Xuân Tân Sửu 2021

Con trâu - bạn của nhà nông

Thứ Ba, 26/01/2021 | 15:32

Trâu là con vật gần gũi, thiết thân gắn bó với nông nghiệp, nông dân và nông thôn suốt trường kỳ lịch sử. Đến khi nền kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, con trâu dần thay đổi vai trò “đầu cơ nghiệp”, song những bài học đạo đức rút ra từ biểu tượng con trâu vẫn còn nguyên giá trị với hôm nay và mai sau.

Ảnh minh họa: Phan Thanh Cường

Sống động trong đời sống tinh thần

Con trâu bắt đầu được thuần phục, nuôi dưỡng cùng với sự ra đời của nền nông nghiệp lúa nước cách nay 5.000 - 6.000 năm. Từ đó, nó trở thành bạn của nhà nông, dần kết tinh thành biểu tượng văn hóa Việt Nam, được chọn làm linh vật SEA Games 22 lần đầu tổ chức tại nước ta năm 2003.

Lần giở quyển Văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm nói về loài vật này ở các thể loại: truyện cổ tích, truyện cười, câu đố, đồng dao, vè, tục ngữ và nhiều nhất là ca dao - có 8 câu. Tất cả là sự đúc kết và nhân cách hóa về nguồn gốc con trâu, qua đó ẩn dụ về đường ăn nết ở, kinh nghiệm về thế thái nhân tình nhẹ nhàng, sâu sắc mà thấm thía. Sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó của người với trâu. Nhưng có lẽ chính quá trình lao động bên nhau, cùng những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người trồng lúa và con trâu mới là yếu tố quan trọng khiến cho người và trâu trở thành đôi bạn thân thiết, thủy chung: “Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu/ Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày”. Không chỉ đi vào lời ăn tiếng nói, văn chương, con trâu còn xuất hiện ở vài địa danh trên địa bàn tỉnh. Có ít nhất 2 cây cầu cùng tên là cầu Trâu, một cây nằm ở ấp Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) thuộc tuyến đường từ thị trấn Hòa Bình ra đê Biển Đông. Cây còn lại là một phần của Quốc lộ 1A qua ấp Trà Ban 2 (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi), có tên hành chính cầu Xã Bảo, nhưng nhiều người vẫn quen gọi cầu Trâu, bởi trước đây vùng này hoang vu, cỏ năn mọc um tùm, các nơi đem trâu đến thả cho ăn cỏ.

Còn ở huyện Hồng Dân có địa danh Ngan Trâu. Ngan Trâu là ấp của làng Vĩnh Lộc, tổng Thanh Giang, hạt Tham biện Rạch Giá từ thời đầu Pháp thuộc. Ngày 5/3/1880, ấp Ngan Trâu cùng 9 ấp toàn người Khmer được tách khỏi làng Vĩnh Lộc để thành lập làng mới Lộc Ninh cùng tổng. Do ở ngan này (lô rừng tràm) có một số lung láng dùng để cầm trâu (đem trâu đến ở sau mùa cày) nên gọi là Ngan Trâu, sau trở thành tên đất. Ấp Ngan Trâu vào năm 1880 có 13 suất đinh, 22,5ha ruộng và 1ha đất thổ cư. Ấp tồn tại đến ngày 30/4/1975 thì đổi thuộc huyện Hồng Dân.

Con trâu - bạn của nhà nông. Ảnh: Duy Khương

Vững chắc giá trị đạo đức

Trước đây, Bạc Liêu là tỉnh thuần nông, lúa nước là cây trồng thế mạnh, chủ lực của địa phương, vì thế con trâu là một phần không thể thiếu trong hoạt động sản xuất. Lượng trâu của tỉnh có lúc trên vạn con, đơn cử như năm 1996, có 10.288 con trâu, phân bố chủ yếu ở huyện Hồng Dân (5.747 con), huyện Vĩnh Lợi (2.841 con), ít nhất là TX. Bạc Liêu 310 con. Sang năm 1997, tỉnh nhà được tái lập lần thứ hai, đàn trâu giảm xuống còn 8.200 con và cái đà giảm vẫn duy trì cho đến ngày nay. Tính đến tháng 10/2020, đàn trâu chỉ còn 1.150 con do diện tích chăn thả bị thu hẹp, nhiều hộ chuyển sang kinh doanh dịch vụ khi địa phương thu hồi đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng công nghiệp.

Những năm gần đây, tỉnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tiến hành xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, sức trâu để cày trục, cộ lúa không còn chỗ đứng nữa (trâu được nuôi lấy thịt làm thực phẩm là chính). Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày và tá điền đi sau còn hiện diện trong cụm nhà Công tử Bạc Liêu - một điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong sản xuất nông nghiệp, con trâu mất dần vị thế, không còn là tiêu chuẩn để xác định mức độ giàu có, cũng hết vai trò “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Song, biểu tượng con trâu vẫn chưa thể phai nhạt trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, “thế giới phẳng”. Thời đại mới, mọi thứ đều trở nên gọn nhẹ, tinh xảo hơn, nhưng mặt trái của tăng trưởng “nóng”, phát triển thiếu kiểm soát chặt chẽ, chạy theo những giá trị vật chất trước mắt đã để lại nhiều hệ lụy. Hình tượng con trâu thích hợp với xu hướng phát triển “chậm mà chắc”, coi trọng những giá trị tinh thần làm nền tảng của đạo đức xã hội, như: hiền lành, hòa đồng, chăm chỉ, thủy chung và kiên cường. “Có đức mặc sức mà ăn” là bài học giản dị, sâu sắc mà tiền nhân đã đúc kết vẫn chưa bao giờ lạc hậu.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.