu bây giờ.

Vườn chim Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C

GIỮA PHỐ NGHE BÌM BỊP KÊU CHIỀU

Nhà tôi có một góc ngồi viết lách rất êm. Ngó ra cửa sổ thấy ngay rặng dừa nước sà ngọn là đà mé kênh. Ở sát nơi ồn ào náo nhiệt với chợ búa, công trình..., thế mà chiều chiều tiếng bìm bịp lại vang rền một nhánh kênh, dưới gốc rặng dừa nước. Nó đánh vào tâm thức của một người viết lách như tôi những cảm xúc sâu thẳm về một Bạc Liêu xưa, “Bạc Liêu là xứ cơ cầu/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”.

Thì thật là như thế, Bạc Liêu xưa, hồi cái thời khẩn hoang vốn là xứ quê mùa, đất rộng người thưa, cá tôm thừa mứa dưới sông, trên trời chim muông ríu rít, từng đoàn người tha phương tứ xứ mới về đây lập nghiệp, anh em Kinh - Khmer - Hoa đùm bọc nhau kể từ đó. “Đất lành chim đậu” ở nơi này, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế mới có cái vườn chim trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn chim Bạc Liêu đến bây giờ. “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”, âm thanh bìm bịp dự báo con nước lớn ròng cũng vào câu hát ru...

Trong một tư liệu viết về lịch sử hình thành và phát triển Bạc Liêu có đề cập: “Bạc Liêu hồi thời Pháp thuộc rất sung túc, dân cư đông đảo, là xứ ăn xài, lắm khách hào hoa phong nhã, chợ búa mua bán phồn thịnh, nền kinh tế dồi dào. Cho đến khi Chính phủ Ngô Đình Diệm chấp chánh, tỉnh Bạc Liêu bị sáp nhập vào tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng cũ), trước kia thịnh vượng đông đảo bao nhiêu, bây giờ lại hóa ra u trệ bấy nhiêu. Vì bỗng dưng bị thu hẹp lại thành một quận là quận Vĩnh Lợi, trọn 9 năm châu thành Bạc Liêu lâm vào cảnh vắng vẻ, nền kinh tế bị sụp đổ, du khách có dịp đi ngang qua cảm tưởng cho là một tỉnh bị chiến tranh tàn phá”.

Bạc Liêu tự cổ chí kim, là bao lần tách - nhập, trải lắm biến thiên như thế!

Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh đã được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2020.

DI SẢN CHO HẬU THẾ

Nhưng có một điều không thể phủ nhận, dù gì thì lịch sử với bao thăng trầm đó cũng để lại cho Bạc Liêu những di sản quý giá. Một nhà Công tử Bạc Liêu trơ gan cùng tuế nguyệt mà giờ đây ai đến nơi này cũng muốn được diện kiến. Những câu chuyện ăn chơi tiêu tiền của cậu Ba Huy (Trần Trinh Huy), dù bị phê bình thói phung phí nhưng cũng có ý kiến “bênh vực” - đó là hiện thân lối sống phóng khoáng của người Bạc Liêu ở cái “xứ ăn xài, lắm khách hào hoa phong nhã” như nhận định trên. (Cậu Ba tuy tiêu tiền như nước nhưng rất thương kẻ tôi tớ và sau này còn đóng góp cho cách mạng...).

Chiến tranh ly loạn đau thương, nhiều thầy đờn ở Bạc Liêu cũng gióng lên những tiếng lòng thành bài ca bất hủ. Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đâu đơn thuần là nỗi lòng nhớ vợ mà còn là tiếng ai oán thời cuộc khiến chia lìa đôi ngả phu thê. Chính vì trân trọng tiền nhân mà một khu mộ - nơi yên nghỉ của người nhạc sĩ ấy theo thời gian đã trở thành khu di tích quốc gia, một bảo tàng nghệ thuật ĐCTT như nhận định của giới chuyên môn, ai từng đến Bạc Liêu là phải thăm viếng để hiểu thêm về ĐCTT Nam Bộ với đóng góp của bản Dạ cổ hoài lang. Và Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh - thành lũy chở che cho cách mạng năm xưa - giờ cũng thành Khu di tích quốc gia đặc biệt, là tài sản vô giá cho Bạc Liêu hôm nay và mai sau nữa... Thành Hoàng cổ miếu, đình An Trạch, đình Tân Long... những đình làng, miếu mạo năm xưa dân mình lập nên để thờ tự các vị tiền nhân có công lập đất, giữ làng giờ cũng thành di tích được bảo vệ, gìn giữ như “của để dành” cho con cháu hậu thế.

Công trình điện gió kiến tạo nên vẻ hiện đại, năng động cho biển Bạc Liêu hôm nay. Ảnh: H.T

ÁO MỚI BẠC LIÊU

Sau bao lần tách - hợp, năm 1997, Bạc Liêu chính thức ra riêng và tự lập cho đến nay, tròn một phần tư thế kỷ. Cái mốc “lập thân, lập nghiệp” ấy cũng không thể nào quên khi mới vừa chập chững những bước đi đầu tiên, Bạc Liêu - Cà Mau gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn bão Lin-da. Thôi thì ngày tư ngày tết không nên gợi lại đau thương. Nhắc chỉ để thấy trải qua muôn vàn khó khăn như vậy, Bạc Liêu hôm nay đã khoác chiếc áo mới tinh tươm.

Chiếc áo mới đó, ít nhất là trên một tuyến đường dài ra biển lớn. Năm 1997 - 1998, tôi và chúng bạn ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, lễ lộc nghỉ học là tụ nhau ra biển. Con đường đất đá gồ ghề, chạy xe bể bánh miết mà cứ đi. Nắng nôi, xa tít cũng lặn lội ra bờ biển bắt con còng gió, cá thòi lòi. Biển còn hoang vu với vạt mắm sát bờ. Hồi chưa có dịch bệnh, thi thoảng mấy đứa bạn làm việc ở Sài Gòn về lại hẹn nhau ra biển Bạc Liêu để ôn lại kỷ niệm xưa. Dọc cửa biển là quán hải sản san sát, và những cánh điện gió bạt ngàn tạo nên sự năng động cho bờ biển. Cách đây chừng 2 năm, bạn học tôi, PGS-TS Kha Chấn Tuyền (Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) dẫn một đoàn giảng viên, nghiên cứu sinh người Ấn Độ về Bạc Liêu để tham quan cánh đồng điện gió và tìm hiểu quy trình nuôi tôm sạch ở Bạc Liêu. Họ trầm trồ ngợi khen Bạc Liêu, mảnh đất tận cùng Tổ quốc mà mọc lên những công trình bề thế tầm quốc gia. Còn hiện tại, đâu chỉ bờ biển trên địa phận TP. Bạc Liêu mà ở các huyện: Hòa Bình, Đông Hải, nhiều công trình điện gió đã vươn cao, để hiện tại và tương lai Bạc Liêu sẽ khẳng định vị thế kinh tế, vị thế du lịch trên bản đồ đất nước bởi những dự án năng lượng sạch, làm giàu cho quê hương xứ sở.

Từ cổ chí kim, điểm sơ đôi nét, mới thấy Bạc Liêu đang vươn mình ra biển lớn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bằng cách gìn giữ, vun bồi của cải, vốn liếng tiền nhân để lại, huy động trí lực, tâm huyết của người hôm nay, Bạc Liêu đang bước dài và rộng bằng đôi chân vững chãi.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.