Xuân Nhâm Dần 2022
Xuân về nhớ chuyện Bác Hồ thăm người nghèo đêm Giao thừa
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho Nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các phụ lão và văn nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 5/2/1962 (mồng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Với Bác, dù công việc vô cùng bận rộn song Người luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để đến thăm hỏi, chúc Tết đồng bào, đồng chí. Bác đến với mọi người trong ngày Tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. Tình yêu thương con người của Bác mênh mông như biển cả, sâu thẳm như đại dương. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Lòng yêu thương con người của Bác không chung chung trừu tượng mà gắn bó với những con người cụ thể, vừa bao la rộng lớn lại vừa gần gũi thân thương với từng số phận. Câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo đêm Giao thừa năm Nhâm Dần (1962) là một minh chứng tiêu biểu cho tình yêu thương con người của Bác, như một bài ca đẹp đi cùng tháng năm về tình yêu bao la của Bác Hồ.
Tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), đường phố Hà Nội mịt mù trong làn mưa bụi. Trời rét ngọt, xe ô tô đưa Bác tới đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín. Bác chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc Tết. Chồng chị Tín mất sớm, để lại 3 đứa con nhỏ dại. Chị phải đi làm công nhật, gặp việc gì làm việc đó để lấy tiền nuôi con. Bác bước vào nhà, chị Tín sửng sốt nhìn Bác. Các con chị reo lên: “A ! Bác Hồ, Bác Hồ!” rồi chạy lại quanh Bác… Lúc này chị Tín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm chầm lấy Bác và bỗng nhiên khóc nức nở. Bác đứng lặng, hai tay nhẹ vuốt lên mái tóc chị Tín. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác an ủi:
- Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?
Cố nén xúc động,nhưng chị Tín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:
- Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá thành ra con khóc ạ.
Bác nhìn chị Tín, nhìn các cháu một cách trìu mến và Bác ôn tồn nói:
- Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?
Bác đến bên các cháu, âu yếm xoa đầu và trao quà Tết cho các cháu. Bác quay lại hỏi chị Tín:
- Thím hiện nay làm gì?
- Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ.
- Như vậy là làm công nhân chứ, sao lại gọi là phu?
- Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.
- Thím vẫn chưa có công việc ổn định à?
- Dạ, cháu đã ngoài 30 tuổi, lại kém văn hóa nên tìm việc làm ổn định cũng khó ạ.
Bác quay lại nhìn ông Phó Bí thư Thành ủy và ông Chủ tịch Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội, rồi Bác lại hỏi tiếp chị Tín:
- Mẹ con thím có bị đói không?
- Dạ, bữa cơm, bữa cháo cũng tạm đủ ạ!
Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt. Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi chị Tín:
- Cháu có đi học không?
- Dạ, con cháu đang học lớp 4 ạ. Cháu nó vất vả lắm, sáng đi học, chiều về trông các em và đi bán kem hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu…. Còn cháu thứ hai thì học lớp ba, cháu thứ ba thì học lớp hai. Dạ, khó khăn nhưng vợ chồng cháu trước đã dốt nát nay cũng phải cố cho các cháu đi học.
Nghe chị Tín nói, Bác tỏ ý hài lòng. Bác ân cần dặn dò chị về việc làm ăn và việc học hành cho các cháu. Trên đường về Phủ Chủ tịch, mưa xuân như rắc bụi, trời càng lạnh. Ngồi trong xe, Bác đăm chiêu suy nghĩ. Sau Tết, Bác Hồ đã chỉ thị cho Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Tín.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Tá - Trưởng Ban bảo vệ khu phố Đống Đa, ngày 12/2/1964 (đêm Giao thừa). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Câu chuyện Tết Bác đến thăm gia đình chị Tín đã thể hiện một việc làm đời thường cụ thể nhưng chứa đựng một triết lý sống, một nhân cách vĩ đại, tâm hồn cao cả với một tình thương yêu bao la vô tận đối với con người của Bác Hồ. Bác nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác đã đặt chân lên nhiều nước, nhiều nơi trên các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và nhiều lần, Bác đã rơi nước mắt khi phải chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những kiếp sống ngựa trâu của những người nô lệ, những người lao động nghèo khổ. Câu chuyện Bác đến thăm và chúc Tết gia đình chị Tín đã xóa đi khoảng cách giữa một lãnh tụ, Chủ tịch nước với chị Tín - người dân lao động bình thường trong xã hội.
Là Chủ tịch nước, sứ mệnh của cả dân tộc đang đặt trên đôi vai Bác. Biết bao công việc bộn bề, vậy mà Bác vẫn dành thời gian để đến thăm những gia đình nghèo khổ khi năm cũ sắp qua - xuân mới đã về. Đó chính là tình thương yêu con người, là sự chăm lo ân cần của Bác đối với Nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ, có hoàn cảnh bất hạnh. Chính vì vậy, đức độ của Bác theo năm tháng càng khắc ghi sâu đậm không bao giờ phai nhạt và lung linh tỏa sáng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.n
B.B.L (Theo 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh)
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024
- Họp báo thông tin về kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa X