Xuân Nhâm Dần 2022

Nhớ nghề

Thứ Ba, 08/02/2022 | 14:30

Nói nhớ nghề - nhưng thật ra là nhớ người. Người ở đây là người làm báo, làm nghề. Nên nhớ nghề hay nhớ người cũng chỉ là một mà thôi. Nhớ người, nhớ nghề và nhớ những ân tình không phai nhạt.

Lãnh đạo Báo Bạc Liêu qua các thời kỳ. Ảnh: H.T

Vâng, những ân tình, những kỷ niệm ngọt bùi, gian lao, hạnh phúc mà tôi sắp kể ra đây sẽ không đầu, không đuôi, không thứ tự, lô-gíc, bởi thời gian 25 năm không phải quá dài, nhưng cũng không phải ngắn. Ngày tháng cứ thế trôi, sự kiện, công việc thì đầy ắp, cái còn nhớ, cái đã quên, cái đọng lại, cái muốn quên đi mà vẫn luyến lưu, da diết trong dòng cảm xúc của tình đời, tình người, tình đồng chí, đồng nghiệp, anh em bạn bè. Có cái đã được khắc ghi, có cái chưa có điều kiện định dạng… Chỉ biết rằng đó là những kỷ niệm của những gắn kết yêu thương, bền chặt, tạo thành hình hài Báo Bạc Liêu 25 năm hình thành và phát triển trong tiến trình tái lập, từ cái mốc 1/1/1997.

Và đến đây tôi chợt nghĩ, lần kỷ niệm 25 năm sau (2047) liệu ai còn, ai mất, liệu rồi có ai còn nhớ những ngày anh em, đồng chí, đồng nghiệp của chúng ta đã trải qua?... Thôi thì cái gì còn nhớ hôm nay tôi xin gom góp để nhắc nhau nghe dù những điều nhỏ nhất, những kỷ niệm nhỏ nhất mà tôi và chúng ta cùng nhớ lại để “làm quà” nhân kỷ niệm 25 năm tái lập Báo Bạc Liêu, để mà ngẫm, mà thương, mà nhớ, để rồi sống tử tế hơn đến trọn một kiếp người dấn thân vào cái nghiệp báo chí vinh quang mà cũng đầy nghiệt ngã này…

Nhà báo Duy Hoàng

Câu chuyện kể của tôi xin được bắt đầu bằng một nhân vật khá đặc biệt của Báo Bạc Liêu - nhân vật đó không phải là anh Bảy Chánh - Tổng Biên tập đầu tiên, thủ lĩnh của 16 anh, chị em gồng gánh nhau về để lập ra tờ báo Bạc Liêu 1997. Anh là người đi trước về sau (độ 7, 8 tháng gì đó sau thành lập báo) anh mới về. Đi trước, là vì nghe đâu từ những năm kháng chiến, anh đã là phóng viên của Báo Chiến Đấu - trước tất cả anh em hôm nay, về sau là vì: Anh là người làm báo… “hợp đồng không văn bản, hợp đồng vì… tình thương”. Người tôi muốn nói là “cụ nhà báo Tô Đoàn Hùng”. Chính cái chất “cụ báo” đã tạo ra một Tô Đoàn Hùng làm báo cẩn trọng và cũng rất cẩn… chậm (xin được mượn từ này để tả về anh)! “Cẩn trọng và cẩn chậm” đến nỗi, Tòa soạn mua cho anh bao nhiêu cây bút để làm biên tập, anh đều cho vào ngăn kéo, cẩn thận khóa kín, đến khi không còn bút, lấy ra dùng thì mực đã “đông cứng” phải đem đi hơ lửa, nhưng khi hơ lửa thì mực lại quện ra, nên bản thảo biên tập như là ma trận của một bức tranh sơn dầu, không tài nào đọc nổi…

Nhưng chính cái cẩn trọng và độ “chậm như rùa bò” của anh lại là mẫu hình cho những người nối tiếp. Đỗ Điều - họa sĩ Đỗ Điều, không biết có phải là “nguồn” của anh không - nhưng về độ chậm, độ cẩn trọng nếu đem phân cấp thì cũng thuộc hàng “phó… thường trực”. Anh em nói vui, Đỗ Điều khi đứng trên lưới bóng chuyền trong vai trò tấn công, khi nhảy lên Đỗ Điều quan sát bên đối phương có chỗ nào sơ hở, rồi từ từ ngoái nhìn lại phía sân nhà, xem đội hình bố trí chặt chẽ chưa, xong xuôi anh mới đưa bóng qua lưới đối phương… Có điều rất “hay” là khi đó trái bóng đã rớt xuống mặt sân tự khi nào! Vận dụng tối đa “bài học bóng chuyền” vào khâu trình bày mặt báo với vai trò là họa sĩ, Đỗ Điều cũng luôn phát huy tích cực tố chất này, nên Đỗ Điều luôn là người “đứng dậy” sau cùng trong những ngày làm báo. Có người bảo Đỗ Điều “chậm mà chắc”, nhưng cũng có người bảo Đỗ Điều là… Đồ Đểu (nói láy) vì sốt ruột chờ anh tỉ mẩn… Nhưng chắc ít ai biết rằng chính sự tỉ mẩn của anh đã cho ra đời măng-sét Báo Bạc Liêu sử dụng đến ngày nay.

Khác hẳn 1800 với 2 nhân vật trên là tính “phi mã” của một nhân vật khác, bất kỳ chuyện gì bàn bạc với anh (cả trong cuộc sống, trong nghiệp vụ) thì đều được anh phản ứng nhanh bằng mấy âm thanh: “rồi, rồi, rồi” dù bất kể chuyện khó, chuyện dễ, chỉ khi nào trục trặc, anh lại vặn hỏi “vậy là sao?”, hoặc phán một câu xanh dờn: “Hết cách!”. Hồi còn làm báo Minh Hải, anh được phân công chụp ảnh các cô gái mặc bikini để giới thiệu về biển. Tất nhiên anh nhận nhiệm vụ tức khắc (rồi, rồi, rồi). Và ngay hôm sau, ảnh của anh đã được nộp đúng hạn. Khi đem ảnh ra đăng báo, thì các cô gái được cho là “tắm biển với bikini” lại có vài… “cọng cỏ nước ngọt” ló ra, mơn mởn… Thì ra, những cọng cỏ ấy là ở trong một ao làng nào đó mà anh đã dẫn các cô gái “tắm biển linh hoạt” cho nhanh, kịp nộp ảnh đúng thời gian. Biên tập đặt vấn đề về những cọng cỏ “tai hại”. Anh lại hỏi: “Vậy là sao?”. Và “…hết cách”, vì thời đó đâu có máy quét ảnh như bây giờ… Anh là ai chắc mọi người đã rõ? Anh là Anh Rô - Đặng Anh Rô - nguyên Trưởng phòng Trị sự Báo Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu.

Người đồng cấp Trưởng phòng Trị sự với Anh Rô là Đào Hoàng Kiền (Huế Kiền). Huế Kiền là cán bộ Bắc kỳ duy nhất của Báo Bạc Liêu - cái “duy nhất” đồng nghĩa với “quý hiếm” nhờ tính nết dễ thương, xuề xòa, vui vẻ, hòa đồng. Và cũng nhờ cái tính dễ thương đó nên anh được giao trọng trách Trưởng phòng Trị sự khi không có một chút “nghiệp vụ lộn lưng”. Vậy mà Huế Kiền vẫn xông xáo, nhiệt tình, làm luôn cả 3 vai (vừa là trưởng phòng, vừa là kế toán, vừa là thủ quỹ). Anh đề nghị xuất tiền, rồi chính anh duyệt và cũng chính anh lấy tiền ra… “chi vô tư” không cần nguyên tắc… Bây giờ nhắc lại mới thấy giật mình, nhưng cũng rất may, thời gian Huế Kiền “vô tư” không nhiều, chứ không thì Tòa soạn Báo Bạc Liêu chắc đã được “cầm cố” lâu rồi!

Một nhân vật gây tốn kém kinh tế Tòa soạn không ít - đó là Trần Xuân Linh - cái việc gây tốn kém của anh rất khó thấy vì nó luôn gián tiếp, thông qua việc… uống trà. Theo thống kê chưa đầy đủ từ thủ quỹ cơ quan; mỗi ngày Xuân Linh “ăn” gần đến một nửa ký trà (trà Bắc). Mà trà Bắc ở cái thời giao thương còn tắc nghẽn, giá của nó tương đương với... vàng, gần 20 năm anh “ăn trà” như vậy thử hỏi là bao? Được cái bù lại, mỗi khi anh “tiêu thụ”… trà thì thế nào cũng “đẻ” ra được một bài tùy bút, một bản vọng cổ, hay một… lá bùa để dọa “ếm” - nhất là các cô gái mới về cơ quan tập sự. Anh cũng đã nghỉ hưu 5 năm rồi, buổi chia tay anh nhiều cô gái trẻ vẫn còn bịn rịn trách móc “sao chú không ếm... ếm em đi”!

Cũng ở dạng gây tốn kém Tòa soạn - nhưng khác Trần Xuân Linh là gây trực tiếp. Đó là “cặp đôi hoàn hảo” - vợ chồng Thạch Xuyên - Mỹ Nghi. Cặp đôi này gắn bó với Tòa soạn từ cái thời “hồn ai nấy giữ”, rồi góp lửa thổi cơm chung, rồi sinh con, đẻ cái, rồi làm sui, rồi thành ông bà nội như bây giờ, và cũng đã “lui binh” ngót nghét 3 năm. Thạch Xuyên từ cái thời... năm nẳm cho đến nghỉ hưu, không một chức vụ gì trong đoàn thể hay chính quyền, nhưng anh là người không thể thiếu: “cán bộ đường lối”, là “tay lái lụa” trong làng tài xế đồng bằng. Những năm của thời bao cấp, đời sống khó khăn, kham khổ, thiếu thốn triền miên; những cán bộ, phóng viên độc thân còn khốn khó, huống chi những cặp đôi như Thạch Xuyên - Mỹ Nghi. Vì vậy mà tới cái đỉnh điểm của sự thiếu thốn là gia đình này bao giờ cũng lục đục, cãi cọ ngay trong tập thể… khốn khó. Riết rồi cũng thành quen. Và y như rằng: Sau cái “cao điểm” cãi cọ đó, Thạch Xuyên bao giờ cũng có bảng “đề nghị sửa xe” - dù xe không có gì để sửa, để qua đây lòi ra những đồng bạc lẻ đắp đổi qua ngày từ những “bản kê thương lượng” với gara. Nhưng đó là chuyện của thời bao cấp, xa xưa. Nhắc nhớ kỷ niệm để mà ngẫm, mà thương, mà chia sẻ cho một thời làm báo xơ xác… nghèo!

Họp mặt kỷ niệm 20 năm Báo Bạc Liêu ra số báo đầu tiên (1/1/1997 - 1/1/2017). Ảnh: T.L

Ở Báo Bạc Liêu còn một cặp đôi nữa: Cặp đôi Hồng Hạnh - Lâm Hùng. Tôi nhắc Hồng Hạnh trước - Lâm Hùng sau vì trong quan hệ của “gia đình truyền thống” này cũng theo thứ tự đó. Hồng Hạnh - Lâm Hùng gắn bó với Báo Minh Hải rất lâu, nhưng với Báo Bạc Liêu chưa nhiều (chỉ vài năm sau tách tỉnh). Đây là cặp đôi nhạy bén với thời cuộc (nhưng chỉ Hồng Hạnh thôi, Lâm Hùng vẫn chất phác, mộc mạc như cây lúa, cây tràm nơi anh sinh ra). Từ việc nhạy bén với thời cuộc nên Hồng Hạnh đã “dụ” Lâm Hùng chuyển lên thành phố (Tây Đô) đầy tiềm năng để làm những tờ báo “tiềm năng” so với báo Bạc Liêu tỉnh lẻ. Tất nhiên Lâm Hùng đón nhận lời… “dụ” từ vợ mình giống như lời dụ đầu đời để anh thành chồng Hồng Hạnh…

Hồng Hạnh - Lâm Hùng vẫn còn kịp để lại những bài viết khá sắc sảo (cũng chỉ Hồng Hạnh thôi) dù thời gian lưu trú Báo Bạc Liêu không nhiều.

Một người cũng đang định cư ở Tây Đô, nhưng không phải để làm báo mà để nghỉ… hưu. Anh là người “đồ sộ” nhất trong làng báo chí về thể xác, nhưng lại rất “bé nhỏ” trong tình yêu.  Hơn 30 năm trước anh đã có mặt ở Báo Minh Hải và máu yêu đầu đời cũng đã chảy trong thân hình đồ sộ trong thời gian đó, khi nhìn thấy cô gái tên H. - nhân viên đánh máy của Báo Minh Hải mới được nhận vào (cô ấy vừa lấy được chồng bác sĩ ở cái tuổi sắp ngả về chiều). Có điều mắc mứu là dù có thân hình rất đồ sộ nhưng không đủ lực để “đẩy” ra được một tiếng yêu. Mỗi lần đối diện đối tượng thì lại luống cuống, nói toàn những chuyện “u bích bắn không tới”, để rồi T.X.L hướt tay trên, kể từ ngày đó, anh “khổng lồ đã biết khổ lòng” và tu nghiệp vào con đường báo chí, văn thơ. Anh là Trần Chí Thành - Phó tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, trước khi nghỉ hưu làm Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật, đã để đời cho người yêu tên H. một bài thơ, mà nếu ghép lại những chữ đầu câu sẽ thành lời thốt ra từ trái tim “Hương ơi anh yêu em” - Nhưng Hương bây giờ đã thành “vợ của người ta”!...

Nhóm văn chương ở Báo Bạc Liêu thì khá nhiều. Trong số đó có Phan Trung Nghĩa. Anh là người có mặt trong làng báo vào thập niên 80 ở thế kỷ trước. Trước khi làm báo anh đã là “nhà văn ở cấp… làng”! Làng của anh ở Bờ Xáng. Thấy anh mê văn chương, 2 người tiền bối là Trần Thanh Quang và Ngô Hải (khi đó làm việc ở Tỉnh đoàn) đã giác ngộ anh “đi làm cách mạng”. Đơn vị cách mạng đầu tiên đó là Báo Minh Hải ngày xưa, và anh gắn bó nghiệp báo, nghiệp văn cho đến bây giờ. Đọc văn của Phan Trung Nghĩa ta luôn bắt gặp cho dù có ngọt bùi, cay đắng ra sao thì quê hương (chắc là Bờ Xáng) vẫn là chùm khế ngọt, đó là truyền thống, là vốn quý trong anh. Giống như cái tật nói cà… lăm, bao nhiêu năm rồi anh vẫn giữ - như giữ một bản sắc rất riêng cho chính cuộc đời mình…

Người kế tiếp trong nhóm văn chương xin được kể đến là Lê Minh Toàn - Minh Toàn “chơi văn chương” là chơi tài tử, chơi để “đã nư” cuộc đời. Làm báo 30 năm rồi nhưng mê làm thơ hơn mê báo, lập gia đình cũng ngần ấy năm nhưng mê bồ bịch hơn mê vợ. Thơ Lê Minh Toàn bài nào cũng luôn “sặc mùi yêu”, yêu rất bản năng và yêu đến trần tục, “yêu đến lã mồ hôi” mà vẫn còn mê mải. Tính cách ấy cứ ngỡ Minh Toàn không thích nghi với nghề làm báo. Nhưng không, khi “lau sạch mồ hôi yêu”, ngồi vào bàn làm báo thì anh đã biến thành một hệ khác. Vẫn cần mẫn, miệt mài, chăm chỉ với công việc được giao - công việc biên tập báo. Minh Toàn hiện là Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn Báo Bạc Liêu. Nhưng khi hết giờ thì bản năng lại trỗi dậy…

Có một người không dính đến nghề báo, cũng không dính đến văn chương nhưng lại không thể thiếu trong vai trò cơm - áo - gạo - tiền, để lo bát cơm lành, canh ngọt cho “những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”. Chị là cấp dưỡng Đặng Thị Ngọc Nga - người có mặt ở Báo Bạc Liêu trong những ngày đầu khốn khó - trước đó ở Báo Minh Hải một thời gian, chị vẫn trung thành tuyệt đối với vai trò này. Chính chị là người gom góp, dè sẻn chăm chút cho từng bữa ăn của tập thể cơ quan, làm sao để anh em đủ no, đủ chất để đủ sức làm cách mạng. Và cũng vì sự chăm chút “trên cả nhiệt tình” ấy mà tập thể cơ quan không ít lần còn được chị “bổ sung thêm dưỡng chất đặc biệt”: Lông mèo! Những sợi lông mèo có được trong thức ăn là vì quanh chị bao giờ cũng có “một đội quân mèo” mà chị thương yêu, nâng niu vỗ về chúng như những đứa con của mình…

Người thứ 15 xin được nhắc đến, nhưng tôi sẽ không viết về anh một dòng nào - vì có viết bao nhiêu chắc cũng không đầy đủ - anh vừa vĩnh viễn buông tay với chúng ta, buông tay với những người làm báo Minh Hải - Bạc Liêu. Anh là Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh. Chúng ta hãy dành một phút tưởng nhớ về anh thay một nén nhang lòng, vì một kiếp người trọn đời gắn bó cho sự nghiệp báo chí. Chúng ta kỳ vọng hương hồn của anh cũng quanh quẩn đâu đây trong cuộc hội ngộ này…

Nhắc đến anh - đến người vĩnh viễn ra đi, tôi chợt ngộ ra một điều mà ít ai để ý đến, đó là những người đã mang cái nghiệp vào thân (nghiệp báo) thì dường như đeo đuổi đến cả cuộc đời, ít ai ngả rẽ, sang ngang. Mới hay nghề báo đầy nghiệt ngã nhưng cũng lắm vinh quang có sức hút đến lạ thường!

Phải chăng vì thế mà các thế hệ nhà báo cứ tiếp bước nhau “đường càng đi, đội ngũ càng nhiều”. Thế hệ nhà báo nối tiếp 16 nhân vật lập ra Báo Bạc Liêu ngay sau đó có Hàn Ái Tiến (nay là Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu), Trần Thị Thu Đông (nay là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), Nguyễn Tấn Thiều Quang (phiên dịch tự do và giờ đây cũng tự do phiên dịch) nghe đâu ở một công ty Nông sản lớn của nước ngoài.

Rồi Lê Việt Minh, Nguyễn Việt Sử, Kim Thoa, Đan Phượng, Ngô Tuấn, Trần Trọng Duy, Châu Loan, Trương Văn Tuấn, Thu Nga, Lý Hồng Lê, Trọng Hội, Tấn Triều...

Tiếp nữa là Nhật Hồ, Thanh Phong, Cẩm Phong, Lâm Anh, Kim Phượng, Huỳnh Như, Quang Hùng, Cẩm Thúy, Thế Trân, Châu Khánh, Ngọc Trân, Minh Đạt, Tấn Đạt, Lư Dũng, Tuyết Thanh…

Còn nữa, Nguyễn Quốc, Tú Quyên, Thanh Hải, Quốc Cường, Thanh Phương, Cẩm Huyền, Việt Tuyển, Hữu Thọ, Hoàng Lam, Chí Linh, Hồng Thị Như, Hồng Chanh Ly, Sơn Pum, Yến Nhi và còn ai nữa… để bây giờ số đầu quân với báo lên đến hơn… nửa trăm. Điều đó cho thấy sự thu hút đến kỳ lạ bởi cái “nghiệp chướng” này!

Đội ngũ phóng viên trẻ của Báo Bạc Liêu tại triển lãm báo Xuân năm 2006. Ảnh: T.L

Điều phấn khởi hơn hết là những người “kết duyên” với tờ báo hôm nay đều là những người yêu nghề khi đến với nghề. Họ là những nhà báo qua trường lớp hẳn hoi, được đào tạo “ra ngô ra khoai”, chuyên môn nghiệp vụ căn cơ, bài bản - không như thế hệ chúng tôi - dù rất cháy bỏng tình yêu với nghề, máu lửa với nghề, nhưng phần lớn “kiến thức căn bản” chỉ gói trong hai chữ “kinh nghiệm” là chính!

Trong đội quân “đường càng đi đội ngũ càng nhiều” ấy, tôi đặc biệt chú ý đến 3 nữ “chiến binh” - 3 nhà báo nữ. Có thể nói họ đã góp phần đắc lực nhiều năm qua cùng tập thể điểm tô bằng những sắc màu rất… nữ tính cho Báo Bạc Liêu 25 năm mà nếu đem đọ sắc, đọ tài chắc tờ báo của mình cũng không “thua chị, kém em” trong làng báo Đồng bằng và trong cả nước từ hình thức đến nội dung!

Ba nhà báo đó chính là Lâm Anh (hiện là Phó tổng Biên tập), là Kim Phượng (nhà báo chuyên về mảng pháp luật), là Cẩm Thúy (hiện là Trưởng phòng Chính trị - Văn hóa, Xã hội) - một cây bút lả lướt về lĩnh vực văn hóa…

Điều đáng nói là ở 3 nữ nhà báo này có 3 điểm trùng hợp ngẫu nhiên thú vị mà chỉ đến khi có điều kiện “nhìn ngắm” họ, tôi mới phát hiện ra (có lẽ họ cũng vậy). Ba điểm trùng hợp đó là, thứ nhất: Cách đây trên dưới 20 năm - khi còn ngồi trên ghế nhà trường - Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, cả ba đều là học sinh giỏi Văn của trường này (tất nhiên là ba người ở 2 khóa khác nhau). Thứ hai: Cũng trên dưới 20 năm ấy, cả 3 không ai bảo ai, nhưng rồi cả ba lại gặp nhau khi đầu quân vào Báo Bạc Liêu - nơi họ ấp ủ từ khi “phát hiện” ra mình có năng khiếu với văn chương - theo như lời họ kể. Rồi cũng sau đó không lâu khi được gắn “mác” nhà báo, cả ba đều “giật” giải Báo chí - dù thứ hạng không đồng đều nhưng tất cả đều đứng trong tốp đầu của giải!

Nhà báo Lâm Anh (thứ ba từ trái sang) nhận giải Nhất Giải Báo chí truyền thống tỉnh Bạc Liêu năm 2002. Ảnh: T.L

Một điều lý thú nữa (điều trùng hợp thứ 3) là 3 nữ nhà báo này là những nhà báo đầu tiên của Báo Bạc Liêu 25 năm có bằng cấp Thạc sĩ chuyên ngành Báo chí, chuyên ngành Luật (phục vụ đắc lực cho sự nghiệp báo chí mà họ đang theo đuổi).

Riêng tôi, tôi ấn tượng về họ, ngoài 3 điểm chung ấy họ còn thuyết phục tôi qua tác phẩm mà họ tạo ra. Đó là những nét riêng tạo thành… tính cách trong mỗi tác phẩm. Khi đọc tác phẩm của họ, cho dù tên tuổi tác giả được che đi, tôi vẫn có thể nhận ra ai là người thai nghén, đẻ ra tác phẩm đó. Điều đó cho thấy họ đã có một chỗ đứng riêng trong nghề, có một vị trí độc lập rất khó lẫn với bất kỳ ai…

Nhà báo Kim Phượng. Ảnh: T.L

Trong làng báo Bạc Liêu hôm nay còn xướng tên nhiều nhà báo “nhà nghề” khác nữa, nhưng không có điều kiện để kể chi tiết hết. Mỗi gương mặt là một “thần thái” riêng, có sở trường, sở đoản riêng trong nghề, trong lĩnh vực mình phụ trách, đảm nhiệm. Ở họ có một điểm chung là luôn có tình yêu cháy bỏng với nghề, xả thân với nghề… Và cộng hưởng những “điểm sáng” ấy lại với nhau, tạo thành một đội ngũ nhà nghề, làm nên một tờ báo Bạc Liêu 25 năm chuẩn mực, chỉn chu, bề thế… nhưng không kém phần lộng lẫy khi đứng cùng đồng nghiệp trong khu vực và cả nước!

Chúng ta tự hào vì đến nay báo Bạc Liêu là tờ báo Đảng 3 kỳ/tuần có số trang báo nhiều nhất (16 trang) so với báo Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Báo điện tử Bạc Liêu được nhiều người đọc cập nhật - đến nay đã lên con số gần 150 triệu lượt (sau 10 năm thành lập) và báo Bạc Liêu chữ Khmer được đồng bào dân tộc đón nhận nhiệt tình…

Trở lại chuyện tình đời, tình người, tôi xin mạn phép được nhắc các em - những thế hệ làm báo sau chúng tôi: Hãy nhìn những người đi trước, gắn kết bên nhau, mà sống mà làm nghề (dù có thể họ không là mẫu hình toàn diện…) nhưng họ là một tập thể “siết chặt” tay nhau trong một “tổ chức tập thể” - chỉ có gắn kết mới tạo nên sức mạnh và tồn tại. Ở họ còn là tình yêu thương máu thịt với nghề, với người trong việc “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể”… của tập thể Báo Bạc Liêu một phần tư thế kỷ đã qua. Đừng bao giờ đố kỵ, ganh ghét ai đó - nhất là với đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè… Vì khi xa rồi (không ai tránh khỏi ngày chia xa) sẽ thương, sẽ nhớ lắm những tháng ngày bên nhau - khi ấy sẽ không còn kịp nữa! Có đố kỵ chăng là “đố kỵ” với cuộc sống còn nhiều điều khiếm khuyết để ra sức làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn theo chức trách, nhiệm vụ vốn có của nghề mình…

***

Người cuối cùng trong hàng 16 là tôi - Nguyễn Duy Hoàng (Tổng Biên tập thời kỳ 2007 - 2019). Chắc chúng ta thắc mắc vì sao Duy Hoàng không được nhắc đến trong những nhân vật lập ra Báo Bạc Liêu 1997? Trước hết vì ai lại nói… về mình. Thứ nữa là vì tôi xin được “kế thừa tuyệt đối” khí chất Chí Phèo, khi Chí Phèo chửi đổng thì cả làng Vũ Đại ai cũng nghĩ “chắc nó chừa mình ra”!… Tôi tự chừa mình ra là để có điều kiện tĩnh tâm, ngẫm những kỷ niệm, những buồn vui, những ân tình trong hành trình của một đời theo nghiệp, để kể cho bạn bè đồng chí, đồng nghiệp trong cái mốc Báo Bạc Liêu 25 năm rất ý nghĩa này.

Nữ ĐV-TN Báo Bạc Liêu trong một buổi sinh hoạt Đoàn. Ảnh: T.L

Những chuyện kể những vui buồn tôi vừa liệt kê ra… xin tất cả chúng ta đừng ai phiền lòng, hờn trách, cho dù có những chi tiết, những lời kể về ai đó có trần trụi, thiếu hoa mỹ, hay chưa tròn về độ chính xác… Nhưng đó là cái cốt rất riêng, đọng lại trong yêu thương; Nó là “câu chuyện làm quà” như đã nói, không ảnh hưởng đến “sinh mệnh chính trị, không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”… Nó là câu chuyện của tình thương, của những người đồng nghiệp từng một thời - một đời gắn bó bên nhau.

Nói về quan điểm: 25 năm, trước đó và sau này, “sợi chỉ đỏ của tính Đảng, tính chiến đấu, tính quần chúng, tính cách mạng…” luôn là mạch nguồn chảy trong tư tưởng, ý thức của người làm báo. “Đi về phía Nhân dân” là mục tiêu cao nhất và duy nhất của mỗi nhà báo, của tờ báo Đảng chúng ta. Dẫu biết rằng còn nhiều điều chưa trọn, nhưng chúng ta đã dấn thân, cống hiến bằng cả trái tim mình trong hành trình 25 năm gian lao, vất vả và hạnh phúc!

Trước khi kết thúc ghi chép không đầu không đuôi này, xin được mượn tính cách “cẩn trọng” của “cụ báo” Tô Đoàn Hùng, tính tỉ mẩn của anh Đỗ Điều - họa sĩ để nhắc nhớ đến các em - thế hệ làm báo năng động và nhanh nhạy hôm nay: Tính cẩn trọng trong nghề báo là không bao giờ thừa - cho dù thời đại có thay đổi… Người viết xin được bổ sung thêm: Tính trung thực, tính khoa học, tính toàn diện và tình thương yêu con người (tính nhân đạo) cũng không thể thiếu - Đây cũng là thông điệp có tính nguyên tắc của báo chí cách mạng cho hôm nay và cả mai sau!

Hãy sống và làm nghề một cách đàng hoàng, tử tế!

Bạc Liêu 1997 - 2021

Ghi chép vui của Duy Hoàng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.