Xuân Tân Sửu 2021
Con tôm Bạc Liêu: Vững chắc sân nhà, vươn tầm thế giới
Sau 24 năm chia tách tỉnh, con tôm đã vững vàng giữ vị trí đầu tiên trong những nguồn lợi mang đến hiệu quả kinh tế cao cho Bạc Liêu. Chuyện nuôi tôm với người nông dân trong tỉnh bây giờ giống như chuyện ăn cơm hàng ngày, không cần bàn cãi gì thêm. Vấn đề được đem ra để thảo luận trong phát triển ngành tôm của tỉnh hiện nay đi vào những nội dung mang tầm cao hơn: nuôi theo mô hình công nghệ cao nào? Xuất khẩu tôm vào các thị trường khó tính trên thế giới ra sao?...
Chế biến tôm nguyên con xuất khẩu ở Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Tôm Việt (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu).
Tôm công nghệ cao trên sân nhà
Nếu những ngày đầu chia tách tỉnh, con tôm với đồng đất Bạc Liêu còn là câu chuyện thăng trầm với kỹ thuật nuôi còn hạn chế và sự tranh chấp mặn ngọt, thì bây giờ con tôm đã được xem là mũi nhọn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao - một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được Bạc Liêu xác định từ giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đó là một bước tiến dài về chủ trương, chính sách của tỉnh trong việc xác định hướng đi để phát huy tiềm năng, thế mạnh cũng như sự tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ trong nuôi tôm của doanh nghiệp lẫn hộ dân.
Với diện tích nuôi tôm hơn 135.000ha và hiện có 23 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế gần 135.000 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước, có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản; gần 90% hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đầu tư hoàn thành, Bạc Liêu đang dần hiện thực hóa chủ trương trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Bạc Liêu đang tập trung xây dựng và phát triển các vùng nuôi tôm chuyên canh quy mô lớn theo hình thức tập trung, quy mô trang trại, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng tuần hoàn, khép kín từ khâu lọc nước, sản xuất giống đến khâu nuôi tôm thương phẩm đều ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất đang trở thành hình mẫu cho xu hướng phát triển ngành tôm cũng như là cơ sở cho việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai.
Thu hoạch tôm nuôi ở Công ty Dương Hùng (huyện Đông Hải). Ảnh: C.L
Định danh trên thị trường quốc tế
Khi sân nhà được xây nên bằng công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu thế chung của thế giới, con tôm Bạc Liêu hoàn toàn có thể chủ động và đủ tự tin khi tham gia vào “đấu trường” lớn như Úc hay Liên minh châu Âu (EU). Tập đoàn Việt - Úc, một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tôm công nghệ cao của cả nước đã tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Mỹ và Hà Lan. Đây cũng là đơn vị đầu tiên được Cục Thú y trao giấy chứng nhận cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn an toàn dịch bệnh của Việt Nam theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), một điều kiện tiên quyết để Tập đoàn Việt - Úc xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc.
Là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, khi con tôm được xuất khẩu sang Úc cũng đồng nghĩa sẽ rộng cửa vào hầu hết thị trường ở các nước khác trên thế giới, từng bước xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Ngoài Úc, EU cũng là thị trường mà mọi doanh nghiệp đều muốn hướng đến, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng đây luôn là thị trường khó tính mà nhiều doanh nghiệp còn chần chừ vì hệ thống hồ sơ, thủ tục phức tạp. Cùng với đó là yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong đó, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP, hay năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên, phát triển các sản phẩm có sự chế biến tốt, bảo quản dài ngày để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn so với Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã mang lại nhiều cơ hội lớn để con tôm Bạc Liêu có thể tham gia sân chơi này, nhất là việc giảm thuế cơ bản từ 12 - 20% xuống 0% và thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Việc ưu đãi thuế quan được coi như cơ hội, là “cánh cổng lớn” cho con tôm Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng bứt phá.
“Thời gian tới tỉnh Bạc Liêu cần có thêm nhiều chương trình, hội thảo, các lớp tập huấn để trao đổi kinh nghiệm, trang bị các kiến thức và hỗ trợ doanh nghiệp trước ngưỡng cửa lớn, đầy tiềm năng và thách thức này”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu trong chuyến công tác kiểm tra tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vừa qua. Thực tế, nếu ngành Nông nghiệp làm tốt công tác này và tiếp tục tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, đáp ứng với điều kiện xuất khẩu, thì chuyện con tôm Bạc Liêu đĩnh đạc “lên tiếng” ở các thị trường mang tầm quốc tế sẽ không còn xa xôi nữa.
MINH CHÍ