Xuân Tân Sửu 2021
Định vị kinh tế Bạc Liêu: TÌM HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG CHO TƯƠNG LAI
Năm Tân Sửu 2021 được xem là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Ðây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong không khí phấn khởi và bước vào giai đoạn tăng tốc để Bạc Liêu đứng vào tốp khá của khu vực và cả nước.
Lễ khởi công Nhà máy Điện gió Kosy tại huyện Hòa Bình. Ảnh: L.D
LẤY HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI DÂN LÀM MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG
Với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 7%/năm, Bạc Liêu được ví như “ngôi sao” lấp lánh giữa đồng bằng về phát triển kinh tế. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, đã phản ánh sinh động sự nỗ lực, quyết tâm và không ngừng khát vọng vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.
Phát huy thành tích này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2021 - 2025 phải đạt từ 10 - 11% (so với nhiệm kỳ trước đặt ra là 6,5 - 7%); phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020. Để Bạc Liêu hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, ngoài tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng thu ngân sách thì thu nhập bình quân đầu người phải đạt 110 - 120 triệu đồng/năm và hạn chế tình trạng tái nghèo. Đây chính là chỉ tiêu quan trọng nhất và được xem là “chỉ tiêu của chỉ tiêu”, vì mục tiêu cuối cùng của thực hiện tăng trưởng kinh tế chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Mục tiêu quan trọng và mang tính xuyên suốt ấy đã được cụ thể hóa trong chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về “xây dựng bộ chỉ số hạnh phúc của cư dân làm thước đo phát triển ngay trong điều kiện kinh tế chưa cao”. Đây là bước đi cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đã được xác định trong đường lối của Đảng là “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”. Trên thực tế, chỉ số hạnh phúc của cư dân là tiêu chí để đánh giá sự phát triển của một địa phương hay quốc gia, chứ không đơn thuần là sự tăng trưởng về mặt quy mô của nền kinh tế.
Hàng chục dự án điện gió, năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư hay đã khởi công thời gian qua giúp Bạc Liêu tiến gần đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia trong giai đoạn mới. Song, các dự án có thể giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động của địa phương, cũng như tham gia vào giải quyết những vấn đề xã hội mang tính nền tảng của một tỉnh thuần nông hay không thì còn cần thêm những lời giải hiệu quả khác.
Vì thế, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia tuy được xếp là một trong 3 đột phá, nhưng việc cần thêm đột phá nữa là làm gì để giải quyết việc làm, thu nhập cho hơn 70% dân số dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bởi tổng thu ngân sách có tăng thêm vài ngàn tỷ đồng, hay Bạc Liêu trở thành trung tâm của các trung tâm mà bản thân người dân không giàu, không được hưởng lợi và chưa thấy hạnh phúc cũng chẳng mang lại ý nghĩa gì. Song, để tạo ra đột phá cho nền kinh tế cũng cần một mô hình tăng trưởng mới.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc ở Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao huyện Đông hải.
TIẾP CẬN MÔ HÌNH “KINH TẾ TUẦN HOÀN”
Một trong những mô hình kinh tế truyền thống lâu nay chính là “kinh tế tuyến tính”. Mô hình này dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường các yếu tố còn lại.
Với mô hình này, đã và đang dần làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Đồng thời, đi ngược lại với phát triển bền vững.
Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, các quốc gia trên thế giới đã thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ mô hình “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”. Đó là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên 3 nguyên tắc chính: bảo tồn, tăng cường vốn tự nhiên; tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống. Trong đó, duy trì và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát các tài sản hữu hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo với các mức độ là phục hồi, chuyển hóa, trao đổi; tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, các linh kiện và vật liệu để sử dụng được ở mức độ cao nhất… Trong đó, tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng từ thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất…
Đi theo xu hướng phát triển tất yếu này, Bạc Liêu đã nhờ Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên 4 nguyên tắc: hạnh phúc, tự cường, đổi mới sáng tạo và bền vững. Qua đó, đưa Bạc Liêu trở thành hình mẫu về hệ sinh thái tuần hoàn, lấy hạnh phúc của người dân làm trọng tâm, các nguồn lực đầu tư có chọn lọc, đảm bảo hình thành và duy trì một hệ sinh thái tuần hoàn bền vững có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bạc Liêu hoàn toàn có thể thực hiện thành công mô hình kinh tế này, vì tỉnh đã và đang tạo ra tiền đề cho mô hình “kinh tế tuần hoàn”. Điển hình trong nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu đã phát triển thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc, với hệ thống ao nuôi liên hoàn, tái sử dụng nguồn nước thải sau khi xử lý, nên môi trường ao nuôi ít ô nhiễm. Công nghệ này hoạt động theo nguyên lý duy trì tỷ lệ hợp lý các hợp chất trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, sử dụng chất thải từ tôm, thức ăn dư thừa tạo thành sinh khối vi khuẩn (hạt Biofloc) làm thức ăn cho tôm, cặn bã sau đó được tách chiết qua hệ thống lắng, lọc sử dụng làm Biogas phục vụ sinh hoạt.
Định vị lại nền kinh tế, trong đó, lấy hạnh phúc người dân và phát triển bền vững làm mục tiêu cho tăng trưởng chính là khát vọng lớn nhất và cũng chính là hướng đi bền vững cho tương lai mà toàn Đảng bộ Bạc Liêu luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trong từng giai đoạn phát triển.
LƯ TRUNG