Xuân Tân Sửu 2021
Đưa Phước Long trở thành “đầu tàu” kinh tế vùng Bắc Quốc lộ 1A
Tết này, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phước Long có hai lý do để đón xuân rộn ràng. Trong năm 2020, có 100% số xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và việc xây dựng huyện trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Ban Chấp hành (BCH) Ðảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết chuyên đề.
Ảnh: H.T
NƠI HỘI TỤ TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH
Về lĩnh vực sản xuất, có thể nói, huyện Phước Long được ví như tỉnh Bạc Liêu thu nhỏ, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có đầy đủ 3 vùng sản xuất. Quy mô và sự đa dạng mô hình của huyện đủ sức để nhân rộng cho cả vùng rộng lớn. Vùng ngọt ổn định chuyên sản xuất lúa và một số mô hình kết hợp, như: lúa - cá, lúa - màu... Vùng chuyển đổi (lợ và mặn) chuyên nuôi tôm sú, thẻ chân trắng và thực hiện một số mô hình như: tôm - lúa, tôm - cua - cá, tôm - lúa - tôm càng xanh... Các mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao có sự liên kết chặt chẽ, đủ điều kiện nhân rộng ra toàn vùng Bắc Quốc lộ 1A. Nông nghiệp, nông thôn Phước Long ngày càng phát triển toàn diện theo chiều sâu. Cụm công nghiệp Chủ Chí đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Huyện phát triển đô thị hóa khá nhanh, nhất là các khu vực thị trấn Phước Long, Phó Sinh, Chủ Chí, Trưởng Tòa...
Hệ thống giao thương của huyện Phước Long liên kết đồng bộ, là đầu mối cả địa bàn rộng lớn vùng Bắc Quốc lộ 1A, có các tuyến tỉnh lộ đi qua địa bàn, như: tuyến Phước Long - Vĩnh Mỹ, Cầu Sập - Ninh Quới, Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền… Đường ô tô về trung tâm các xã, liên xã, liên ấp, ngõ xóm thuận tiện cho lưu thông. Đặc biệt, Phước Long có tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp và tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua dài trên 30km tạo thuận lợi lớn cho hoạt động giao thương kết nối vùng. Về mặt định hướng quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, Phước Long có nhiều tuyến đường huyết mạch, quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long và của tỉnh đi qua địa bàn, như: Tuyến cao tốc trục dọc từ Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau. Riêng tuyến cao tốc trục ngang cửa khẩu Xà Xía - Hà Tiên - Hậu Giang - Bạc Liêu đi gần sát qua địa bàn huyện Phước Long. Đường tỉnh ĐT.980 từ Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh. Đường từ cầu Phước Long 2 đi Ba Đình (Hồng Dân) nối với đường Hồ Chí Minh…, là địa bàn có lợi thế tốt nhất vùng Bắc Quốc lộ trong lĩnh vực giao thông vận tải…
Không dừng lại ở lợi thế đó, thời gian qua, Phước Long luôn thể hiện vai trò đầu tàu của tỉnh trong xây dựng huyện NTM và NTM kiểu mẫu, tạo ra nhiều mô hình tiêu biểu cho các địa phương vận dụng. Phong trào xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu ở huyện Phước Long đã và đang mang lại thành tựu đáng kể cho tỉnh và lan tỏa ra cả khu vực đồng bằng.
Mô hình lúa - tôm đang phát triển mạnh ở huyện Phước Long. Ảnh: M.Đ
BẬT LÊN TỪ NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ
Đứng trước đòi hỏi của thực tiễn, Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về việc xây dựng huyện trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã được ban hành. Sự ra đời của nghị quyết này không chỉ là niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phước Long mà còn là “đòn bẩy”, là điều kiện tốt nhất để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế đầy năng động này. Đi lên từ một huyện nghèo, giờ đây, con đường để đưa Phước Long trở thành đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Quốc lộ 1A đang gần trở thành hiện thực.
Để đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào đời sống, BCH Đảng bộ tỉnh giao các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy và các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng năm để triển khai thực hiện. Từ nghị quyết này, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, làm cơ sở trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện nghị quyết. Vấn đề quan trọng khác là các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh được giao xác định nguồn lực cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế, đảm bảo đạt đúng lộ trình nghị quyết đề ra. Hiện tại, BCH Đảng bộ huyện đang khẩn trương hoàn thành chương trình hành động để UBND huyện cụ thể hóa bằng một đề án khả thi nhất, đáp ứng xu hướng phát triển tất yếu của huyện và cả vùng.
Kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp tạo ra thuận lợi lớn cho huyện Phước Long kết nối vùng. Ảnh: P.T.C
BỨC TRANH PHƯỚC LONG HOÀN CHỈNH
Bằng quyết sách và hướng đi đúng đắn mà nghị quyết đề ra, theo lộ trình đến năm 2025, Phước Long sẽ cơ bản hội đủ các điều kiện, hoàn thiện về kết cấu hạ tầng. Sản xuất nông nghiệp của huyện sẽ phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao (lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, tôm sạch, tôm công nghệ cao...) đảm bảo hiệu quả và bền vững. Chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường.
Đi cùng với mục tiêu, lộ trình đó, Phước Long cũng sẽ có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phù hợp với điều kiện phát triển của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chất lượng giáo dục - đào tạo cho từng cấp học từng bước có thứ hạng cao. Hệ thống y tế phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại, xứng tầm là trung tâm khám chữa bệnh cấp vùng. Trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030, Phước Long thật sự là trung tâm phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các vùng lân cận, có cơ cấu kinh tế tích cực, đảm bảo bền vững; là đầu mối liên kết các địa phương trong vùng Bắc Quốc lộ 1A. Tỷ lệ phát triển đô thị hóa cao, nông nghiệp liên kết chặt chẽ, nông thôn mới phát triển theo chiều sâu. Huyện vừa có khả năng thu hút, lan tỏa, vừa là động lực, là hình mẫu thúc đẩy sự phát triển của các địa phương lân cận; là trung tâm trung chuyển, chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa của khu vực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo hiện đại. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 120 - 130 triệu đồng/năm, đời sống Nhân dân Phước Long sẽ thật sự khá giả, là động lực, có vai trò bổ trợ tích cực để các địa phương lân cận cùng nhau phát triển nông thôn thành những vùng quê đáng sống.
Nguồn lực đầu tư được nghị quyết xác định là ưu tiên các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, tăng cường huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài và Nhân dân, tranh thủ các nguồn vốn ODA; tiếp tục khai thác một cách hợp lý, hiệu quả quỹ đất công để tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Tổng số vốn dự kiến là 5.428 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn thực hiện: vốn Trung ương và tỉnh khoảng 40%; vốn huyện khoảng 15%; vốn từ các doanh nghiệp, các loại hình kinh tế khác khoảng 35%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.
Lê Văn Tần - Chủ tịch UBND huyện Phước Long