Xuân Tân Sửu 2021
Bạc Liêu và mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển
Trong thế kỷ XXI, biển và đại dương đã trở thành vấn đề sống còn của từng quốc gia, dân tộc và sự phát triển, đi lên của đất nước có biển. Biển Việt Nam từ truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên” với 50 người con xuống biển thể hiện vai trò quan trọng của biển trong đời sống và tầm nhìn xa của ông cha ta. Với Bạc Liêu, biển đang là bệ phóng để tỉnh phát triển, với quyết tâm là tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: M.Đ
Phát triển kinh tế biển: từ chính sách đến thực tiễn
Là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.669km2, bờ biển dài 56km với 4 cửa biển lớn gồm: Gành Hào, Cái Cùng, Chùa Phật, Nhà Mát, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 20.700km2 và ngư trường rộng trên 40.000km2. Sau ngày tái lập tỉnh (năm 1997), Tỉnh ủy đã ban hành hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 02 và 06 về phát triển kinh tế biển (giai đoạn 1998 - 2005 và 2005 - 2010). Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 09, ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Bạc Liêu đã xây dựng nhiều nghị quyết, chương trình về phát triển kinh tế biển; trong đó có Nghị quyết 04 về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rõ ràng, ngay từ những ngày đầu tiên, Bạc Liêu đã quan tâm phát triển kinh tế biển và xem đây là ngành kinh tế động lực quan trọng của tỉnh.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo, những thay đổi quan trọng đã hình thành rõ nét. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế biển kết hợp với quốc phòng - an ninh được đầu tư. Nhiều dự án động lực về điện gió, điện khí đã và đang triển khai; Cảng biển Gành Hào đã được bổ sung vào hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các dự án phục vụ an sinh xã hội được thực hiện; các mô hình nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ bền vững theo hướng VietGAP… được xây dựng, từng bước hình thành các cụm kinh tế, các khu du lịch, dịch vụ ven biển.
Tuy nhiên, thực tiễn đời sống đã chỉ ra, các lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác tốt; sự liên kết giữa vùng biển, ven biển với vùng nội địa, địa phương có biển và địa phương không có biển, giữa các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ. Vốn đầu tư cho chương trình, dự án phát triển kinh tế biển và vùng ven biển chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các dự án động lực, các khu neo, đậu tránh, trú bão; hạ tầng giao thông; xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ; vận tải hàng hải; dịch vụ và du lịch biển… đầu tư còn hạn chế. Hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ngập mặn gia tăng, lấn sâu vào nội địa tác động tới môi trường và tài nguyên đất trong khi các công trình chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ. Việc chỉ đạo phát triển kinh tế biển và vùng ven biển có lúc, có nơi chưa thực hiện đến nơi, đến chốn, hiệu quả chưa cao, đặc biệt chưa hoàn tất việc quy hoạch biển, vùng biển Bạc Liêu. Những vấn đề này đòi hỏi tỉnh phải có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho chiến lược đưa biển trở thành bệ phóng để phát triển kinh tế.
Tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn ở huyện Đông Hải. Ảnh: H.T
Quyết làm giàu từ biển
Để trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm, trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, trung tâm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, Bạc Liêu có nhiều việc phải làm. Đó là hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; đồng thời, phát triển ổn định, bền vững mô hình tôm sạch (tôm - rừng). Phát triển số lượng tàu có công suất lớn đánh bắt dài ngày và các vùng biển sâu, biển xa; hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế thay thế một số nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ.
Phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời và điện khí). Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến bộ xây dựng các dự án điện gió, tiến độ hoàn thành hồ sơ phát triển điện lực quốc gia đối với Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu. Phát triển du lịch biển, xác định rõ lợi thế so sánh về du lịch, thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch, resort cao cấp, đặc thù văn hóa và sinh thái, ẩm thực địa phương, nhất là các khu, điểm du lịch ven biển gắn với rừng, khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các dự án điện gió dọc bờ biển; du lịch tâm linh, du lịch văn hóa... Hoàn thành hạ tầng Khu du lịch Nhà Mát và khu vực lân cận để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhằm đáp ứng các điều kiện đề nghị công nhận là Khu du lịch quốc gia trước năm 2030.
Phát triển kinh tế hàng hải; công nghiệp cơ khí, xây dựng các khu, cụm công nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ven biển và liên kết vùng. Thu hút đầu tư khai thác lợi thế từ kinh tế biển; từng bước đưa Đông Hải trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển và đến năm 2030 trở thành thị xã Đông Hải. Phấn đấu nâng cao, mở rộng Cảng cá Gành Hào đạt quy mô cảng cá loại I, tranh thủ bổ sung quy hoạch cảng nước sâu Bạc Liêu vào hệ thống cảng biển quốc gia. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án tuyến đê biển Đông, các công trình kè chống sạt lở, đường bộ ven biển; các dự án thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá, bến cá, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư hệ thống Âu thuyền trên kênh Cà Mau - Bạc Liêu; quan tâm đầu tư các công trình ven; kiên cố, kết hợp với làm nơi tránh trú bão cho người dân khi có thiên tai.
Công trình điện gió Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C
Phát triển nông, lâm, diêm nghiệp; ứng dụng khoa học - công nghệ; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hoàn thiện xây dựng kế hoạch và triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh. Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp bờ Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030; khai thác, sử dụng bền vững vùng bờ trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch cụ thể và ưu tiên đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên vùng biển sâu, biển xa.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã định hướng mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025, trong đó xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và 3 khâu đột phá. Trong 5 trụ cột, đã có đến 4 lĩnh vực liên quan đến biển, vùng biển của Bạc Liêu. Đến lúc chúng ta có quyền khẳng định, biển giờ không chỉ cho mắm, vẹt mọc, hay vùng đất sình cho cư dân ven biển nghèo, mà nhường chỗ cho những trụ tua-bin sừng sững vút trời. Vùng biển từng dậy sóng sẽ là bãi tập kết của luồng khí hóa lỏng để vào bờ và hòa vào lưới điện quốc gia. Sẽ không xa, 56km bờ biển của Bạc Liêu sẽ là biển của điện gió. Biển sẽ thực hiện sứ mệnh khát vọng làm giàu ngàn đời của ông cha ta.
Lê Hữu Buôl